Theo nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, ngay từ tháng 5, số lô hàng nguyên liệu sản xuất dây và cáp điện được nhập khẩu về Việt Nam dồn dập. Dự kiến, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng mạnh trong quý 3/2010.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mặt hàng này có nhiều thuận lợi, đạt mức tăng trưởng kim ngạch khá cao và có thể coi đây là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm 2010.
Triển vọng về giá và thị trường
Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu dây cáp điện của Việt Nam trong tháng 5 đạt 98,9 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 4/2010 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu dây và cáp điện cả nước đạt 487,83 triệu USD, tăng 100,6% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 40,7% kế hoạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong năm 2010.
Đáng chú ý, xuất khẩu dây và cáp điện của Việt Nam sang hai thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng khá cao. Trong 5 tháng đầu năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu dây và cáp điện của các doanh nghiệp Việt Nam sang hai thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ đã chiếm tới 85,7% kim ngạch xuất khẩu của ngành này.
Sản phẩm xuất khẩu chính là dây và cáp điện dùng trong ôtô tiếp tục thuận lợi. Dấu hiệu rõ nhất thể hiện sự tăng trưởng về xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu nhiều lô hàng cáp điện khác cũng tăng cao.
Về cơ cấu mặt hàng, xuất khẩu dây cáp điện dùng trong ôtô 5 tháng đầu năm 2010 chiếm tới 76,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dây và cáp điện. Dự báo xuất khẩu chủng loại mặt hàng này trong năm nay sẽ chiếm tới trên 75% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Xuất khẩu một số chủng loại cáp điện bọc nhựa, dây cáp máy tính và dây cáp điện dùng trong xe máy cũng tăng trưởng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm 2010, với mức tăng trưởng đều trên 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra xuất khẩu dây điện bọc flubon, cáp điện có đầu nối, cáp quang… cũng tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm. Theo Trung tâm Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công Thương, có khả năng trong những tháng tới giá xuất khẩu dây và cáp điện sẽ tăng cao hơn do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng.
Điều dễ nhận thấy là, các doanh nghiệp đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về giá xuất khẩu từ những đối thủ trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn có khả năng gia tăng giá trị lợi nhuận nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời điểm giá nguyên liệu đứng ở mức hợp lý để tích trữ nguyên liệu, tăng cường chất lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động tích cực tìm kiếm khách hàng tại thị trường châu Phi vì hiện đã có doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Ghana đạt giá trị khá cao, lên tới 2,36 triệu USD.
Trung tâm Thương mại và Công nghiệp cũng đưa ra dự báo, xuất khẩu dây và cáp điện quý 3/2010 tiếp tục tăng cao. Thứ nhất là do nhập khẩu nguyên liệu dùng sản xuất dây và cáp điện như đồng Cathodes, nhôm chưa gia công, nhựa nguyên liệu dùng cho dây và cáp điện… tháng 5 tiếp tục tăng rất mạnh, thậm chí nhiều chủng loại tăng trên 100%.
Thứ hai, sản phẩm dây cáp điện của Việt Nam có chất lượng, giá thành thấp, được thị trường khó tính như Nhật Bản chấp nhận. Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu dây cáp điện lớn thứ hai của Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc. Thứ ba, ngành sản xuất ôtô thế giới tiếp tục tăng trưởng là điều kiện để xuất khẩu sản phẩm dây cáp điện dùng trong ôtô của Việt Nam tăng trưởng cao.
Cũng theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, tuy xuất khẩu các chủng loại dây và cáp điện tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đó vẫn là xu hướng của năm 2009.
Chủng loại mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là dây và cáp điện dùng trong ôtô và thị trường chính vẫn là Nhật Bản. Có nhiều thị trường có tiềm năng đối với mặt hàng này như châu Phi, Trung Đông… cần được các doanh nghiệp chủ động tiếp cận và khai thác cơ hội kinh doanh.
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Một số chuyên gia của Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương nhìn nhận, dây và cáp điện đang là một mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu dây và cáp điện của Việt Nam nói riêng để giảm các loại chi phí liên quan tới xuất khẩu như chi phí tại cảng biển, sân bay và chi phí vận tải; giảm tối đa thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp xuất khẩu (có thể tài trợ chi phí cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu để thực hiện các thủ tục này được thuận tiện, thông qua bộ máy hành chính nhà nước phục vụ xuất khẩu như thuế, hải quan).
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia này, bản thân thị trường trong nước cũng có nhu cầu rất lớn và từ đầu năm đến nay vẫn phải nhập dây và cáp điện với số lượng lớn. Vì vậy, dù đang xuất khẩu tốt, các doanh nghiệp sản xuất vẫn cần khai thác tối đa thị trường trong nước để giảm quy mô nhập khẩu, nhằm giảm mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào các thị trường nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất dây và cáp điện.
Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh công nghệ, nâng cao phần giá trị gia tăng sản xuất trong nước thông qua việc khai thác các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu sẵn có trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu dây và cáp điện cần đảm bảo nguồn vốn đầu tư để có thể tích trữ nhằm sản xuất trong thời gian dài.
Theo TTXVN
(HBĐT) - “Chưa bao giờ tôi thấy tình hình nắng hạn lại kéo dài và khốc liệt như năm nay…” – bà Bùi Thị Quyết, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thuỷ đã phải thốt lên như thế khi tham gia đoàn công tác của ngành NN&PTNT đi kiểm tra sản xuất vụ hè thu trên địa huyện.
Mặt bằng lãi suất huy động đang có nhiều tín hiệu tích cực tiến tới mục tiêu giảm về mức 10%/năm khi hầu như toàn bộ các NHTM chỉ trong một thời gian ngắn đã đưa mức lãi suất này xuống quanh mức 11,2%/năm.
Sau một thời gian trụ ở mức cao, giá vàng 3 ngày gần đây đã có dấu hiệu đi xuống, tuy nhiên vẫn phụ thuộc khá nhiều từ động thái mua - bán của giới đầu cơ quốc tế
Không ủng hộ công nghệ lạc hậu, khuyến khích khai thác đến "cốt âm" là quan điểm chủ đạo của Ðề án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
Tại hội thảo về cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ thị trường điện tại Việt Nam do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng 19/7, Tư vấn Savu C. Savulescu của Công ty ECI cho rằng EVN cần triển khai ngay giải pháp tiếp cận nhanh hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện tại Việt Nam.
(HBĐT) - Thực hiện đề án “Hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 – 2011”, trong cả hai năm 2009 và 2010, tỉnh ta đều không hoàn thành chỉ tiêu về số lượng máy cung ứng qua từng năm. Kết quả này đang đặt ra câu hỏi bức thiết: Cần tháo gỡ “nút thắt” nào để thực hiện thành công đề án và góp phần thúc đẩy lộ trình cơ giới hoá nông nghiệp của tỉnh ta?