Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, từ năm 2011, thị trường nông thôn sẽ là tâm điểm đầu tư của các đại gia bán lẻ nước ngoài thay vì các thị trường lớn đã bão hòa như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Do vậy, nếu không có chiến lược đầu tư đúng đắn và coi thị trường nông thôn là đòn bẩy để phát triển thị trường nội địa thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất dần cơ hội đưa hàng Việt trở về sân nhà.
PV: Thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam đã khá quen thuộc với các chương trình bán hàng chất lượng cao, đặc biệt là các chuyến hàng Việt về nông thôn, vậy theo bà hàng tiêu dùng Việt Nam đã có sức hút như thế nào?
Bà Vũ Kim Hạnh: Thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại thị trường nội địa của Bộ Công thương đã có trên 40 phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" được tổ chức ở các tỉnh thành trên cả nước.
Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ phía người tiêu dùng nông thôn như “bây giờ dùng hàng Việt Nam lại thấy an tâm hơn”. Khách hàng đã an tâm hơn là vì hàng Việt không bị các vấn nạn như sản phẩm có độc tố, vì được người bán hàng hướng dẫn sử dụng và cam đoan bảo hành, vì thấy logo Hàng Việt Nam chất lượng cao và an tâm hơn hẳn khi thấy người bán hàng mang sản phẩm chính hãng tới tận nơi ở của họ để bán, rồi sau khi bán hàng thì doanh nghiệp vẫn để đại lý và mạng lưới phân phối lại.
Tôi đã thấy rất nhiều người dân nông thôn đến lần đầu là để xem, lần thứ hai là để mua các mặt hàng có giá trị nhỏ, lần thứ ba mua những món hàng có giá trị cao hơn…
PV: Nhưng theo một số nguồn tin thì có nhiều doanh nghiệp tham gia chỉ là để ủng hộ chương trình chứ bán hàng về nông thôn không phải là mục tiêu của họ. Bà nghĩ thế nào về quan điểm này?
Bà Vũ Kim Hạnh: Có thể có những doanh nghiệp tham gia là để ủng hộ nhà tổ chức, ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, lợi ích của doanh nghiệp vẫn là yếu tố đầu tiên phải tính đến. Nếu doanh nghiệp nào chỉ nghĩ thuần túy đi bán hàng một lần, tính toán chi, thu và đảm bảo về vốn, có lời thì doanh nghiệp đó không theo chương trình lâu được.
Tôi có thể dẫn chứng thế này, trong các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều vị đứng đầu các doanh nghiệp lớn trong nước đã trực tiếp theo đơn vị tổ chức đến tận nơi để chỉ đạo việc bán hàng, để nghe phản hồi những ý kiến của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, cách phục vụ… và kết quả là nhiều doanh nghiệp đã rất thành công từ cách làm đó, không chỉ thành công về doanh thu mà giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng đã gắn kết với nhau hơn.
Hơn nữa, chúng tôi đi vào những nơi rất xa, khó khăn về giao thông, những nơi mà từ trước tới nay doanh nghiệp chưa bao giờ đến. Do đó, nếu doanh nghiệp nào quan niệm rằng chương trình là một điểm tựa để xâm nhập vào thị trường nông thôn, thì doanh nghiệp đó sẽ khám phá được giá trị mà những phiên chợ hàng Việt về nông thôn mang lại.
Có những chợ huyện có đến 90% là hàng hóa Trung Quốc và sản phẩm không có nhãn mác. Tôi cho rằng, tại những nơi như vậy thì càng cần phải có hàng hóa của Việt Nam để người tiêu dùng có thể lựa chọn và so sánh khách quan theo lợi ích tiêu dùng, qua đó doanh nghiệp sẽ xây dựng được mạng lưới phân phối, cạnh tranh để tìm đất sống cho hàng Việt ở nông thôn.
PV: Thị trường nông thôn tuy rất lớn, nhưng lại phải đầu tư rất lâu dài, nếu xét về tiềm lực tài chính thì các doanh nghiệp trong nước yếu thế hơn, vậy theo bà để thực hiện thành công ở thị trường này cần có những yếu tố gì?
Bà Vũ Kim Hạnh: Tâm lý của nhà phân phối ở địa phương bao giờ cũng muốn có một sự an toàn, tức là có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận không nhiều, chứ họ không hướng tới lợi nhuận lớn với rủi ro lớn.
Nếu doanh nghiệp tính tới việc mở rộng thị phần tại thị trường nông thôn thì phải chấp nhận đầu tư tốn kém. Còn nếu chỉ nghĩ tới chuyện sẽ bán hàng, gia tăng thị phần bằng bất cứ giá nào và nhà phân phối cũng đi tìm lợi nhuận bằng bất cứ giá nào, không ai nghĩ cùng chia sẻ khó khăn trong bước đầu thì cuộc “hôn nhân” đó tất yếu sẽ tan vỡ.
Cuộc cạnh tranh giữa hàng Việt với những mặt hàng giá rẻ, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng còn đang rất quyết liệt. Tôi biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mổ xẻ những lợi thế cạnh tranh, tìm hướng liên kết với nhau, thay đổi quy cách mẫu mã cho phù hợp với thị trường nông thôn.
Nhưng thực tế một số doanh nghiệp còn ngần ngại tham gia cạnh tranh, bởi tiềm lực tài chính rất hạn chế. Thế nên mới cần có sự hỗ trợ của Bộ Công thương đối với những doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, còn vai trò của doanh nghiệp là tích hợp với mạng lưới phân phối ở địa phương để mở rộng dần con đường đi của hàng Việt.
Sau một năm thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tôi thấy rằng con đường này còn rất dài. Không thể nói sau hơn 40 phiên chợ có thể kết luận được gì ngay, bởi những nơi chúng tôi đến chỉ là "tráng qua một lớp men", khởi động bước đầu. Bởi sau đó, người tiêu dùng nông thôn có thể mua sản phẩm ở đâu thì phải có mạng lưới của chính các doanh nghiệp đưa đến.
PV: Xin cảm ơn bà.
Theo ĐCSVN
Nên sớm bãi bỏ quy định vay vốn liên ngân hàng để thị trường hoạt động minh bạch. Ngân hàng Nhà nước nên mua lại cổ phần của ngân hàng “sức khỏe” yếu, rồi tiến hành sáp nhập
Chỉ trong bảy tháng đầu năm VN đã nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn lúa mì, bằng lượng nhập khẩu của cả năm 2009 và gấp hơn hai lần năm 2008.
Đây là lần tăng giá khá "khôn ngoan" của các hãng sữa khi mức tăng không quá ồn ào lại vừa lách được quy định quản lý.
(HBĐT) - Sáng 1/8, Công ty CP cà phê Thái Hòa Hòa Bình đã tổ chức xuống giống trồng cà phê niên vụ 2010. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo sở NN&PTNT, Huyện uỷ, UBND, các ban, ngành, đoàn thể huyện Lạc Sơn, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tập đoàn Thái Hòa, đại diện cấp uỷ, chính quyền 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn.
(HBĐT) - Trong 5 năm qua, cùng với việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn đã có những bước tiến quan trọng trong việc quản lý thuế, kiện toàn bộ máy và cơ chế quản lý, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình 135 năm 2010, huyện Tân Lạc có 39 công trình với số vốn 9.196 triệu đồng. Trong đó đã bàn giao và đưa vào sử dụng 23 công trình chuyển tiếp năm 2009. Năm 2010 có 16 công trình được giao mới. Hiện, huyện đã thẩm định 15 công trình, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 13 công trình, ký hợp đồng xây lắp 11 công trình.