Theo Bộ NN- PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 2,45 tỷ USD, tăng hơn 11,63% so cùng kỳ năm 2009. Điều nghịch lý là xuất khẩu dù tăng nhưng lợi nhuận giảm và người nuôi thủy sản gặp không ít khó khăn.
Duy trì đối tác
Thu hoạch cá tra chất lượng cao ở vùng nuôi Global GAP của Công ty TNHH Thủy sản Sài Gòn - Mekong. |
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết: Kế hoạch xuất khẩu 32 triệu USD cá tra phi lê trong năm 2010, đến nay công ty đã hoàn thành hơn 60%. Đây là kết quả khả quan trong thời điểm xuất khẩu thủy sản có nhiều biến động như đồng EUR mất giá, một số nước châu Âu khủng hoảng nợ…
Đồng quan điểm trên, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương bộc bạch: “6 tháng đầu năm, chúng tôi đã xuất khẩu hơn 90 triệu USD, dẫn đầu ngành thủy sản. Nói là 6 tháng nhưng thật ra các doanh nghiệp chỉ hoạt động hơn 4 tháng, do thời gian nghỉ tết và nghỉ lễ đầu năm khá dài. Điều này cho thấy xuất khẩu thủy sản những tháng qua rất hiệu quả”.
Lãnh đạo Công ty CP Nam Việt (An Giang) cho biết, đến nay đã đạt lợi nhuận gần 50 tỷ đồng, những tháng còn lại sẽ chạy nước rút để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 100 tỷ đồng năm 2010. Thuận lợi cơ bản là từ tháng 9, tháng 10 trở đi nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới tăng cao, đây là thời điểm để doanh nghiệp tăng tốc về đích.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thị trường xuất khẩu thủy sản đang phục hồi, với chiều hướng này khả năng sẽ hoàn thành chỉ tiêu 4,5 tỷ USD trong năm 2010. Tuy nhiên, cái khó mà các doanh nghiệp đối mặt là lãi suất ngân hàng năm nay tăng cao, bình quân từ 12% - 16%/năm, cộng với giá điện, cước vận chuyển, bao bì, nhân công… đều tăng; trong khi giá xuất khẩu chưa cải thiện được nhiều. Vì vậy lợi nhuận sẽ không đạt như kế hoạch, thậm chí có doanh nghiệp đặt chỉ tiêu hòa vốn - ổn định thị trường và duy trì đối tác để chờ năm sau.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp, trăn trở khi đa số hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL tiếp tục thua lỗ do chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng giá bán nguyên liệu không tăng. Đã có khoảng 40% - 60% số hộ nuôi cá treo ao, ngưng hoạt động dẫn đến nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu. Dự báo sang quý 4-2010 và những tháng đầu năm 2011 tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ căng thẳng hơn. Đối với mặt hàng tôm sú, dù giá cao nhưng nguồn tôm không đáp ứng đủ cho các nhà máy chế biến. Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho rằng, nguyên liệu đang là bài toán đau đầu khiến việc xuất khẩu hết sức bị động. Vấn đề ở chỗ là năm nào người dân tăng diện tích nuôi và trúng mùa thì tôm rớt giá, dẫn đến lỗ lã. Ngược lại, từ đầu năm đến nay giá tôm cao kỷ lục nhưng người nuôi không có tôm để bán. Điều này chứng tỏ xuất khẩu thủy sản dù đang cải thiện nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập cần nhanh chóng tháo gỡ.
Thay đổi để phát triển
So với nhiều ngành khác, xuất khẩu thủy sản những năm qua tăng trưởng vượt bậc và trở thành lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tại các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp… xuất khẩu thủy sản tác động lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP của tỉnh. Năm nào thủy sản “được mùa” thì tốc độ phát triển kinh tế tăng, ngược lại xuất khẩu trục trặc chỉ tiêu khó hoàn thành.
Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thừa nhận: “Từ năm 2009 đến nay, tăng trưởng của tỉnh không đạt kế hoạch, bởi đầu ra cá tra bất ổn. Tuy nhiên, đây chỉ là nhất thời bởi tiềm năng của cá tra ở ĐBSCL rất lớn mà chúng ta chưa khai thác hết thế mạnh”.
Sau thời gian phát triển ào ạt đã đến lúc nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra cần được sắp xếp lại bài bản, phù hợp với tình hình mới. Toàn vùng phải thống nhất quy hoạch về diện tích, sản lượng, thời vụ nuôi, thời gian thu hoạch… nhằm tránh tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu. Trên cơ sở quy hoạch sẽ xóa dần nạn nuôi tự phát để tiến tới nuôi “liên kết” giữa nông dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Lương Lê Phương cho rằng, nếu gỡ được nút thắt tồn tại lâu nay giữa “nông dân và doanh nghiệp” thì nghề cá sẽ chuyển biến tích cực. Xu thế phát triển tới đây là xóa dần nuôi nhỏ lẻ, tiến tới nuôi quy mô lớn với hình thức công nghiệp. Vì vậy nông dân và doanh nghiệp không thể “mạnh ai nấy làm” mà cần “liên kết” tìm tiếng nói chung.
Ông Mai Đăng Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Sài Gòn- Mekong (Trà Vinh) cảnh báo: “Nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tồn tại và phát triển buộc chúng ta phải nhanh chóng thay đổi. Trước mắt, cần thực hiện vùng nuôi Global GAP để tạo ra nguồn nguyên liệu sạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ…”. Tiêu chuẩn Global GAP đang được các doanh nghiệp thủy sản (cả tôm và cá tra) tích cực triển khai, bởi đây là “giấy thông hành” để sản phẩm vào các siêu thị quốc tế.
Theo SGGP
Hiện các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đã ký được hợp đồng đến hết năm 2010. Tuy nhiên, nguyên liệu gỗ trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sử dụng.
Giá cả nhiều mặt hàng đang diễn biến khá phức tạp. TPHCM sẽ đối phó ra sao để bình ổn giá hàng hóa từ nay đến Tết Tân Mão? PV Báo SGGP đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng xoay quanh vấn đề này.
Ngày 25-8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Thông báo số 316/TB-NHNN về một số mức lãi suất bằng đồng Việt Nam, áp dụng từ ngày 1-9-2010 như sau:
(HBĐT) - Ngày 25/8, tại Liên đoàn Lao động tỉnh, Công ty Du lịch Công đoàn Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Văn phòng giao dịch tại Hoà Bình.
(HBĐT) - Tính cho đến thời điểm này, đã qua 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chưa có con số thống kê chính xác những giá trị kinh tế do nó mang lại, song có một điều không thể phủ nhận, đây là chủ trương được các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước mong chờ hơn cả.
(HBĐT) - Xã Cao Sơn là một xã nghèo của huyện Đà Bắc. Xã còn 3 xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Do địa hình nhiều đồi núi ít ruộng, nên nguồn thu nhập của xã chủ yếu là trồng ngô, sắn, dong giềng. Khó khăn là thế, nhưng năm nào xã cũng “xung phong” nhận đóng góp làm đường giao thông nông thôn.