Người dân đã có thói quen đến siêu thị để mua hàng
Chợ lẻ thổi giá, giới đầu cơ tạo sốt ảo, hàng chất lượng kém từ nước ngoài có mặt ở khắp nơi... Việc xây dựng hệ thống phân phối (HTPP) - vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế đang nóng trở lại đối với cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Còn nguyên tính thời sự
Việc xây dựng HTPP mạnh đã được bàn rất nhiều trước và sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ở thời điểm đó, hầu hết chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý đều cho rằng, các DN bán lẻ trong nước phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa nếu không muốn các đại gia trong ngành phân phối thế giới "nuốt chửng" ngay tại sân nhà khi VN mở cửa lĩnh vực này. Với dân số hơn 85 triệu người, liên tục đứng trong top những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, chúng ta đã từng lo ngại khi thấy những "người khổng lồ" như Walmart (Mỹ), Carrefour (Pháp), Tesco (Anh)... nhòm ngó thị trường nội địa. Làm thế nào để chiến thắng trong cuộc chiến đấu không cân sức cả về khả năng tài chính, sức mạnh công nghệ và bề dày kinh nghiệm của những "ông lớn" trong ngành bán lẻ thế giới là câu hỏi lớn của cả cơ quan quản lý và DN thời điểm đó. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã "cầm chân" những "người khổng lồ" này trong việc mở rộng địa bàn sang các nước khác, trong đó có VN.
Tuy nhiên, nỗi lo thị phần chưa kịp lắng xuống thì việc các chợ lẻ thổi giá, tiểu thương té nước theo mưa; các cơn sốt ảo ngay cả những mặt hàng thế mạnh của VN như gạo, đường... Rồi tình trạng tiểu thương Trung Quốc gom hàng, làm giá tạo các cơn khan hiếm giả tạo; hàng chất lượng kém từ biên giới tràn vào thị trường nội địa ở khắp mọi ngõ ngách... khiến vấn đề xây dựng mạng lưới phân phối mạnh, đủ sức để chặn đứng các hiện tượng này lại nóng lên. Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Xuân Chiến khi nói về vấn đề này cũng thừa nhận, phải xây dựng HTPP mạnh theo hướng giảm tối đa các khâu trung gian mới hạn chế được tình trạng trên.
Quyền lực của phân phối
Ngành bán lẻ hiện đại VN chỉ chiếm tỷ trọng 20 - 22% so với 55% của Thái Lan, 60% ở Trung Quốc; 60% ở Malaysia. Con số này khiến thị trường bán lẻ trong nước trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. |
Với quy mô và uy tín của mình, sản phẩm nào muốn vào thị trường Thái Lan phải được sự gật đầu của Seven Eleven, thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng của Thái Lan. Tại VN, sức mạnh của các nhà bán lẻ cũng đã được minh chứng. Còn nhớ vụ sốt ảo giá gạo, dầu, đường... những năm trước và những tháng đầu năm nay, nhờ có sự ra tay của một số hệ thống siêu thị như Co-op, Big C... mà các cơn sốt ảo này nhanh chóng bị dẹp bỏ. Cũng nhờ có sự ra tay của các nhà phân phối này, nhiều hãng sữa đã phải cam kết không tăng giá trong những thời điểm nhất định. Khi các siêu thị tẩy chay Vedan vì gây ô nhiễm môi trường, công ty này ngay lập tức đã phải "xuống nước" chấp nhận yêu cầu bồi thường cho nông dân những nơi bị ảnh hưởng sau nhiều tháng cò kè trước đó... Những ví dụ này cho thấy sức mạnh của HTPP là rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng HTPP mạnh - là huyết mạch của nền kinh tế không thể chậm trễ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co-op nhận định, năm 2011 sẽ là năm bùng nổ của thị trường bán lẻ trong nước. Vì vậy, Co-op cũng đang quyết liệt trong việc mở rộng quy mô để chiếm lĩnh thị phần. Tính đến hết năm 2010, hệ thống Co-op mart đã có 50 siêu thị ở nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh đó, hệ thống Co-op Food cũng len lỏi ở nhiều khu dân cư tại TP.HCM. Theo kế hoạch, đến năm 2015, sẽ có 100 siêu thị Co-op trên cả nước và chuỗi cửa hàng Co-op Food cũng sẽ được mở rộng sang các tỉnh, thành khác chứ không chỉ ở TP.HCM như hiện nay. Chuỗi cửa hàng tiện lợi G7Mart vừa ký kết hợp tác với thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Nhật, Công ty Ministop với mục tiêu xây dựng và phát triển HTPP hiện đại hàng đầu VN.
Cạnh tranh ở cửa hàng tiện lợi
Có một thực tế phải thừa nhận, đề nhân nhanh, nhân rộng các siêu thị, trung tâm thương mại... là điều không đơn giản đối với các DN bán lẻ trong nước. Đó là lý do mô hình cửa hàng tiện lợi với ưu thế diện tích nhỏ đang trở thành loại hình cạnh tranh mạnh mẽ nhất trên thị trường bán lẻ hiện nay. Thực tế cho thấy, trong khi các đại gia bán lẻ trên thế giới không ồ ạt vào VN trong thời gian qua nhưng các mô hình cửa hàng tiện lợi của nước ngoài lại xuất hiện khá nhiều. Đó là Circle K của Mỹ; Family mart (Nhật)... Theo thống kê, tính đến hết năm 2010, tại VN có khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi so với con số 10.000 của Thái Lan. Điều này chứng tỏ, cửa hàng tiện lợi đang là thị phần hấp dẫn và cạnh tranh rất lớn trong thời gian tới. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT thương hiệu G7Mart khẳng định, chưa bao giờ, việc "nắm" lấy hệ thống phân phối lại bức thiết như lúc này. Đây là lý do G7Mart đã mất tới 2 năm với rất nhiều cuộc thương thảo, đàm phán để đi đến ký kết hợp tác với Ministop với kỳ vọng sẽ phát triển hệ thống G7Mart hiện tại thành chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu VN. Trên thực tế, ngay từ khi ra đời G7Mart đã được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng với các tập đoàn nước ngoài bởi tính khả thi của dự án đồ sộ này. Đó là tận dụng và nâng cấp hạ tầng sẵn có của phân phối truyền thống là các tiệm chạp phô của các bà, các chị. Kết nối thành một chuỗi cửa hàng tiện lợi trải dài khắp cả nước. Ông Vũ thừa nhận, điểm yếu của ngành bán lẻ trong nước chính là công nghệ, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, một trong những nội dung hợp tác chiến lược giữa G7Mart và Ministop là chuyển giao công nghệ vận hành hệ thống cửa hàng tiện lợi hiện đại. Đặc biệt, điểm quan trọng nhất trong hệ thống cửa hàng G7Mart - Ministop là ưu tiên hàng hóa VN. Với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 1 là 10 triệu USD (G7Mart chiếm 75% cổ phần), dự kiến cửa hàng đầu tiên của G7Mart - Ministop sẽ ra đời vào tháng 5.2011 và có ít nhất 100 cửa hàng trong 5 năm tiếp theo.
Không chỉ còn là vấn đề cạnh tranh với các "đại gia" bán lẻ trên thế giới trong việc giữ thị phần tại thị trường nội địa, việc xây dựng, phát triển và nắm được HTPP còn giúp bình ổn thị trường, tạo biên giới mềm để ngăn chặn hàng chất lượng kém, hàng gian, hàng giả từ ngoài biên giới tràn vào VN.
Theo Báo Thanhnien
(HBĐT) - Thiên nhiên phú cho TP Hòa Bình những điều kiện ưu ái mà ít nơi nào có được: một thung lũng có dòng sông gần như trong xanh quanh năm (do đã được trị thuỷ); một thế núi, hình sông hoà quện; có quốc lộ chiến lược chạy qua; gần Thủ đô ngàn năm văn hiến; có nhà máy thuỷ điện quy mô nhất nước; con người sống hoà đồng, nhân ái...
Đó là mục đích của Hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp- nông thôn” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.
Tình hình trên nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và chất lượng nông thủy sản Việt Nam, khi chúng ta đã là quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới về cá tra và số 2 về lúa gạo…
Ngân hàng Nhà nước vừa có ý kiến về việc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Ba Đình sử dụng ngoại tệ trong hợp đồng mua bán căn hộ tại tòa nhà Hattoco (Hà Đông, Hà Nội).
(HBĐT)- Ngày 10/12, Hội Nông dân huyện Tân Lạc đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình sản xuất giống nông hộ giai đoạn 2008 – 2010. Đây là chương chình do Hội Nông dân tỉnh chủ trì với sự hỗ trợ nguồn lực của tổ chức Oxfam đoàn kết Bỉ, được triển khai trên 3 xã Quy Mỹ, Thanh Hối và Phong Phú với 120 hội viên nông dân tham gia.
(HBĐT) - Lợn bản địa đã được bà con dân tộc ở vùng cao, sâu, xa của huyện Lạc Sơn chăn nuôi từ lâu đời. Do quá trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nên nhiều năm lại đây, giống lợn bản địa ở Lạc Sơn có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc thoái hóa về gen, chỉ còn lại số ít hộ ở các xã vùng cao nuôi giống lợn này.