Ngày 31/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Mai Văn Chính chủ trì cuộc họp. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.


Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành dự họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

Tính đến tháng 3/2025, thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), cả nước có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 77,9%; tỷ lệ xã NTM nâng cao đạt 39,2%; tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu đạt 9,95%. Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM là 47,6%; tỷ lệ huyện NTM nâng cao đạt 9,1%. Có 6 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM so với chỉ tiêu 15 tỉnh được giao. Đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 75% kế hoạch vốn được giao.

Thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 1,93%, đạt chỉ tiêu; đầu tư cơ sở hạ tầng trên 2.500 công trình. Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn đạt 35,18%, vượt chỉ tiêu. Triển khai 9.300 mô hình sinh kế, vượt chỉ tiêu. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho gần 125 nghìn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vượt chỉ tiêu. Đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 79% kế hoạch.

Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I năm 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân gần 4%/năm, cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Tỷ lệ giải ngân vốn đạt 72,6%.

Hiện nay, việc triển khai các CTMTQG gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung uơng còn chậm; một số địa phương khó khăn trong cân đối nguồn lực, dự án đầu tư dàn trải; năng lực tổ chức thực hiện ở cơ sở còn hạn chế về số lượng và chuyên môn; kết quả đạt chuẩn xã NTM, giảm nghèo bền vững của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch...

Tại cuộc họp, các địa phương đã thảo luận, phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai các CTMTQG. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai các CTMTQG thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, đây là 3 chương trình rất có ý nghĩa. Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tập trung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ có khả năng thực hiện trong điều kiện thực tế. Các bộ, ngành thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, phân bổ vốn; đôn đốc, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Quan tâm đến đối tượng chính sách, hộ nghèo. Điều chỉnh các chương trình, dự án không còn đối tượng thụ hưởng sang chương trình, dự án phù hợp với thực tế. Khẩn trương tổng kết các chương trình ở Trung ương và địa phương đảm bảo hiệu quả, gắn với tổng kết các phong trào thi đua. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương giao. Hướng dẫn việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững phù hợp với bối cảnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Việt Lâm



Các tin khác


Đôn đốc thu ngân sách từ những tháng đầu năm

Quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025, từ cuối năm 2024, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, kế hoạch thu ngân sách cho từng sở, ngành chức năng và các địa phương. Đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Lạc

Những năm qua, với sự chung tay của chính quyền và người dân, hệ thống hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện Tân Lạc ngày càng được đầu tư đồng bộ. Qua đó tạo động lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Khẩn trương rà soát, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư

Để thực hiện có hiệu quả việc xử lý, quản lý tài sản công (TSC) dôi dư nhằm không để thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, UBND tỉnh chỉ đạo: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích. Kế hoạch xử lý tài sản gửi về Sở Tài chính trước ngày 28/3/2025; định kỳ hàng quý, báo cáo gửi sở trước ngày 28 tháng cuối quý; hoàn thành kế hoạch trước ngày 25/12/2025. 

Giảm lãi suất kích thích tăng trưởng và tiêu dùng

Mặt bằng lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thiết kế các gói vay ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Củng cố vị thế điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025 cũng như giai đoạn sau đó.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2025: Chủ động ngay từ đầu năm

Theo Nghị quyết số 459/NQ-HĐND, ngày 6/12/2024 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công (ĐTC) năm 2025, tổng nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh năm nay là 2.534,740 tỷ đồng; tổng kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương 6.590,056 tỷ đồng. Trước khối lượng công việc lớn và ngày càng nhiều thách thức, công tác giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC) được triển khai chủ động ngay từ đầu năm với quyết tâm khơi thông nguồn lực, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục