Giá điện được dự báo sẽ tăng từ tháng 3.2011. Ảnh: TTXVN
Một nguồn tin của Bộ Công Thương cho biết, bộ này đã trình lên Chính phủ đề án giá điện năm 2011, dự kiến áp dụng từ ngày 1.3. Tuy nhiên, giá bán điện cuối cùng được điều chỉnh theo mức nào sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn tin này cũng xác nhận, với những tính toán rất cụ thể, chi tiết về tốc độ tăng chi phí đầu vào cho sản xuất điện năm 2011 so với mức thực hiện của năm 2010, thì Bộ Công Thương nghiêng về phương án tăng giá điện bình quân 18% so với giá hiện hành (tức mỗi kWh sẽ tăng thêm khoảng 194đ/kWh). Đây là mức giá được bộ cho là hợp lý, ảnh hưởng ở mức thấp nhất đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân.
Năm 2010, để đảm bảo đáp ứng ở mức tối đa nhu cầu điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, EVN đã phải mua các nguồn điện ngoài ngành với giá thành cao. Riêng mùa khô năm 2010, theo tính toán của EVN, tổng nguồn vốn mua điện từ các nguồn chạy dầu diesel và nhiệt điện khí mua của các dự án điện độc lập lên tới 5.400 tỉ đồng. Chưa kể, các yếu tố đầu vào khác tác động đến chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối như tăng giá nhiên liệu (khí, dầu FO, DO...); điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ; chi phí vật liệu, lương, khấu hao... đã làm tăng giá đầu vào của điện lên tới 75% so với giá điện bình quân.
Vì vậy, theo đề xuất của EVN sẽ có 3 mức tăng giá điện cho năm 2011, tương ứng với các mức phân bổ giá nhiên liệu đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của các khâu, chi phí mua điện giá cao. Trong đó, mức tăng cao nhất EVN đề xuất là 40,8%, mức thấp nhất là 24,69% và mức trung bình là 30,5%. Tuy nhiên, căn cứ trên những điều chỉnh các thông số tính toán, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thẩm định và đề xuất phương án giá điện 2011 đã chỉ chấp thuận phương án tăng ở mức thấp nhất do EVN đề xuất, đồng thời điều chỉnh hợp lý các thông số đầu vào. Ngoài ra, bộ cũng kiến nghị thêm 2 phương án khác.
Theo đó, 3 phương án được Bộ Công Thương trình Chính phủ có các mức tăng giá tương ứng là 26,3%, 18,03% và 30,3%.
Từ đó, bộ kiến nghị Chính phủ cho thực hiện phương án 2, có mức tăng được ấn định là 18%, với giá điện bình quân được tính toán là 1.271đ/kWh, tăng khoảng 194đ/kWh so với giá bình quân hiện hành. Ở phương án này, giá than cho điện sẽ vẫn giữ nguyên, tỉ suất lợi nhuận trên vốn của các khâu sản xuất điện chỉ ở mức tối thiểu, theo Bộ Công Thương sẽ là phương án tăng giá tối ưu trong bối cảnh hiện nay.
Điện tăng, liệu các mặt hàng liên quan khác có tăng? Ảnh: TRẦN LÂM |
Bậc thang đầu tiên sẽ chỉ bao cấp hộ nghèo
Bình luận về mức tăng giá tới 18% vẫn được cho là “hợp lý”, quan chức có thẩm quyền của Bộ Công Thương khẳng định: Phương án này theo tính toán của bộ tác động tới CPI khoảng từ 0,75 đến tối đa 0,84% và là mức để đảm bảo giá điện dần bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh điện, đồng thời tiệm cận dần tới giá thị trường, đáp ứng được nhu cầu điện năm 2011, dự kiến tăng trên 15% so với năm 2010. Phương án này đã cắt giảm hầu như toàn bộ các chi phí và lợi nhuận trong các khâu của EVN, nên thực tế là EVN chỉ đủ trang trải chi phí đầu vào tăng và chưa có lãi để tích lũy, tái đầu tư, từ đó thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư vào điện.
Bên cạnh đó, do giá than được cho là vẫn có tỉ suất lợi nhuận cao so với giá điện nên nếu thực hiện phương án này, giá than cho điện sẽ không được tăng tương ứng khi giá điện tăng cũng khiến làm chậm quá trình thị trường hóa giá than. “Những năm qua, do sức chịu đựng của nền kinh tế còn hạn chế mà lộ trình thực hiện một số loại giá Chính phủ còn quy định bị chậm tiến độ thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy đây là yếu tố đứng ở phương diện điều hành vĩ mô, Chính phủ phải cân nhắc để tốc độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu là điện, than, xăng dầu... không tạo nên một cú sốc cho nền kinh tế”- quan chức Bộ Công Thương nhận định.
Riêng với các hộ nghèo, hộ chính sách có thu nhập thấp sẽ được Chính phủ hỗ trợ tới 40% giá bán điện của bậc thang đầu tiên. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng cho biết, số hộ nghèo có mức sử dụng điện từ 50kWh trở xuống thuộc diện chính sách xã hội khoảng trên 3 triệu hộ.
Theo LaoDong
Vàng đang hướng tới tuần tăng giá thứ hai liên tiếp trong năm 2011 và có thể còn tăng tiếp do giới đầu tư đang có xu hướng tăng nắm giữ mặt hàng này để bảo vệ tài sản của mình trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Theo dự báo mới nhất của Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp (IPSI), nhu cầu sắn khô cho sản xuất Ethanol lên tới 1,2 triệu tấn/năm.
Valentine năm nay rơi vào dịp sau Tết Nguyên đán nên giới kinh doanh quà tặng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để tung ra nhiều sản phẩm với mong muốn có thể làm hài lòng đại bộ phận các “thượng đế”. Ngoài hai vật phẩm truyền thống là hoa hồng và chocolate, thị trường quà tặng năm 2011 có sự góp mặt của nhiều mặt hàng phong phú, bắt mắt, khá độc đáo kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Vào giữa năm 2010, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh toàn cầu SkyTeam, với tư cách là đối tác chiến lược của SkyTeam tại khu vực Ðông - Nam Á
(HBĐT) - Nhớ lại cách đây mươi năm, cả tỉnh chỉ có vài trăm doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp thực sự có “ tầm” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến nay, cả tỉnh đã có trên 1.700 doanh nghiệp đang thực sự là lực lượng chủ công trong phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tạo sự phát triển bền vững từ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
(HBĐT) - Sau Tết Nguyên đán Tân Mão, nắng ngời lên rạng rỡ. Một luồng sinh khí ấm áp chan hòa tràn ngập khắp đất, trời xuân. Gặp gỡ doanh nhân lại thêm một lần nữa thấy ở họ khát vọng làm giàu chính đáng cùng những tâm tư, trăn trở, những cố gắng khắc phục khó khăn để làm giàu cho bản thân và xây dựng quê hương giàu đẹp.