Mặc dù đã có được những điểm tựa khá vững chắc trong 9 tháng qua nhưng ngành công thương sẽ tiếp tục phải “gánh” một loạt nhiệm vụ nặng nề trên chặng nước rút quý IV nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao về tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang tại giao ban trực tuyến sản xuất, kinh doanh của Bộ này trong ngày 3/10.
Điểm sáng xuất nhập khẩu
Báo cáo của Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho thấy, 9 tháng qua, xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả tích cực với tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng 35,4%, nhập khẩu tăng 26,9%), góp phần kiềm chế nhập siêu ở mức 9,8% kim ngạch xuất khẩu (KNXK), thấp hơn mức kế hoạch 16% của Chính phủ giao. Nếu không tính KNXK vàng vào tổng KNXK, nhập siêu 9 tháng đạt gần 9,4 tỷ USD, bằng 13,9% kim ngạch xuất khẩu.
Hầu hết giá các mặt hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản đều được giá về xuất khẩu, đóng góp vào gia tăng KNXK. Đặc biệt, Việt Nam đã có thêm 5 mặt hàng có KNXK trên 1 tỷ USD, nâng tổng số các mặt hàng có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 20 mặt hàng. Với các kết quả này, KNXK 9 tháng qua đã đạt 70 tỷ USD và đang bám đuổi rất sát với chỉ tiêu cả năm là 79,4 tỷ USD.
Cùng với thắng lợi về được giá xuất khẩu, việc kiểm soát nhập khẩu đã phát huy tác dụng khi các giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt. Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa 9 tháng đạt gần 77 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ 2010; trong đó nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu chiếm tỷ trọng gần 83% trong tổng KNNK, trong khi nhóm hàng tiêu dùng hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại. Điển hình như từ khi Thông tư số 20/2011/TT-BCT có hiệu lực, lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu đã chững lại so với các tháng đầu năm, cụ thể ước tháng 9, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 43,3% về lượng và giảm 20% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Khó khăn vẫn đeo bám
Theo ông Lê Dương Quang, mặc dù sản xuất công nghiệp nhằm mục tiêu hướng vào xuất khẩu nhưng ngành công nghiệp vẫn chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ chốt có giá trị gia tăng cao mà vẫn tập trung vào các sản phẩm có mức gia công lớn như da giày, dệt may, dây và cáp điện nên hiệu quả trong phát triển ngành vẫn ở mức thấp. Vì vậy, khoảng cách giữa tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng giá trị gia tăng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nên tăng trưởng công nghiệp vẫn chưa thực sự mang tính bền vững, lâu dài. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp đang đối mặt với khó khăn rất lớn khi các nguồn vốn tín dụng giảm mạnh và lãi suất cao. Do không thu xếp được vốn, tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất vẫn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra và gây lãng phí các nguồn lực huy động.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cảnh báo: Sức lực của doanh nghiệp dệt may đang yếu dần do lãi suất vay vốn cao, chi phí sản xuất tăng nhanh và các đơn hàng đang cạn dần. Trong khi đó, các dự án lớn làm nguyên liệu cho ngành dệt may để giảm lệ thuộc nhập khẩu, tăng giá trị cho sản phẩm dệt may trong năm 2011 không thể triển khai được do thiếu vốn. Năm 2012, tình hình cũng chưa thấy sáng sủa hơn khi thị trường xuất khẩu ngành này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ ở EU, Hoa Kỳ và các dự án nguyên phụ liệu tiếp tục khó triển khai.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường bổ sung: Việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành thép cũng đang vấp phải thách thức mới bởi Hiệp hội Thép ống Hoa Kỳ đang chuẩn bị kiện xuất khẩu ống thép của Việt Nam vào thị trường này quá nhanh làm ảnh hưởng đến sản xuất ống thép của Mỹ. Trong khi đó, sản phẩm thép cuộn cán nguội cũng đang chung số phận bị phía Hoa Kỳ kiện.
Tập trung gỡ khó khăn
Chỉ ra các giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã đề nghị các sở công thương, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế là điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng và một số sản phẩm tiêu dùng và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ.
Về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ bám sát dự báo những xu hướng sắp tới để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá và các giải pháp về tài chính, tiền tệ để hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Trước các dự báo về làn sóng nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất trong quý IV và chênh lệch tỷ giá tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng tới kiểm soát nhập siêu, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối các hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu; đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân; hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.
Đặc biệt, để góp phần cùng Chính phủ kiểm soát việc tăng giá tiêu dùng, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường./.
Theo TTXVN
Đầu tư vào hàng hóa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh được một số nhà đầu tư nhắm đến.
(HBĐT) - (HBĐT) - Sáng 1/10, tại Trung tâm Thương mại AP Plaza, UBND tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2011. Đến dự có đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hơn 250 tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hòa Bình. Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở KH&ĐT, VH-TT&DL.
(HBĐT) - Theo dòng lịch sử, dưới triều Nguyễn, huyện Lương Sơn được gọi là huyện Mỹ Lương thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Qua nhiều biến đổi, ngày 18/3/1891, phủ Lương Sơn được nhập trở lại tỉnh Hòa Bình và đổi tên thành châu Lương Sơn. Ngày 17/4/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định tách vùng Lương Sơn thành 2 huyện Kim Bôi và Lương Sơn. Đến nay, địa giới hành chính huyện Lương Sơn được ổn định với 20 xã, thị trấn. Người dân Lương Sơn vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, cần cù sáng tạo trong sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
(HBĐT) - Ngày 30/9, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1/10/1991- 1/10/2011). Đến dự có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ hưu trí và cán bộ ngành Kho bạc.
(HBĐT) - Đến nay, tỉnh đã có 8 KCN được phê duyệt quy hoạch, trong đó, 7/8 KCN được công bố quy hoạch.
(HBĐT) - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là tam nông), bức tranh nông thôn tỉnh ta đã có nhiều mảng sáng. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc kết cấu hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn rõ nét.