Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan tỏa mạnh ở vùng nông thôn. Để đưa các sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, những năm qua, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các hộ sản xuất trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ... vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chú trọng đến những sản phẩm có chất lượng, từng bước tăng sức cạnh tranh và vị thế của sản phẩm OCOP Hòa Bình, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu.


Sản phẩm gà ủ muối Tây Bắc Foods được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023.

Khẳng định chất lượng

Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) chuyên sản xuất măng búp, măng thái sẵn, măng chua, măng trúc quân tử, măng thái sợi khô, măng khô… Các sản phẩm đã có mặt ở nhiều siêu thị, sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới. Trong đó, sản phẩm đặc trưng là măng Kim Bôi và phở khô Kim Bôi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2023, bộ sản phẩm măng của công ty được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Kim Bôi cho biết: Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ măng của công ty đã có cơ hội tới nhiều thị trường xuất khẩu với những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh, Đông Âu... Để có được thành quả này, tập thể cán bộ, công nhân viên, Ban Giám đốc công ty luôn nỗ lực sản xuất tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, làm hài lòng thực khách ngoại quốc ngay từ lần đầu. Công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài và mong muốn tiếp tục được tỉnh tạo điều kiện để mở rộng vùng nguyên liệu, khai thác tối đa tiềm năng địa phương để phát triển, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm măng Hòa Bình…

Tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” năm 2019, "Cam quà tặng cao cấp 3T farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" của chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong là 1 trong 35 dự án tiêu biểu được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn hỗ trợ. Chị Thủy cho biết: Điểm khác biệt nhất của sản phẩm "Cam quà tặng cao cấp 3T Farm” là quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi thu hoạch, cam được chọn lọc rất khắt khe, chỉ có khoảng 8 - 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng đạt tiêu chuẩn để làm quà tặng cao cấp. Sau khi phân loại, cam được đưa vào máy sục ozone rửa sạch và làm bóng, chiếu đèn cực tím để khử trùng, dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả trước khi đóng gói vào hộp quà tặng được thiết kế đẹp mắt. Năm 2020, "Cam quà tặng cao cấp 3T farm" của HTX đã được UBND huyện Cao Phong lựa chọn đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh và được công nhận tiêu chuẩn 4 sao. Đây là cơ hội để sản phẩm cam của HTX nói riêng và của các hộ trồng cam trong huyện nói chung khẳng định chất lượng, giữ vững thương hiệu của mình trên thị trường.


Sản phẩm thịt chua Lâm Tin (xã Vũ Bình - Lạc Sơn) không chỉ là đặc sản của người dân địa phương, mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa được bày bán tại hệ thống cửa hàng OCOP, cửa hàng kinh doanh nông sản sạch ở trong và ngoài tỉnh.


Các sản phẩm măng của Công ty Cổ phần Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy) được bày bán trong hệ thống siêu thị Lotte Mart tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) cho biết: Qua khảo sát, kiểm nghiệm, công ty đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình và nhận thấy, trong số các sản phẩm đó có những sản phẩm nhiều tiềm năng để xuất khẩu. Bởi các sản phẩm đều có chất lượng tốt, có nguồn gốc tự nhiên, nhiều lợi ích đối với sức khỏe người dùng như: mật ong, bưởi đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh, tinh bột nghệ... Trong năm 2024, công ty tiếp tục đồng hành với các địa phương xuất khẩu bưởi Diễn... Thời gian tới, công ty hy vọng sẽ ký kết hợp đồng xuất khẩu với một số sản phẩm đặc sản khác của tỉnh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính trên thế giới.

Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Nhiều sản phẩm OCOP đã được lựa chọn xuất khẩu trong năm qua đều được đánh giá có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá rộng khắp thị trường trong nước.

Cơ hội và thách thức

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 121 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, ngoài ra còn nhiều sản phẩm tiềm năng, có sức cạnh tranh lớn, điển hình như mật ong rừng Hợp Tiến, măng đóng lon, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Hòa Bình, bưởi da xanh Tân Lạc... Thống kê của ngành, hiện diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của tỉnh là hơn 2,350 ha, đây là lý do nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, sản phẩm OCOP đã có thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, việc tuân thủ, áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, khoa học công nghệ còn thấp, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình sản xuất chưa đồng bộ, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và không chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được những đơn hàng lớn, liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế...

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự chung tay của các cấp, ngành trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP đạt hiệu quả, tập trung vào những nội dung: Tăng cường chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất; huy động sự tham gia của hệ thống chính trị để phát huy được sức mạnh tổng hợp thông qua đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp và kế hoạch, chương trình công tác, chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như: nguyên liệu đầu vào, con người, cơ sở sản xuất, sản phẩm cuối đưa ra thị trường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận VietGAP, GMP, HACCP… Vì đây là những yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình. Quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn đang thịnh hành hiện nay. Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương đăng ký tham gia chu trình OCOP theo kế hoạch; phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ một số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao...

Thu Hằng


Các tin khác


“Cú huých” cho tăng trưởng kinh tế

Công nghiệp Hòa Bình đang tập trung phát triển theo chiều sâu, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng bền vững.

Dấu ấn vùng động lực Lương Sơn

Với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Diện mạo vùng đất cửa ngõ Thủ đô đa sắc màu đã tạo niềm tin, khí thế để tăng tốc thực hiện những mục tiêu mới cao hơn, nhanh hơn.

Doanh nhân và trách nhiệm cộng đồng

Bước cùng tỉnh đi qua những giai đoạn khó khăn, dù chính cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng vật lộn với biết bao thách thức từ diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; thiên tai, bão lũ... Song với tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm cộng đồng, doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hòa Bình vẫn dành nhiều nhân lực, vật lực hỗ trợ đồng bào, người yếu thế, người dân vùng bão lũ… Đồng thời định vị thương hiệu cho doanh nghiệp.

Huyện Yên Thủy sẵn sàng ngày về đích huyện nông thôn mới

Cuối năm về huyện Yên Thủy, nắng vàng trải dài trên con đường đưa chúng tôi đi qua những vườn bưởi sai trĩu, chín vàng của xã Ngọc Lương, qua con đường hoa rực rỡ của xã Yên Trị, qua cánh đồng phủ màu xanh rau an toàn VietGAP của các xã Bảo Hiệu, Phú Lai… Không còn là vùng đất cằn cỗi, Yên Thủy đã có diện mạo mới, xanh tươi, trù phú. Những xóm, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đã vươn mình đổi thay, khoác chiếc áo nông thôn mới (NTM) văn minh, giàu đẹp.

Huyện Lạc Thuỷ kỳ vọng từ những dự án trọng điểm

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Lạc Thuỷ đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội từ những dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục