Một tháng sau khi áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận, đã có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp cân nhắc khi vay USD. Lãi suất VND đang giảm trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ bốn tháng đầu năm quá cao là lý do nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ đã “lo xa” chuyển sang vay VND.
Các ngân hàng thương mại sẽ hạn chế cho vay bằng ngoại tệ - Ảnh: T.T.D. |
Theo các ngân hàng, sức ép trả nợ lớn nhất là từ tháng 7 trở đi khi các doanh nghiệp (DN) đáo hạn khoản vay đã giải ngân cuối năm 2009 và đầu năm 2010.
Vay USD ít đi
Do chênh lệch lãi suất (LS) VND và USD lớn nên bốn tháng đầu năm hầu hết DN chọn vay USD để hưởng LS thấp hơn. Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), bốn tháng đầu năm dư nợ ngoại tệ đã tăng 8% trong khi huy động ngoại tệ tăng khá chậm. Tại nhiều ngân hàng khác, trong bốn tháng đầu năm DN vẫn chủ yếu vay USD để tận dụng LS rẻ.
Giám đốc sở giao dịch 2 một ngân hàng lớn cho biết có thời điểm DN chỉ yêu cầu vay ngoại tệ để hưởng LS thấp, phổ biến chỉ 6-7%/năm, tính ra bằng phân nửa, thậm chí 1/3 so với vay VND.
Tỉ giá VND/USD những tháng đầu năm ít biến động nên tâm lý DN rất thoải mái khi vay ngoại tệ. Nhiều ngân hàng đã phải liên tục tăng LS huy động USD, mức LS huy động hiện tại là 4,4%/năm kỳ hạn 12 tháng, thậm chí một vài ngân hàng nhỏ đẩy LS huy động USD lên gần 5%/năm.
Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây tình hình đã có chuyển biến. Giám đốc khối khách hàng DN một ngân hàng cổ phần cho biết chênh lệch LS USD - VND đã thu hẹp sau một tháng áp dụng LS thỏa thuận.
Hiện LS vay VND phổ biến chỉ còn 14-15%/năm, với DN xuất khẩu có sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng thì LS chỉ từ 13-13,5%/năm. Một số ngân hàng lớn LS cho vay ngắn hạn còn tối đa 13%/năm. Riêng cho vay tài trợ hàng xuất khẩu, cho vay phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho vay thu mua chế biến nông thủy sản, gỗ, cà phê, cao su với kỳ hạn đến sáu tháng LS tối đa 12,5%/năm.
Chênh lệch LS giữa vay ngoại tệ và VND thay đổi khiến DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ cân nhắc hơn. Ông N.N.T. - giám đốc một DN nhập khẩu tại quận Bình Tân, TP.HCM vừa đáo hạn khoản vay ngoại tệ - cho biết đang tính toán giữa vay VND và USD. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ chọn vay VND để tránh rủi ro tỉ giá.
“Đầu năm 2010 DN vay USD rõ ràng có lợi do LS thấp, đáo hạn lại được mua USD trả nợ với tỉ giá niêm yết. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi, nếu tiếp tục vay USD sẽ khó tránh khỏi rủi ro tỉ giá vì tới đây nhiều DN sẽ phải mua USD để trả nợ ngân hàng” - ông T. nói.
Chuộng lãi suất cao?
Mười ngày trở lại đây tỉ giá mua bán USD tại ngân hàng đang tăng lên, một phần do các DN vay USD ngắn hạn đến hạn phải mua USD để trả nợ cho ngân hàng. Từ mức thấp nhất 18.990 đồng/USD cuối tháng 4, giá bán USD tại ngân hàng đã tăng đều đặn, đến nay là 19.040 đồng/USD. Giá mua USD tiền mặt, chuyển khoản cũng tăng.
Dù giá mua bán USD vẫn chưa chạm trần nhưng cũng khiến DN, nhất là những đơn vị không có nguồn trả nợ bằng USD, phải tính toán lại. Nếu vay thời điểm hiện tại, thời hạn vay 3-6 tháng thì kỳ trả nợ rơi vào những tháng cuối năm. Khi các DN đồng loạt có nhu cầu mua USD trả nợ sẽ tạo sức ép rất lớn lên tỉ giá.
Hiện nhiều ngân hàng có các chương trình vay USD ưu đãi kết hợp hỗ trợ LS nếu tỉ giá thời điểm trả nợ biến động mạnh. Như Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) hỗ trợ LS 1%/6 tháng nếu tỉ giá ngoại tệ tại thời điểm trả nợ tăng cao hơn 5% so với tỉ giá tại thời điểm giải ngân. Tuy nhiên theo các ngân hàng, vay USD chủ yếu là các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD.
Theo ông Đỗ Minh Toàn - phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, vay USD nhiều nhất vẫn rơi vào các DN xuất khẩu do có nguồn trả nợ bằng USD nên không lo biến động tỉ giá. Với DN nhập khẩu, nhiều DN vẫn chọn vay VND để bớt áp lực khi trả nợ.
Theo phân tích của tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại quận 1, chuyển hướng sang vay VND của các DN nhập khẩu không phải không có lý do. Nhìn vào tương quan LS lúc này, rõ ràng vay ngoại tệ đang lợi hơn, nhưng thực tế với DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ là “năm ăn năm thua” vì còn tùy thuộc diễn biến của tỉ giá, thứ mà khó ai đoán trước được.
Nếu tỉ giá biến động theo như dự đoán của DN thì DN được lợi, nhưng mức lợi còn tùy thuộc mức tăng của tỉ giá, tăng ít thì coi như... hòa vốn. Trường hợp tỉ giá “đứng im” thì DN bị thiệt do phải trả LS cao hơn.
Theo Báo Tuoitre
Khảo sát của các Cty nghiên cứu thị trường có uy tín cho thấy, lợi nhuận của các nhà chế biến sữa bột nhập khẩu hiện nay từ 22% đến 86%. Giá sữa thường bị đẩy lên mức trên dưới 400 nghìn đồng/kg (tức gấp bốn lần giá nhập).
(HBĐT) - Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực xúc tiến ngành nghề thủ công phục vụ phát triển KT-XH ở nông thôn Việt Nam” được triển khai tại tỉnh Hoà Bình từ năm 2008 – 2011 do JICA tài trợ, mô hình chế biến chè Shan tuyết sẽ được thực hiện tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ JICA trên 1,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương trên 264 triệu đồng, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp khoảng 500 triệu đồng.
(HBĐT) - Mấy ngày gần đây, thay vì nói về giá vàng, giá đất... người dân quan tâm nhiều đến lịch cắt điện luân phiên. Có lẽ do điện đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện nay nhất là trong khi thời tiết đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp, xây nhà đã được ban hành, nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận vốn.
Ba ngày nay, tỷ giá thị trường tự do rục rịch tăng giá và tiếp đó là xuất hiện dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ phá giá VND thêm 4% trên một hãng tin nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất.