Trong khi người dân đang chờ hàng hóa trên thị trường giảm nhiệt sau Tết thì việc giá xăng tăng; giá điện, nước cũng chính thức tăng vào đầu tháng 3 khiến họ phải tính chuyện thắt lưng buộc bụng.

Từ thực phẩm, hàng tiêu dùng...

Với việc giá điện, xăng, nước... đồng loạt tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết khả năng hàng hóa sẽ đồng loạt tăng từ đầu tháng 3 tới hầu như là chắc chắn. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty thực phẩm Phú An Sinh - cho rằng việc tăng giá đồng loạt của xăng, điện, nước ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. "Tất cả máy móc, kho lạnh, chuồng trại hiện nay của Phú An Sinh đều sử dụng rất nhiều điện năng, tăng giá điện chắc chắn sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Ngoài ra còn giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển cũng sẽ bị các nhà cung cấp đẩy lên, chưa kể tiền lương công nhân cũng phải được điều chỉnh lại. Do đó, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán ra các sản phẩm thịt, trứng gia cầm", ông Minh nói. Tuy nhiên, do hiện nay sản phẩm của Công ty Phú An Sinh vẫn còn đang trong chương trình bán hàng bình ổn của TP.HCM nên giá bán chưa thể tăng ngay. Vì vậy công ty này phải tiết kiệm tối đa các chi phí để có thể cân đối giá thành sản xuất.

Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM nhấn mạnh đợt tăng giá xăng, điện, nước,... cùng lúc sẽ tác động đến tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Trong đó doanh nghiệp sản xuất chịu tác động nhiều nhất vì giá điện tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Đặc biệt, ông e ngại nhóm ngành thực phẩm tăng sẽ khiến cho nhiều người dân càng phải thắt lưng buộc bụng. Đó là chưa kể đến việc chỉ số giá cả hàng hóa (CPI) cả nước trong tháng 3 nói riêng và cả năm 2010 sẽ tăng cao càng khiến đời sống người dân thêm khó khăn.

Tương tự, theo ông Ngô Phước Hậu - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - ngành thủy sản bị tác động trực tiếp vì từ khâu nuôi trồng đến khi đưa hàng ra đến cảng đều gắn với nhiên liệu xăng dầu và điện. Ông Hậu phân tích: Tăng giá xăng, người nuôi thủy sản sẽ gánh chịu thêm chi phí vì luôn phải bơm nước, vận chuyển nguyên liệu. Tăng giá điện, các nhà máy chế biến sử dụng hệ thống đông lạnh, thiết bị máy móc cũng đều bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp chưa có những tính toán cụ thể nhưng chắc chắn giá thành sản xuất sẽ bị đội lên và như thế sẽ ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu.

Còn theo ước tính của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - giá điện chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất thép của các doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, giá sắt thép bán lẻ trong nước cũng phải tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn đang chờ xem tình hình thị trường cụ thể do sức cầu đang ở mức thấp nên chưa có động thái tăng giá bán ngay. Trong khi đó, Công ty cao su Miền Nam (Casumina) dự báo có thể phải tăng giá bán khoảng 5% từ đầu tháng 3 cho tất cả sản phẩm của mình. Ông Lê Văn Trí - Phó tổng giám đốc Casumina - giải thích việc tăng giá bán ra là chuyện bắt buộc phải làm. Giá cao su nguyên liệu đã tăng gần gấp đôi từ cuối năm 2009 đến nay nhưng Casumina vẫn giữ nguyên giá bán như trước đó vì còn nguyên liệu giá thấp dự trữ. Thế nhưng nay đến lượt giá điện, xăng, nước và tỷ giá USD đồng loạt tăng thì công ty phải tăng giá bán ra. "Nếu tính tác động thì công ty phải tăng giá trên 10% trong đợt này nhưng điều này là không thể. Vì vậy chúng tôi dự kiến chỉ tăng ở mức không quá 5%/lần và sẽ từ từ tính tiếp theo nhu cầu của thị trường", ông Trí giải thích.

Người dân sẽ phải trả thêm tiền khi muốn đi taxi - Ảnh: D.Đ.M

...đến taxi, xe buýt

Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM - nhận định 2 đợt tăng giá vừa qua chủ yếu nhằm vào mặt hàng xăng nên phần lớn các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người dân sử dụng xe cá nhân và các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng (như taxi, xe buýt loại nhỏ). Theo ông Chung, nhiên liệu chiếm khoảng 45% giá thành vận tải, do đó xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít thì tất yếu doanh nghiệp vận tải phải tăng giá thành lên ít nhất 5%.

Còn ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc điều hành taxi Vinasun - cho biết, mức tăng giá xăng 2 lần liên tiếp thêm 1.040 đồng/lít khiến hoạt động của nhiều đơn vị taxi gặp khó khăn. Theo ông Hỷ, thời gian qua không chỉ xăng đứng ở mức cao mà giá cả đầu tư phương tiện, trang thiết bị, chi phí quản lý, các loại thuế... đều tăng. Do đó, khi xăng tăng như hiện nay buộc công ty phải bù lỗ gần 30.000 đồng/xe/ngày. Với 3.000 xe đang hoạt động thì mỗi ngày công ty mất đứt gần 90 triệu đồng. Ông Hỷ cho rằng việc tăng giá cước là việc mà các doanh nghiệp buộc phải nghĩ tới, trong đó ít nhất sẽ tăng 500 đồng/km lên 12.000 - 12.500 đồng/km.

Phần lớn các doanh nghiệp taxi khác tại TP.HCM cũng đang cân nhắc tăng giá cước. Điều này sẽ đẩy giá của loại phương tiện hành khách công cộng này lên cao, dù rằng giá taxi ở TP.HCM hiện nay đã được xem là cao. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - đánh giá, đợt tăng giá xăng lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 30.000 taxi hoạt động trên cả nước, trong đó Hà Nội có 10.000 xe và TP.HCM khoảng 12.000 xe. Theo tính toán của ông Hùng, giá nhiên liệu tăng 10% trở lên thì doanh nghiệp sẽ phải tăng giá cước 3% để bù đắp chi phí. Tính đến nay, giá xăng tăng 7% đã bắt đầu có tác động đến các doanh nghiệp.

Không chỉ thế, ngay cả xe buýt vốn là phương tiện giao thông công cộng dành cho "người nghèo" cũng đang rục rịch tăng giá trong năm nay do biến động giá xăng dầu. Ông Lê Trung Tính - Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở GTVT TP.HCM) cho biết - hiện tại TP.HCM còn hàng trăm xe buýt loại 12 chỗ sử dụng xăng sẽ bị ảnh hưởng từ đợt tăng giá này. Trong đó, giá nhiên liệu được tính vào trợ giá nên phải tính tới phương án đề xuất tăng trợ giá để bù chênh lệch cho các doanh nghiệp xe buýt. Tuy nhiên, cách này không đơn giản do trợ giá xe buýt trong năm nay đã quá cao (700 tỉ đồng). Do đó, Sở GTVT dự kiến sẽ đề xuất thành phố tăng giá vé xe buýt lên cao nhất 6.000 đồng/lượt (vượt khung giá xe buýt do UBND TP phê duyệt cao nhất chỉ có 5.000 đồng/lượt). Điều này sẽ góp phần "đẩy" hành khách ra khỏi xe buýt vì đây là loại phương tiện chủ yếu dành cho đối tượng thu nhập thấp như học sinh, sinh viên, công nhân.

                                                                                  Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục