Ngày 17/2/2025, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Thông báo số 1392/TB-VPUBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu) (gọi tắt là đường liên kết vùng). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố hoàn thành công tác bồi thường GPMB trên toàn tuyến dự án đường liên kết vùng trước ngày 30/4/2025 để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.


Đơn vị thi công tiến hành san nền tuyến đường liên kết vùng qua địa phận xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Tính đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao cho đơn vị thi công 23,79km/32 km toàn tuyến, đạt khoảng 74%. Trong đó, huyện Kim Bôi bàn giao được 12,69/16,3km; huyện Lương Sơn bàn giao được 6,1km/7,9km; thành phố Hoà Bình bàn giao được 5/7,26km. Tuy nhiên, theo đánh giá, các vị trí được bàn giao vẫn xen kẹp, khó tiếp cận mặt bằng khi thi công.

Có 16km chiều dài tuyến chạy qua địa bàn, tổng diện tích đất huyện Kim Bôi phải GPMB phục vụ dự án đường liên kết vùng là 81,34 ha. Đến ngày 31/3/2025, huyện đã GPMB và bàn giao cho đơn vị thi công 69,44 ha, tương đương 12,69km chiều dài tuyến. Từ nay đến hết tháng 4, huyện phải thực hiện GPMB 11,9ha, tương đương chiều dài tuyến 3,62km. Theo báo cáo tiến độ của UBND huyện Kim Bôi, diện tích đất cần phải GPMB chủ yếu là đất ở, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở và đất rừng tại các xã. Cụ thể, hiện nay còn 397 thửa đất thuộc dự án chưa thực hiện xong thủ tục xác định nguồn gốc sử dụng đất, thửa đất để làm căn cứ bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân.

Đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi cho biết: Việc xác minh nguồn gốc đất thuộc thẩm quyền của UBND các xã. Đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải thực hiện kê khai đăng ký lần đầu. Đối với các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận, diện tích tăng giảm phải thực hiện đăng ký biến động đất đai. Tuy nhiên, hiện nay tương đối khó khăn do có nhiều biến động đất đai. Trong khi đó, việc lưu trữ hồ sơ địa chính chưa được đồng bộ; các hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất không theo quy định, không khai báo... Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xác minh nguồn gốc đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã cử cán bộ trực tiếp xuống xã hỗ trợ các quy trình, thủ tục cho các xã trong quá trình xác minh nguồn gốc đất. Đến thời điểm này, các xã đã hoàn thiện xong 122 thửa (đăng ký biến động đất đai 79 thửa; kê khai đăng ký lần đầu 43 thửa) và tiếp tục gấp rút thực hiện việc xác minh nguồn gốc đất đối với 275 thửa (đăng ký biến động đất đai 135 thửa; kê khai đăng ký lần đầu 140 thửa).

Tại huyện Lương Sơn, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án đường liên kết vùng đang được các cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, huyện đã GPMB được 27,29ha/41,21ha diện tích đất cần thu hồi, còn phải GPMB 13,92ha. Tuy nhiên, công tác bồi thường GPMB còn nhiều vướng mắc do có những vị trí đất rừng bị chồng lấn, cấp sai vị trí, chênh lệch diện tích đất thực tế so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Theo đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, trong 13,92ha đất cần thu hồi có 6,32ha diện tích bãi đổ thải; 0,58ha đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 4ha đất rừng bị chồng lấn, cấp sai vị trí sử dụng đất; 0,4ha thuộc Nhà máy gạch Tường Anh; 1,29ha đất có chênh lệch giữa thực địa và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Triển khai công tác GPMB, UBND huyện đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thực hiện trích đo, xác định quy chủ sử dụng đất đối với 6,32ha diện tích đất bãi đổ thải. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã thực hiện kê khai, kiểm kê lại đối với các hộ sử dụng khu đất bãi đổ thải và UBND xã Cao Sơn đang thực hiện xác minh nguồn gốc đất để công khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Đối với diện tích đất bị chồng lấn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp kiểm tra xác định vị trí chồng lấn và hướng dẫn các hộ làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Sau khi có kết quả, huyện sẽ thực hiện công khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo hiện trạng sử dụng đất của các hộ. Riêng đối với diện tích đất bị chênh lệch, huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn trích đo để thực hiện điều chỉnh bản đồ trích đo thu hồi đất. Ngoài ra, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối với các hộ có diện tích đất đã thực hiện công khai phương án bồi thường hỗ trợ.

Gấp rút triển khai công tác GPMB, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hoà Bình cũng đang phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp, lập phương án bồi thường hỗ trợ và thực hiện công khai phương án bồi thường. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, công tác đền bù GPMB giai đoạn này được xác định là nhiệm vụ cấp bách. UBND thành phố Hoà Bình sẽ lên phương án cưỡng chế đối với các hộ cố tình không phối hợp thực hiện công tác đền bù GPMB.

Cùng với việc gấp rút thực hiện công tác GPMB, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương thực hiện bố trí các vị trí đổ thải cho dự án; quy hoạch các mỏ đất đắp ngoại tuyến và di chuyển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đơn vị thi công triển khai dự án. 


Phương Linh

Các tin khác


12,76% - không chỉ là con số

12,76% - một con số tưởng như khô khan trong bản tin thống kê cuối quý, lại đang âm thầm viết lại cách người ta nhìn về một vùng đất. Quý I/2025, Hòa Bình - một tỉnh miền núi không cảng biển, không đại đô thị, từng lặng lẽ bên lề những đường cong tăng trưởng, bất ngờ vượt lên, đứng thứ hai cả nước về GRDP. Nhưng điều đáng kể không nằm ở vị trí trên bảng xếp hạng, mà ở cách Hòa Bình đạt tới.

Dành hơn 4.459 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới năm 2025

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2025 của tỉnh Hòa Bình là 4.459,1 tỷ đồng. Đây là mức phân bổ ngân sách lớn nhất từ trước đến nay cho chương trình này, thể hiện quyết tâm chính trị và ưu tiên phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh.

Hiệu quả mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ thuỷ điện

Khai thác nguồn nước mặt tự nhiên để phát triển nuôi cá thương phẩm, trong 2 năm 2023 - 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La triển khai thực hiện mô hình "Nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ chứa thuỷ điện Sơn La - Hoà Bình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm", nhằm khuyến khích mở rộng mô hình nuôi cá lăng thương phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Huyện Đà Bắc đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai

Chủ động giảm thiểu những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai trong thời gian tới, huyện Đà Bắc tập trung thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) quan trọng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, các dự án PCTT được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng, bảo vệ an toàn cho người dân và hạ tầng khu vực.

Huyện Lạc Sơn: Nước rút hoàn thành dự án khu tái định cư xóm Rài

UBND huyện Lạc Sơn đã tổ chức cho 66 hộ phải di chuyển khấn cấp do bão số 3 năm 2024 tại xóm Rài, xã Tuân Đạo bốc thăm lựa chọn vị trí tại khu tái định cư (TĐC). Huyện quyết tâm trong tháng 4 hoàn thành hết các hạng mục phụ trợ, để người dân có thể yên tâm về nơi ở mới trước mùa mưa bão năm 2025.

Quý I, giải ngân 8 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân

Trong quý I/2025, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh đã tổ chức giải ngân 8 dự án với tổng số tiền 3,12 tỷ đồng, cho 85 hộ vay. Từ nguồn vốn giải ngân, các hộ sử dụng để thực hiện các dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi cá dầm xanh tại xã Cao Sơn, Thanh Cao (Lương Sơn), xã Hợp Thành (TP Hòa Bình), xã Đông Bắc (Kim Bôi), xã Chí Đạo (Lạc Sơn), xã Giáp Đắt (Đà Bắc), xã Vạn Mai (Mai Châu), xã Tử Nê (Tân Lạc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục