Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tham dự hội thảo kinh tế Việt-Nhật lần thứ 4 tại Tokyo
Chiều 30/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC) của Nhật Bản đã tổ chức cuộc hội thảo kinh tế Việt-Nhật lần thứ 4 tại Tokyo.
Tham dự hội thảo có đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại diện các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản tới dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch FEC Ken Matsuzawa cảm ơn chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho chính phủ và nhân dân Nhật Bản tình cảm chân thành và sự ủng hộ kịp thời trong thảm họa động đất-sóng thần vừa qua.
Ông cho biết FEC thường xuyên phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức các cuộc hội thảo kinh tế thường niên trao đổi các thông tin, ý kiến giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông rất hoan nghênh Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tới dự và phát biểu tại hội thảo, đồng thời tin rằng đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi ý kiến mang tính xây dựng tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Với tư cách là một trong hai nhà đồng tổ chức hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ những tổn thất mà Nhật Bản phải gánh chịu trong trận động đất-sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, đồng thời cám ơn các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ công dân Việt Nam sơ tán an toàn khỏi các khu vực chịu động đất mạnh.
Đại sứ cũng thông báo kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết Đại hội đã thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung về dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X (2006-2010) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI.
Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh năm 2009, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Đại sứ tin chắc rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững vì có nhiều điểm tương đồng và nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chia sẻ với chính phủ và nhân dân Nhật Bản những tổn thất nặng nề trong thảm họa kép động đất-sóng thần vừa qua, bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh, kiên cường của nhân dân Nhật Bản trong khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ trưởng cho biết chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một phong trào quyên góp ủng hộ sâu rộng như vậy dành cho nhân dân Nhật Bản, qua đó mới thấy hết tình cảm chân thành giữa những người bạn thân thiết của nhau.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, những nhiệm vụ khó khăn mà Việt Nam cần giải quyết như vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện thâm hụt thương mại, chống lạm phát, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu trong 10 năm tới tăng thu nhập bình quân đầu người từ 1.200 USD lên 3.500 USD.
Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần tới 300 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Để có nguồn vốn lớn như vậy, chính phủ Việt Nam sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong đó chú trọng hình thức phối hợp đầu tư công-tư.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, cho rằng Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam, là một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Bộ trưởng tin tưởng rằng với những ưu thế có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau vì lợi ích chung của hai bên, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tại cuộc hội thảo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đã trả lời các câu hỏi mà các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm về chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài, các biện pháp ổn định, phát triển kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam./.
“Bình ổn vĩ mô phải trả giá nhất định. NHNN chịu áp lực của DN như đòi hỏi tăng trưởng tín dụng cao hơn, lãi suất thấp hơn thì mới sản xuất. Đó là đòi hỏi chính đáng, nhưng giờ đây nó phải được xem xét lại trong bối cảnh lạm phát.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu đã lên tới 5,142 triệu tấn, tăng 15,6% về lượng. Cộng với mức tăng 41% về giá, tổng số tiền phải bỏ ra để nhập khẩu xăng dầu đã tăng đến 61,3%.
Dự án nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên (An Giang) triển khai năm 2009, thi công được 65% khối lượng công trình và đến nay đang tạm ngưng thi công do thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu công.
(HBĐT) - Trên đồng ruộng các xã, thị trấn của huyện Kim Bôi hiện nay, một số diện tích lúa trà sớm đã ở thời kỳ trỗ, diện tích trà chính đang trong giai đoạn ôm đòng. Qua thường xuyên kiểm tra thực tế đồng ruộng và theo dõi mật độ rầy vào đèn, diễn biến tập đoàn rầy và sâu bệnh hại lúa đang ở ngưỡng an toàn. So với vụ này cùng kỳ năm trước, tình hình sâu bệnh ít phức tạp hơn hẳn.
So với mức tăng 3,32% trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã "hạ nhiệt", chỉ tăng 2,21%. Giá một số mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… tuy vẫn ở mức cao, song theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng tới, giá các mặt hàng trên có xu hướng ổn định.
Ngày 27-5, trước thềm Hội nghị CG giữa kỳ, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ, một kênh đối thoại có tổ chức, mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chủ trì diễn đàn.