Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã giúp tăng giá trị nông sản, mở hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều hộ gia đình. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm trên không gian mạng đang là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều chủ thể tại Hòa Bình vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận.

Bắt nhịp xu thế quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua thực hiện chuyển đổi số, sản phẩm OCOP 3 sao thịt chua Lâm Tin, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) từng bước đưa lên sàn thương mại điện tử để đến gần hơn với người tiêu dùng.

Nở rộ sản phẩm OCOP

Trước khi Nhà nước triển khai Chương trình OCOP, ở nhiều địa phương trong tỉnh, mặc dù tiềm năng về nông sản, dược liệu phong phú, song sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và buôn bán trong thị trường hẹp nội huyện, vùng lân cận. Tuy nhiên, với chính sách khuyến khích của Nhà nước về xây dựng sản phẩm OCOP, số lượng sản phẩm của các huyện, thành phố tăng từng năm.

Đơn cử như ở huyện Lạc Sơn, năm đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện mới có 2 sản phẩm được công nhận 3 sao. Sau 5 năm, Lạc Sơn có trên 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Là một trong hai chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tiên được công nhận từ năm 2019, chị Quách Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng (xã Hương Nhượng) chia sẻ: Bao thế hệ người dân nơi đây gắn bó với núi rừng; cây trồng, vật nuôi làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Chỉ những lúc có lễ, Tết mới bán một ít nông sản hoặc thương lái vào tận nơi thu mua trâu, bò, lợn đen, gà bản địa… Nay đã khác, nông sản làm ra được chế biến thành sản phẩm OCOP và xuất bán khắp nơi. Nhờ đó không chỉ giá trị cây, con được nâng lên mà người dân còn học hỏi, ứng dụng và sáng tạo thêm nhiều cách chế biến, làm ra nhiều thành phẩm hơn.

Tại HTX Hương Nhượng, nắm bắt cơ hội, HTX đã xây dựng sản phẩm thịt gà đóng gói hút chân không thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP, từ đó khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm, ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tương tự, tại huyện Kim Bôi, toàn huyện hiện có 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Năm 2024, huyện dự kiến hỗ trợ 3 chủ thể tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với 3 sản phẩm gồm: giò chả, thanh long và cao thiên niên kiện. Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, huyện định hướng, hỗ trợ người dân lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, mã vạch sản phẩm đặc sản địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mới và nâng cấp, "lên sao” cho các sản phẩm đã đạt.

Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 124 sản phẩm 3 sao. Sự phát triển của các sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương và chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, măng Kim Bôi, cá sông Đà… Nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu sang thị trường "khó tính” như Châu Âu.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, Hòa Bình đặt mục tiêu chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm, với tổng số sản phẩm chuẩn hóa đến năm 2030 là 210. Ngoài ra, tỉnh dự kiến phát triển ít nhất 100 tổ chức kinh tế mới và nâng cấp 40 - 50 tổ chức đã tham gia Chương trình OCOP.

Trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đồng thời tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm OCOP mới, đặc thù gắn với địa phương. Tỉnh cũng triển khai một số mô hình bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

"Gập ghềnh” đường đến nền tảng số của chủ thể OCOP

Không thể phủ nhận, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP nhằm góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tỉnh Hòa Bình ngoài các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại… còn hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn... Hoặc đơn cử như tại Lạc Sơn, huyện đã xây dựng và xuất bản ấn phẩm xúc tiến thương mại, video clip để giới thiệu về từng loại sản phẩm OCOP, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tổ chức các lớp tập huấn chương trình OCOP cấp huyện… Đặc biệt, UBND huyện hỗ trợ 2 gian hàng tại chợ trung tâm thị trấn Vụ Bản để các chủ thể giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng nội, ngoại tỉnh.

Song trong giai đoạn hiện nay, thương mại điện tử nở rộ, nền tảng số góp phần quan trọng trong việc quảng bá, phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, nhiều chủ thể tại Hòa Bình vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận.

Không phải là món ngon riêng có nhưng cơm lam Mường Động nức tiếng với du khách thập phương nhờ giữ trọn hương vị truyền thống. Việc sử dụng nguồn nước khoáng quý giá từ mẹ thiên nhiên ban tặng làm nguyên liệu thành phần đã tạo nên sự khác biệt cho món ăn này.

Gia đình chị Bùi Thị Giúp, khu Mớ Đá, thị trấn Bo (Kim Bôi) là hộ có nhiều công đưa cơm lam Mường Động trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021. Chị Giúp cho biết, trước đây, các hộ trong tổ hợp sản xuất cơm lam Mường Động chú trọng nhiều vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn đặc trưng riêng trong cách chế biến, sử dụng nguyên liệu... Tuy nhiên, từ khi được chứng nhận OCOP, các hộ hiểu rõ cần phải quảng bá, phát triển thêm về thương hiệu, logo, bao bì, mẫu mã… Từ đó, giúp sản phẩm OCOP của bà con Mớ Đá có mặt tại các điểm du lịch trong huyện, cửa hàng thực phẩm trong tỉnh và Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên cũng theo chị Giúp, để "chuyên nghiệp hóa” khâu bán hàng, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đơn vị truyền thông, các cá nhân livestream bán hàng, định vị số điện thoại, địa chỉ trên ứng dụng Google Maps… Song "cái khó bó cái khôn", khi xây dựng các nền tảng mạng xã hội để bán hàng, tổ hợp sản xuất sẽ phải bỏ thêm các khoản phí nền tảng, phí quảng cáo… Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí sản phẩm sẽ tăng cao nên khó tiếp cận được đông đảo khách hàng. Đối tượng sử dụng mạng xã hội ở nhiều độ tuổi khác nhau, để tiếp cận đúng tệp khách hàng mục tiêu không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, khó khăn chung của các chủ cơ sở sản xuất, nhất là trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm đó là các mặt hàng "nhái” xuất hiện tràn lan.

Cũng là một trong những chủ thể OCOP nổi bật của Hòa Bình, anh Đỗ Hùng, Giám đốc HTX Thạch Yên - chủ thể của bộ đôi sản phẩm rượu mía và rượu nếp râu xứ Mường cho biết: Ngay khi sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP và hiện nay là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, chúng tôi luôn chú trọng quảng bá, truyền thông sản phẩm. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi dành nhiều thời gian, tâm sức để xây dựng thêm các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử và nền tảng facebook.

Mở cửa hàng kinh doanh đồng thời nhiều sản phẩm OCOP, chị Bùi Thùy Linh (TP Hòa Bình) có kế hoạch quảng cáo trên nền tảng facebook để mở rộng tệp khách hàng. Tuy nhiên, chị vẫn chưa thể triển khai do không am hiểu lĩnh vực. Cửa hàng của chị Linh chủ yếu kinh doanh các sản phẩm OCOP: cao cà gai leo (Yên Thủy), mật ong rừng Hợp Tiến (Kim Bôi), thịt chua Tuấn Linh (Lạc Sơn)… Hằng ngày, chị chăm chỉ đăng tải hình ảnh lên facebook cá nhân để bán hàng, tiếp cận nhóm khách hàng chính là người thân, bạn bè.

"Tôi đang có kế hoạch triển khai bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội facebook và tiktok. Trước mắt, tôi áp dụng phương pháp phổ biến nhất là đăng hình ảnh trên facebook. Dù rất muốn tìm hiểu việc chạy quảng cáo mở rộng tệp khách hàng, sẵn sàng bỏ chi phí để tiếp cận các sàn thương mại, tuy nhiên, tôi vẫn loay hoay do không am hiểu lĩnh vực này" - chị Bùi Thùy Linh chia sẻ.

Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện, từ khi được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, các chủ thể luôn chủ động tiếp cận các trang mạng xã hội, sàn thương mại, làm hình ảnh, video để bán hàng. Các ngành chức năng đã hướng dẫn người dân bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên, quá trình các cơ sở học hỏi, xây dựng hình ảnh, video khá khó khăn. Với mức chi phí đầu tư ban đầu, kèm theo đó là chi phí duy trì cao, việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi người có chuyên môn, do đó, các chủ cơ sở trên địa bàn có tâm lý ngại tiếp cận.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, phần lớn các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu trên thị trường nhờ quá trình quảng bá, giao lưu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, do vậy hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu phân phối qua các đại lý. Hy vọng thời gian tới, các chủ thể OCOP có thể tiếp cận nền tảng số một cách bài bản để đem lại hiệu quả hơn.

Nền tảng số được đánh giá là "miếng bánh lớn" cho các doanh nghiệp bán lẻ khi một số chủ thể OCOP tại tỉnh đã đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 20 - 40% khi tiếp cận. Dù vậy, đại diện Sở Công Thương cũng thừa nhận việc triển khai toàn diện còn nhiều khó khăn. Cụ thể như cơ sở hạ tầng của một số sàn thương mại điện tử hiện chưa tích hợp các công cụ thanh toán và các tiện ích khác như các sàn chuyên nghiệp. Đối với hộ sản xuất, kinh doanh... việc trang bị máy tính, điện thoại thông minh, kết nối internet chưa đồng bộ, đặc biệt là các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa… Đây cũng là nội dung được ngành Công Thương tập trung hỗ trợ, tháo gỡ góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

 

Các chủ thể cần dành sự quan tâm đúng mức cho hoạt động bán hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử

Hoàng Xuân Tiến

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương)

 

Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2022. Ngành Công Thương, cụ thể là Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết nối Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình với sàn hợp nhất www.sanviet.vn. Ngành Công Thương đã ban hành công văn đề nghị phối hợp cung cấp thông tin đơn vị, sản phẩm đăng tải lên sàn hợp nhất gửi các huyện, thành phố. Tuy nhiên, hiện chỉ có 79 sản phẩm của 33 cơ sở lên sàn hợp nhất. Ngành cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh tạo tài khoản, gian hàng trên Sàn thương mại điện tử tỉnh, song hiện cũng chỉ có 67 cơ sở với 137 sản phẩm đưa lên sàn.

 

Lực lượng thanh niên sẵn sàng đồng hành cùng các chủ thể đưa sản phẩm tiếp cận nền tảng số

Nguyễn Như Quỳnh

Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Thời gian qua, các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong khởi nghiệp được các cấp bộ đoàn chú trọng triển khai. Trong năm qua, Tỉnh Đoàn đã mở 7 lớp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP …

Thiết thực hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã thành lập nhóm zalo "Các mô hình khởi nghiệp và sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ” với 43 thành viên. Phối hợp cùng một số tiktoker hỗ trợ thanh niên xây dựng kênh tiktok; định hướng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Đào tạo trực tiếp cho 2 mô hình sản phẩm OCOP xây dựng kênh tiktok làm nông sản là: mô hình Cam 3T Cao Phong và mô hình sản phẩm Đông trùng hạ thảo QP Gold. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cấp huyện, xã đã hỗ trợ các chủ thể OCOP trên địa bàn tổ chức livestream bán hàng trên mạng xã hội, đem lại hiệu ứng tốt.

Tuổi trẻ Hòa Bình sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể OCOP thực hiện các nội dung nói trên khi các cơ sở có nhu cầu.

 

Hải Yến

Các tin khác


Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá

Theo ngành Công Thương, thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm không có biến động lớn. Có 5 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá với tổng số tiền doanh nghiệp tự bình ổn là 48 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá được đẩy mạnh…

Khẩn trương khôi phục sản xuất trồng trọt sau mưa lũ

Thời điểm này, lúa và các loại cây trồng vụ hè thu đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh. Tuy nhiên, mưa to kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại. Do đó, các cơ quan chuyên môn đã tích cực hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc và chủ động các biện pháp phòng trừ, bảo đảm năng suất, hiệu quả cho cả vụ.

Điện lực Hoà Bình đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện

Thời gian qua, Công ty Điện lực Hoà Bình (PC Hoà Bình) đã triển khai nhiều giải pháp về tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng tiết kiệm điện. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng chống quá tải lưới điện trong mùa nắng nóng, mà còn giúp khách hàng tránh được tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến.

Trục sông Đà - trục trung tâm phát triển của thành phố Hòa Bình

Nằm bên dòng sông Đà với chiều dài 10 km từ hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình đến xã Thịnh Minh, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với nhiều xóm, bãi bồi, con nước trải dài đang mở ra cơ hội rất lớn cho thành phố Hòa Bình (TPHB) phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.

Huyện Lạc Thủy tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng

Những năm qua, việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững được huyện Lạc Thủy tập trung thực hiện theo quy hoạch. Nhiều công trình được đầu tư, nâng cấp đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thay đổi diện mạo của huyện.

Thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm: Tiếp tục rà soát để có phương án thu bù các khoản thu không đảm bảo

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh thực hiện khoảng 3.237 tỷ đồng, đạt 56,2% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó, thu xuất, nhập khẩu thực hiện 197 tỷ đồng, đạt 75,7% dự toán HĐND tỉnh; thu nội địa ước thực hiện 3.040 tỷ đồng, đạt 55,3% dự toán HĐND tỉnh, bằng 172,6% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục