Quý I vừa qua, dệt may tiếp tục là ngành xuất khẩu dẫn đầu cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2010.

 
Ðây là tín hiệu khả quan để năm 2010, ngành dệt may có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD. Tuy nhiên, không ít khó khăn, thách thức mới đang đặt ra đối với ngành dệt may.
 
Tín hiệu khả quan


Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 2,16 tỷ USD, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước. Với kim ngạch xuất khẩu này, dệt may được đánh giá là ngành sản xuất ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá. Ðơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) trong quý I và quý II đều tăng mạnh, thậm chí nhiều DN dệt may đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2010, khác hẳn với cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng hồi quý I và quý II-2009. Ðiều này hứa hẹn khả năng tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong thời gian tới.


Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết,  hiện nay, thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, EU đang hồi phục về kinh tế, cho nên xuất khẩu trong quý I vào các thị trường này tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2009, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng trưởng âm khoảng 4%, thì sang quý I-2010, xuất khẩu vào thị trường này ước tăng khoảng 15%; thị trường châu Âu trong năm 2009 xuất khẩu tăng trưởng âm 5%, quý I-2010 đã tăng khoảng 6%. Ðạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao này là do các DN dệt may đều ký được nhiều đơn hàng hơn so cùng kỳ năm trước, có nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Ðáng chú ý, mặt hàng sợi có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, các nhà máy sợi đều có khả năng xuất khẩu. Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chỉ đạo các DN sản xuất sợi cân đối giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước để ổn định nguồn nguyên liệu sợi cho sản xuất trong nước. Bước sang quý II, với đà hồi phục kinh tế thế giới, tình hình xuất khẩu dệt may sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn.


Trong quý I, một số DN dệt may có mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao như: Công ty cổ phần may Ðồng Nai đạt kim ngạch xuất khẩu tám triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2009. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bùi Thế Kích cho biết, kim ngạch xuất khẩu quý I tăng là nhờ đơn giá tăng từ 5% đến 10%, sản lượng cũng tăng. Vì có nhiều đơn hàng lớn cho nên năng suất lao động của công ty tăng hơn so với việc thực hiện những đơn hàng nhỏ. Hiện nay, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết quý III và một phần hết năm 2010. Tương tự, Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đơn hàng xuất khẩu sợi từ tháng 3 tăng cả về sản lượng và đơn giá. Các nhà máy may của Tổng công ty nhận được nhiều đơn hàng từ quý II đến hết năm 2010.


Ðối mặt với nhiều khó khăn


Mặc dù đơn hàng và doanh số đều tăng nhưng không ít DN dệt may đang gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng, giá điện, tỷ giá USD, lãi suất vay ngân hàng... đồng loạt tăng, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Ðồng Nai Bùi Thế Kích dẫn chứng, năm 2009, do được hỗ trợ lãi suất cho vay 4% cho nên DN chỉ phải trả lãi suất vay ngân hàng 6%. Nhưng đến năm 2010, lãi suất vay ngân hàng tăng lên 15 tới 18% (tăng gấp ba lần so năm 2009) khiến các DN gặp khó khăn về vốn để phát triển sản xuất. Dự kiến năm nay, lợi nhuận của công ty sẽ giảm 50% so năm trước. Trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh thì cơ sở hạ tầng như: Ðường giao thông, cảng biển... chưa được cải thiện nhiều khiến DN khó giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.


Không chỉ gặp khó khăn về chi phí sản xuất tăng, các DN dệt may còn phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động. Tình trạng này diễn ra khá căng thẳng với nhiều DN trong ngành, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội, các khu công nghiệp tập trung... Chủ tịch HÐQT Tổng công ty may Ðức Giang, Hoàng Vệ Dũng cho rằng, khi DN có được nhiều đơn hàng thì DN nào giữ được lao động ổn định, DN đó sẽ thành công trong sản xuất, kinh doanh. Sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều lao động trong ngành đã không quay trở lại làm việc khiến DN mặc dù nhận nhiều đơn hàng nhưng không đủ lao động để thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do có sự chuyển dịch lao động từ ngành dệt may sang các ngành công nghệ cao, có thu nhập cao hơn và sự cạnh tranh thu hút lao động giữa các DN trong ngành tại các địa phương. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội Hồ Lê Hùng, do thiếu hụt lao động cho nên Tổng công ty phải tìm các đơn vị liên kết ở các địa phương để thực hiện hợp đồng, bảo đảm đúng tiến độ giao hàng cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, hình thức này sẽ làm cho DN bị động khi thực hiện các hợp đồng lớn, phải giao hàng gấp.


Khó khăn, thách thức đối với ngành dệt may là rất lớn nhưng với những tín hiệu xuất khẩu khả quan trong thời gian tới, các DN đang nỗ lực tranh thủ thời cơ, thu hút đơn hàng, duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm khách hàng mới, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Ðể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 10,5 tỷ USD, các DN cần nhanh chóng chuyển dịch sản xuất từ gia công sang làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), từ làm đơn hàng có giá trị thấp, trung bình sang đơn hàng có giá trị cao đồng thời phát triển mặt hàng thời trang để tăng giá trị gia tăng.


Bước vào quý II, Vitas cũng đã yêu cầu các DN trong ngành đầu tư mở rộng các nhà máy may ở các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang và một số tỉnh miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên... Ðồng thời di dời các nhà máy sản xuất về các thị tứ và vùng nông thôn, tiện đường giao thông, trong khi cơ sở tại các thành phố lớn chỉ tập trung sản xuất hàng cao cấp và phát triển kinh doanh nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và chi phí đầu vào tăng.


Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội Hồ Lê Hùng, trước tình trạng thiếu hụt lao động, DN đang triển khai dự án di dời toàn bộ cơ sở sản xuất sợi và may về Khu công nghiệp Ðồng Văn II (Hà Nam). Việc di dời này sẽ giúp DN giảm áp lực về chi phí nhân công, ổn định lao động sản xuất. Còn ở Công ty cổ phần may Ðồng Nai, để giữ chân người lao động, công ty đã tập trung chăm lo đúng mức đời sống của công nhân và tìm giải pháp tăng năng suất lao động để tăng lợi nhuận, từ đó sẽ tăng thu nhập cho người lao động, giúp họ yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn lực cho phát triển. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Ðông Xuân Trương Thị Thanh Hà nhấn mạnh, nếu tổ chức sản xuất tại các thành phố lớn như Hà Nội thì khó thu hút được lao động do thu nhập của ngành dệt may không cao so với các ngành khác. Vì thế, DN buộc phải chuyển dịch các cơ sở sản xuất về các địa phương khác. Tuy nhiên, làm vậy DN cũng phải gánh thêm chi phí đào tạo lao động ở địa phương. Ðầu quý II, công ty đã khởi công Nhà máy sản xuất sản phẩm dệt kim chất lượng cao có năng lực sản xuất tám triệu sản phẩm dệt kim/năm tại Hưng Yên và cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động, dự kiến thu hút 800 lao động địa phương.


Một loạt chi phí đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Trong bối cảnh đó, các DN dệt may đều xác định tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Bố trí lại dây chuyền sản xuất hợp lý, thực hiện tiết kiệm triệt để trong mọi khâu sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động... được nhiều DN áp dụng nhằm giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sản phẩm dệt may của các nước khác.
 
                                                                                Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Nhiều tour du lịch cho dịp lễ.
Nông dân huyện Cao Phong luôn chủ động về KHKT trong trồng, chăm sóc cây cam.

Hiền Lương: Khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo

(HBĐT) - Là 1 trong 15 xã vùng lòng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, đến nay, Hiền Lương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với cây mía, cây ngô trên đất bưa bãi, cây luồng trên đất rừng, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản trên diện tích hồ, ao và chăn nuôi gia súc, gia cầm từng bước được đẩy mạnh. Từ đó, KT-XH của xã ngày một phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Mục tiêu phát triển kinh tế quý II/2010: Vừa tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 6,5%, thì quý II/2010, GDP phải đạt mức tăng 6%; quý III/2010 phải tăng 6,5% và quý IV/2010 phải đạt mức tăng 7,3%.

Loạn nhãn mác vật tư nông nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã lập lờ nhãn mác, chất lượng thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, phân bón để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại của người tiêu dùng.

Lãi suất sẽ tiếp tục giảm

Giảm tiếp 0,5% một số lãi suất do NHNN công bố. * NHNN cân nhắc khả năng không cho phép các NH huy động, cho vay vàng. * Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, lãi suất thị trường đã và sẽ tiếp tục giảm nữa.

18 chữ ký mới được hoàn thuế

Người dân có thu nhập dưới mức chịu thuế đã bị khấu trừ 10%, nay lại phải chầu chực “xin” hoàn thuếThông tư 62/2009/TT-BTC ban hành ngày 27-3-2009 của Bộ Tài chính quy định, cá nhân có thu nhập vãng lai nhận thu nhập trên 500.000 đồng/lần thì phải bị khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cuối năm thực hiện quyết toán thuế để được hoàn. Việc quy định như trên ngày càng cho thấy nhiều bất cập, khiến cả đơn vị chi trả, người lao động và cơ quan thuế đều vất vả, nhất là thiệt thòi cho người lao động có thu nhập thấp.

Giảm nghèo, cần bền vững hơn là nhanh !

Hôm qua, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc với phần thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc của QH về thực tế xóa đói, giảm nghèo qua chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục