Trứng gia cầm, một trong những sản phẩm trong nhóm bình ổn giá của TPHCM
Ngày 5-4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 63 tỉnh – thành trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010.
Tiềm ẩn nhiều khó khăn
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng dành khá nhiều thời gian để phân tích, mổ xẻ các điểm yếu của kinh tế - xã hội cả nước qua 3 tháng đầu năm 2010. Theo ông thì “tình hình vẫn còn nhiều nỗi lo”.
Đó là lạm phát ở mức cao hơn trung bình các năm gần đây và nếu không kiên quyết thực hiện kiềm chế thì lạm phát có khả năng trở lại 2 con số. Đáng lo ngại là yếu tố tăng giá nằm ngoài sự quản lý nhà nước đang diễn ra đối với một số mặt hàng thiết yếu do công tác quản lý nhà nước chưa tốt. Việc sử dụng các loại nhiên liệu đầu vào như điện, xăng, dầu, vật tư… chưa thật sự tiết kiệm nên gây lãng phí, đẩy giá thành phẩm lên cao.
“Vấn đề này cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành từ Trung ương đến địa phương”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng, dự báo tình hình xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta đã làm tốt công tác quản lý nhập khẩu chưa?” - đặt vấn đề, đồng thời Phó Thủ tướng thường trực trả lời công tác quản lý nhập khẩu, kiểm soát nhập khẩu, chính sách tiền tệ… quản lý chưa thật sự tốt. “Thực tế này gây hạn chế năng lực phục hồi kinh tế đất nước”, ông nhận định. Một vấn đề khác nữa là khả năng huy động nguồn lực đầu tư và công tác đảm bảo an sinh xã hội đã có dấu hiệu khó khăn.
Bằng chứng, để huy động nguồn lực bù đắp bội chi ngân sách, kế hoạch năm 2010 phát hành trái phiếu Chính phủ là 180.000 tỷ đồng nhưng cả quý 1 chỉ mới được 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ còn rất thấp! Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng rất khó khăn, cộng với mặt bằng lãi suất cao nên nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để phát triển.
Riêng thị trường hàng hóa cũng có biểu hiện “cần được chăm sóc”. Trừ một vài địa phương như TPHCM làm tốt công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhiều nơi vẫn chưa quản lý tốt giá cả thị trường, vẫn còn phổ biến tư tưởng sính ngoại… Do vậy, nhiệm vụ quan trọng số 1 là không để lạm phát cao trở lại.
7 nhóm giải pháp bình ổn giá
Báo cáo với Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, TPHCM hoàn toàn nhất trí với dự thảo Nghị quyết “về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010”.
Riêng tình hình kinh tế TP quý 1-2010 tiếp tục phục hồi. Tốc độ tăng trưởng GDP 11%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 4%; dịch vụ tăng 10,5% (cùng kỳ chỉ tăng 5,4%), nông nghiệp tăng 6,2%; đặc biệt sản xuất công nghiệp tăng đến 13,7% (cùng kỳ chỉ tăng 1,9%).
TPHCM sẽ thực hiện 7 nhóm giải pháp quan trọng để cùng cả nước kiềm chế lạm phát. Cụ thể, TP chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo cung - cầu suốt năm nay, nhất là các đợt cao điểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá, đưa ngay hàng đến những điểm “nóng” để bình ổn giá thị trường; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc; tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bán buôn bán lẻ để hàng hóa với giá phải chăng đến tận tay người tiêu dùng ở địa bàn dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp…; nâng cao vai trò các hiệp hội, ngành nghề TP vì đây là cầu nối quan trọng giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp để các chủ trương, chính sách của TP đến với doanh nghiệp và để lãnh đạo TP nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thông tin, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam với chi phí vừa phải.
Ngay sau cuộc họp kết thúc, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo các sở ban ngành TP căn cứ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng ngành, đơn vị mình. Lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các sở ngành chức năng phải cố gắng nỗ lực hết mình để tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM năm 2010 vượt 11%; thu ngân sách, thuế, hải quan tăng 5% so với kế hoạch. “Phải hạn chế tối đa nhập hàng xa xỉ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản phải tập trung giải ngân nhanh, đồng thời tăng cường kiểm tra giá của 8 nhóm mặt hàng thiết yếu và từng đơn vị phải đề ra chương trình tiết kiệm cho mình”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đề ra 7 nhóm giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 hầu hết đều được đại biểu nhất trí. Trong đó, đối với nhóm giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước VN được giao trách nhiệm tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%; điều chỉnh linh hoạt và thận trọng các loại lãi suất theo hướng thị trường, giảm dần mặt bằng lãi suất để tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công thương kiểm soát việc thực hiện cơ chế hình thành giá, giữ ổn định giá điện và giá than bán cho điện đến hết năm 2010. Riêng nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán sẽ tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được; hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; rà soát lại những quy định hiện hành về xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để loại bỏ các quy định không phù hợp. Trong quý 2-2010, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng… |
Theo SGGP
Theo báo cáo của Sở công thương trong giá trị sản xuất quý I ước đạt trên 637 tỉ đồng tăng 21,8% so với năm 2009, bằng 21,5% kế hoạch năm. Trong đó kinh tế nhà nước đạt 120,2 tỉ đồng bằng 100% so với cùng kỳ, thực hiện 20,2% kế hoạch năm; Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 467 tỉ đồng tăng 34%, thực hiện 21,3% kế hoạch năm; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 50,3 tỉ đồng.
Đã có sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của những người hoạch định chính sách khi đề xuất mô hình tăng trưởng mới cho VN trong giai đoạn 10 năm tới (2011-2020).
GDP quý I/2010 tăng khả quan nhưng vẫn ở mức thấp. Chính phủ đã thấy rõ khó khăn trong duy trì ổn định cân đối vĩ mô và có những biện pháp bình ổn
Hôm 2/4, giá thép bán lẻ trên thị trường Hà Nội đã lên tới 16 triệu đồng/tấn. Một tháng tăng hơn 3 triệu đồng/tấn, người tiêu dùng toát mồ hôi không hiểu điều gì đang xảy ra với thép?
Nhiều doanh nghiệp đang lắc đầu trước các mức lãi suất cho vay quá cao mà ngân hàng đưa ra, khiến tín dụng của nhiều ngân hàng trong quý I gần như không tăng nổi.
(HBĐT) - Chưa tìm được đầu ra ổn định, việc bảo quản nhiều khó khăn, cây tỏi bản địa (tỏi tía) ở xã Noong Luông, huyện Mai Châu với vị thơm, cay đặc biệt vẫn chưa hình thành nên vùng hàng hàng hoá. Việc mở rộng diện tích giống cây này vẫn là bài toán khó, thu nhập từ cây tỏi chưa thể khuyến khích được người trồng.