Nhiều ruộng dưa hấu ở Mai Hạ vẫn đang chờ người thu mua
(HBĐT) - Trong khi các địa phương khác trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch dưa hấu, tại các ruộng dưa ở xã Mai Hạ (Mai Châu), người dân đang phải lao đao trước tình cảnh được mùa dưa nhưng lại rớt giá thê thảm, có những ruộng dưa chín tới, không có khách nào đến hỏi…
Người trồng dưa hấu trong xã quả quyết: “Chưa năm nào ở Mai Hạ dưa lại được mùa đến như vậy”. Năm trước, những quả dưa nặng 5- 6 kg là chuyện hiếm thấy nhưng năm nay rất nhiều. Dưa hấu vùng này vốn có tiếng mọng nước, thịt đỏ và ngọt... Vậy mà, hơn nửa tháng nay, người trồng dưa phải sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” vì dưa đã chín tới nhưng chẳng thấy thương lái về thu mua. Không chờ được, người dân đành dựng bạt che nắng đổ dưa ra lề đường để bán lẻ. Chị Ngần Thị Hùng, xóm Khả, một trong những người trồng dưa nhiều nhất xã cho biết: Năm ngoái, dưa vừa được mùa lại được giá, trung bình mỗi nhà đều được từ 10- 25 triệu. Nhờ vậy, nhiều người dân ở đây đã mua xe, sửa nhà, đời sống người nông dân trong vùng cũng đỡ nhiều... Vụ dưa năm ngoái, chị thu được hơn 80 triệu đồng từ 12 tấn dưa. Năm nay, gia đình chị đầu tư công sức, tiền của nhiều hơn, trồng hơn 6.000 gốc dưa nhưng gia đình chị mới chỉ bán được 10 tấn dưa với giá từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg, còn hơn 5 tấn ngoài ruộng, giá cả thấp như vậy muốn bán cũng không có người mua. Khuôn mặt chị đượm nỗi lo âu bởi để ngoài đồng hay mang về nhà mà không bán được thì dưa cũng hỏng (dưa hấu thuộc loại “hàng hoa”, chỉ để được trong vòng trên dưới 1 tuần).
Ngoài gia đình chị Hùng, nhiều gia đình trồng dưa ở xóm Tiền Phong, xóm Lầu cũng chung cảnh ngộ vì dưa đã chín và hái về đầy nhà nhưng không có người mua. Ông Mai Biên, xóm Tiền Phong buồn bã: Vụ dưa năm nay tuy được mùa nhưng giá bán rất thấp, bình quân năng suất đạt gần 2 tấn/sào. Tuy nhiên, hiện tại, giá mà các tư thương mua chỉ là 1.500 đồng/kg, thậm chí còn thấp hơn nữa, trong khi năm ngoái, họ mua giá 7.000 đồng/kg. Với mỗi sào dưa, ông chỉ thu được khoảng 7- 8 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ cho chi phí thuê đất, tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu và công cày bừa…Tính ra, vụ dưa năm nay gia đình ông lỗ nặng.
“Dù giá thấp nhưng các hộ trồng dưa của xã vẫn phải thu hoạch, rồi bán tháo, bán đổ chứ để lại mà bị mưa một vài trận là coi như mất sạch vốn” - Ông Ngần Văn Dự, người trồng dưa xóm Khả. Thông thường, sau khi thu hoạch, các lái buôn đến tận nhà cân bán, có lúc chưa thu hoạch mà số lượng dưa đã được đăng ký hết, người dân chỉ việc nghỉ ngơi chuẩn bị cho một vụ dưa tiếp. Nhưng nay, cả vùng dưa này đều đang điêu đứng. “Hồi đầu vụ, thương lái vào cân dưa là 5.000 đồng/kg, sau do thời tiết thay đổi, dưa rớt xuống còn 1.500 đồng/kg, rồi xuống dần, có khi chỉ 1.000 đồng/kg. Nay, giá có thấp cũng chẳng thấy tăm hơi tư thương vào thu mua!”- Anh Dự chỉ ra ruộng dưa còn nguyên chưa thu, vừa ngán ngẩm thở dài.
Ông Lường Khánh Dọng, Chủ tịch Hội nông dân xã Mai Hạ cho biết: Vụ dưa năm nay, toàn xã Mai Hạ trồng 30 ha dưa, tăng hơn so với vụ dưa năm 2010 là 10 ha, trong đó, các xóm trồng nhiều nhất là xóm Khả 15 ha, Chiềng Hạ 10 ha, Tiền Phong, xóm Lầu. Năm nay, do bà con chuyển một số diện tích đất khô cằn, đất 1 vụ lúa sang trồng dưa nên diện tích tăng lên. Nhưng chính việc này lại làm cho bà con khổ sở, không bán được dưa dẫn đến tình trạng bà con phải mang dưa xuống các vùng Piềng Vế, Cun Pheo để đổi sắn về nấu rượu vớt vát một mùa thất bát. Tuy nhiên, giờ không phải vụ sắn nên bà con phải cho đổi chịu đến cuối năm mới lấy sắn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dưa mất giá theo người trồng dưa ở Mai Hạ là do thời tiết nắng nóng nên một số vườn dưa đang độ thu hoạch bị héo dây, tư thương vin vào cớ này để ép giá vì cho rằng dây dưa héo ảnh hưởng đến chất lượng quả, không bán được.
Thanh Tuyền
Tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với việc gia tăng dân số cơ học đã làm cho vấn đề nhà ở đô thị ngày càng bức xúc. Thêm vào đó, hiện tượng một bộ phận có điều kiện kinh tế khá giả đã sở hữu nhiều nhà ở với diện tích rộng đã dẫn đến hiện tượng số lượng nhà ở tăng nhanh, nhưng số hộ gia đình sống trong căn hộ chật chội vẫn không giảm.
(HBĐT) - Chị Bùi Thị Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) cho biết: Hội phụ nữ xã có 21 chi hội ở 22 địa bàn KDC với 715 hội viên. Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, Hội phụ nữ xã giúp nhau thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Mọi hội viên đều có thể tham gia chuyển dịch cây trồng- vật nuôi, các chi hội phân công từ 1- 3 hội viên khá giúp đỡ 1 hội viên nghèo.
(HBĐT) - Theo Sở Công Thương, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng xong phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng vận chuyển và cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão.
(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy hiện có 14.717 hộ với 61.000 nhân khẩu, trong đó, có 10.530 hộ làm nông nghiệp ở 13 xã, thị trấn với 142 KDC. Một địa phương mà sản xuất nông nghiệp chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện thì vai trò của tổ chức Hội nông dân trong tuyên truyền, vận động nông dân tích cực phát triển kinh tế, cùng nhau xóa đói- giảm nghèo càng được phát huy đầy đủ, toàn diện hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố chương trình đối tác công - tư (PPP) nhằm nêu rõ định hướng tăng cường huy động vốn từ khu vực tư nhân thông qua mô hình PPP, phục vụ xây dựng hạ tầng và các lĩnh vực khác.
Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo về việc giảm đầu tư công song theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2011 rất ít địa phương làm được điều này. Chi tiêu công ở nhiều tỉnh còn vượt xa năm trước.