Lên phố thì cưỡi xe hơi, xách laptop, “alô” bằng điện thoại “xịn” suốt buổi với luật sư, đối tác ký kết làm ăn. Về nhà thì lái xuồng đi thăm cá, phơi nắng đắp đê bao chống ngập, nâng niu từng trái cam quả quýt...; đó là hình ảnh không còn xa lạ của những nông dân trở thành “đại gia” nhờ dám nghĩ dám làm ở miền Đông Nam Bộ.
“Vua” mì Hồ Sáu
Giữa dòng thời sự Vedan VN cuồn cuộn, tôi bất ngờ gặp “vua mì” Hồ Sáu (xã Tây Hồ - Trảng Bom, Đồng Nai) ngồi “alô” liên tục với đối tác ngay quán càphê hoành tráng nhất nhì TP.Biên Hòa. Ông Sáu quê gốc Đức Phổ (Quảng Ngãi). Duyên số ông gắn với cây mì bắt đầu từ năm 1994, khi ông được thuê nhổ củ mì cho Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc. Phát hiện có giống mì mới vừa nhập về từ Thái Lan, trồng thử nghiệm mang lại năng suất cao gấp 5 lần so với giống cũ, ông xin ít cây giống rồi về nhà, gom hết 6 chỉ vàng ky cóp lâu nay mua 1ha đất để trồng.
“Vua mì” Hồ Sáu (Trảng Bom - Đồng Nai) và ngôi biệt thự nguy nga của ông. Ảnh: Ngô Sơn |
Không chỉ trồng thành công, mà năng suất cao vọt làm động lực cho ông thuê tiếp 40ha đất đang hoang hóa thời đó để đầu tư. Vụ đó ông lãi tới 400 triệu. Ông dùng đồng lãi đó, đầu tư cho mì và đến giờ này - sau hơn 30 năm chỉ chuyên cây mì - không chỉ sở hữu hơn 100ha mì, mỗi năm thu lời hàng tỉ đồng, ông còn sắm được cả biệt thự. Ông trở thành “vua mì” của Đồng Nai, được trao giải thưởng “Sao Thần nông”, năm 2005 được nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương tới thăm.
Ông Sáu giờ là Chủ tịch HĐQT 2 Cty chuyên chế biến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài.
“Nữ Oa” giữa vùng núi
Người được dân Tân Phú so sánh là “Nữ Oa” đội đá vá trời này thực ra là một người đàn ông: Ông Trần Hoàng Tuấn (xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, Đồng Nai) - người đoạt giải “Sao vàng Đồng Nai” năm 2008 và nhiều năm liên tục danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh này, người mỗi năm thu lãi ròng gần 3 tỉ đồng trên vườn quýt 70ha ở xã Núi Tượng.
Ông Tuấn vốn dân phố thị, có tới 3 căn nhà mặt tiền đường 30.4, nơi kinh doanh buôn bán sầm uất của TP.Biên Hòa hiện nay và làm GĐ Cty TNHH xây dựng Trường Giang. Ông đã bán nhà, bỏ luôn chức từ hơn... 10 năm trước, ôm tiền về cái xã miền núi xa xôi này mua 70ha đất ven sông Đồng Nai để lập nghiệp mới. Vườn kề sông, thuận lợi nước thì cũng chính nước sông hại ông, khi trồng trọt cho đã đời, cứ đến mùa mưa, nước ngập, cây trồng thối ủng hư hỏng. 2 năm trời như thế khiến ông “nổi giận” với “trời”.
Năm thứ ba, ông dốc ra số vốn còn lại hơn 2 tỉ đồng, thuê người đắp đê bao bao quanh mảnh vườn 70ha để ngăn lũ. Trong diện tích 70ha đó, ông lại đắp đê bao chia thành từng khu nhỏ từ 3-5ha, trang bị máy bơm, làm mương tưới tiêu để điều tiết nước thuận lợi hơn. Dân xã Núi Tượng thời đó có người nói ông “khùng”, là “đốt tiền”. Có người còn “mỉa” gọi ông là... “Nữ Oa” thời hiện đại. Ông mò xuống ĐBSCL - nơi có đê bao chống lũ giống như của ông, để học hỏi các nhà vườn và chọn giống cây phù hợp với vùng đê chống lũ. Ngày chăm cây, cuốc đất, tối mày mò đọc sách nghiên cứu.
Cứ thế, chỉ 2 năm sau, trong khi nhà vườn xung quanh khổ sở vì ngập lụt hoặc thiếu nước, thì vườn quýt của ông trĩu quả thu lãi ròng hơn 2 tỉ đồng. Từ 2006 tới nay, lãi ròng ông thu lên xấp xỉ 3 tỉ đồng, mà vẫn không đủ hàng bán cho thương lái.
“Hai lúa” chế máy phát điện
"Nữ Oa" Trần Hoàng Tuấn bên vườn quýt thu lãi ròng gần 3 tỉ/năm. |
Nếu Tây Ninh nổi danh “hai lúa” chế tạo máy bay, thì Đồng Nai có “hai lúa” Nguyễn Văn Dục nổi danh hơn bởi sáng tạo áp dụng rất thực tế. Làm chủ trại heo hơn 800 con ở huyện Trảng Bom, ngày ngày phải khổ sở với lượng chất thải chăn nuôi lớn gây ô nhiễm môi trường, ông Dục đã nung nấu ý định tận dụng... phân heo để hạ giá thành.
Làm xong hầm biogas, năm 2001, mua được 1 động cơ máy nổ, gần nửa tháng trời ông mày mò chế tạo hệ thống phân phối khí; chi tiết đánh lửa; hệ thống tự động ngắt điện khi gặp sự cố; chi tiết giảm âm thanh, giảm khói để biến nó thành cái máy phát điện chạy bằng khí biogas. Sáng kiến này đã giúp ông tận dụng được hết chất thải trong chăn nuôi, tiết kiệm hàng triệu đồng tiền điện/tháng. Sẵn đà, ông mở luôn cơ sở sản xuất máy phát điện từ khí biogas. Đồng Nai vốn là “thủ phủ” chăn nuôi của miền Đông Nam Bộ; nên khi hay tin, hàng loạt trang trại trong và ngoài tỉnh đã đến cơ sở ông đặt hàng.
Theo Báo LĐ
(HBĐT) - Đến hết tháng 6/2010, Ngân hàng CSXH huyện Cao Phong có tổng nguồn vốn hoạt động là 89.442 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn trung ương là 86.057 triệu đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương là 274 triệu đồng.
Tại cuộc họp công bố kết quả kiểm toán năm 2008 đối với các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố hôm qua (29-7), một lần nữa hiệu quả hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn có nguy cơ theo... vết đổ của Vinashin!
Ngày 29/7, Hội đồng cạnh tranh quốc gia đã thông báo sẽ phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm số tiền 1,708 tỷ đồng vì vi phạm Luật cạnh tranh.
Trong khi nước ta kỳ vọng vốn FDI sẽ giúp các ngành công nghiệp, nông nghiệp được chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa nhưng thực tế nguồn vốn này đang “chảy” mạnh vào dịch vụ
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 29-7 cho biết, bắt đầu từ tháng 8 sẽ đưa sản phẩm xăng sinh học E5 bán tại hơn 20 điểm ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Hải Phòng và Hải Dương.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ Cao Phong về phát triển cây ăn quả có múi mà chủ lực là ở Công ty RQNS Cao Phong được coi là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, những năm qua, Công ty đã không ngừng phấn đấu, xây dựng thành công thương hiệu cam Cao Phong. Sản phẩm cam ngày càng khẳng định được chất lượng, uy tín thương hiệu trong các cuộc bình chọn tầm cỡ quốc gia, cũng như trong lòng khách hàng gần xa.