Siêu thị Vì Hoà Bình (thành phố Hoà Bình) - nơi "nhiệt” tiêu dùng vẫn giữ trong quý I/2025.
Dòng chảy dịch vụ sau mùa Tết
Sau Tết Nguyên đán, thị trường Hòa Bình không rơi vào trạng thái "chững" như thường niên. Trái lại, sức tiêu dùng trong tỉnh dường như giữ được độ "nóng” kéo dài. "Trong từng nhóm hàng, độ ấm của thị trường thể hiện rõ: lương thực thực phẩm tiêu thụ gần 2.000 tỷ đồng, tăng 21,9%; đồ dùng gia đình tăng hơn 18%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 25,87%. Đặc biệt, xăng dầu - mặt hàng mang tính chỉ báo về di chuyển và sản xuất tăng hơn 42%”- đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
Trên các tuyến quốc lộ, dịch vụ vận tải cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Doanh thu quý I đạt 627 tỷ đồng, trong đó vận tải hành khách tăng 29,2%, vận tải hàng hóa tăng 17,9%. Dịch vụ ăn uống và lưu trú - hai chỉ số thường nhạy cảm với diễn biến du lịch, cũng "hồi sinh”. Trong quý I, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 113 tỷ đồng, tăng gần 20%; dịch vụ ăn uống đạt 896 tỷ đồng, tăng gần 24%. Những con số ấy không chỉ đến từ vài khách sạn lớn nơi trung tâm, mà còn từ nhà hàng, quán cơm bình dân, nhà nghỉ - những "tế bào nhỏ" nhưng đang góp phần tạo nên mạch sống lớn của ngành dịch vụ tỉnh nhà.
Duy chỉ có nhóm "dịch vụ khác” giảm hơn 15%, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chững lại của thị trường bất động sản sau thông tin sáp nhập tỉnh, khiến các hoạt động môi giới, dịch vụ liên quan tới đất đai bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhưng nếu đặt trong tổng thể, đây chỉ là một nhịp trũng tạm thời - không đủ để làm suy giảm sức bật chung của toàn ngành.
Khi nội lực thị trường được đánh thức
"Một mùa Tết đủ đầy là chất xúc tác đầu tiên. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài gần chục ngày, với thời tiết thuận lợi và dòng người dịch chuyển nhộn nhịp, đã tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho hàng loạt ngành nghề vốn chững lại trong các năm trước. Không khí lễ hội rải đều khắp các địa phương: từ Lễ hội Khai hạ Mường Bi ở Tân Lạc đến Lễ hội Chùa Tiên ở Lạc Thủy, rồi tuyến cáp treo mới khai trương nối liền Chùa Tiên - Chùa Hương, tất cả như một phép cộng khiến dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải, du lịch đồng loạt "vào guồng" sớm”- đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ.
Nhưng cơn sóng tiêu dùng đó không chỉ là hiệu ứng mùa vụ nhất thời. Phía sau sức mua tăng vọt là độ mở từ chính sách điều hành tài chính - tiền tệ linh hoạt. Giá xăng dầu liên tục giảm trong tháng 3, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng quý I chỉ tăng 1,21% - mức tăng thấp và ổn định. Chi phí vận hành giảm, giá cả không biến động lớn, tạo nên tâm lý mua sắm an tâm cho cả người dân và doanh nghiệp.
Cùng lúc, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã bơm hơn 44.000 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, trong đó có gần 20.000 tỷ đồng là tín dụng ngắn hạn, phục vụ các nhu cầu xoay vòng vốn trong sản xuất, thương mại. Nợ xấu toàn tỉnh vẫn được giữ dưới 2%, cho thấy thị trường tiền tệ ổn định, tạo điều kiện cho dịch vụ hồi phục mà không bị kéo lùi bởi áp lực tài chính.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương, một yếu tố then chốt khác là sự "bền bỉ từ bên trong”. Hòa Bình không có trung tâm thương mại hoành tráng, không có đô thị du lịch quy mô lớn, nhưng lại có thị trường tiêu dùng nội địa bền vững - nơi các quán ăn, tiệm tạp hóa, trạm dừng chân, nhà nghỉ nhỏ, những đại lý xe máy và cửa hàng vật liệu xây dựng vẫn trụ vững, thậm chí còn tăng trưởng trong khó khăn. Chính những mắt xích nhỏ ấy, kết nối với nhau qua nhu cầu thiết thực của người dân đã hình thành mạng lưới kinh tế linh hoạt, thích ứng tốt với biến động.
Thị trường không cần những cú bứt phá kịch tính, mà cần những nhịp tăng đều và chắc. Ba tháng đầu năm, thương mại - dịch vụ ở Hòa Bình đã làm được điều ấy: không bùng nổ, nhưng vững vàng; không tạo sóng lớn, nhưng nuôi được dòng chảy tăng trưởng.
Và có lẽ, chính sự ổn định, bền bỉ ấy mới là nền móng quan trọng cho con số tăng trưởng kinh tế 12,76% - một con số không chỉ đến từ đầu tư hay sản xuất, mà còn từ từng lượt tiêu dùng nhỏ, từng phiên chợ sáng, từng hành trình hàng hóa lặng lẽ nối dài qua những cung đường miền núi.
Minh Vũ