Cuộc thi "Tìm hiểu về Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và hoạt động của BHTG Việt Nam" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng với hơn 33 nghìn bài của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với nhiều lứa tuổi, vùng miền, tầng lớp khác nhau.
Mỗi bài dự thi thể hiện niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước về chính sách BHTG đang được triển khai. Ðặc biệt, không chỉ là "sân chơi - kiến thức" dành riêng cho người gửi tiền, cuộc thi còn là cuộc khảo sát, là dịp để các cơ quan chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân, hướng tới xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả ở Việt Nam, đó là bảo vệ người gửi tiền một cách toàn diện và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng - lĩnh vực đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Sau đây là tổng hợp ý kiến từ các bài viết của những người tham gia cuộc thi này.
Hệ thống BHTG - mô hình bảo vệ tốt nhất người gửi tiền
"Mong Quốc hội sớm ban hành Luật BHTG - "vệ sĩ" của người gửi tiền và ngân hàng". Ðó là "khẩu hiệu" của bạn Hoàng Thanh Tùng (Học viện Ngân hàng) đồng thời cũng là mong muốn của 100% số người dự thi, trong đó nhiều ý kiến đề nghị vấn đề bảo vệ người gửi tiền một cách toàn diện phải được xem là cốt lõi. Bạn Ðỗ Thúy Nga (Ngân hàng Ngoại thương) viết: "Ðược ví như chiếc "van an toàn" cho hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia, thế nhưng hơn 10 năm qua, hoạt động BHTG được "vận hành" trên cơ sở pháp lý chưa tương xứng". Ông Trương Gia Thuận (An Giang) cho rằng, vai trò ngày càng lớn của BHTG trong xu thế hội nhập toàn cầu đòi hỏi cần có các giải pháp nâng cao hơn nữa hoạt động BHTG giai đoạn tới, thể chế hóa hoạt động BHTG bằng luật, đồng thời bảo đảm để tổ chức BHTG độc lập tương đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Ðể bảo vệ tốt nhất người gửi tiền, nhiều ý kiến khẳng định, hệ thống BHTG ở Việt Nam cần được thiết kế theo mô hình "giảm thiểu rủi ro". Ông Phan Ðức Quang (Hưng Yên) viết: "Khi và chỉ khi BHTG được tổ chức theo một mô hình phù hợp, có vị trí xứng đáng trong hệ thống tài chính quốc gia, tổ chức BHTG mới có đủ quyền hạn và năng lực để thực hiện có hiệu quả vai trò "người bảo vệ" quyền lợi của người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Với lập luận ấy, ông Quang đề xuất: "Theo tôi, mô hình BHTG tốt nhất đối với Việt Nam hiện nay là mô hình giảm thiểu rủi ro. Mô hình này cho phép BHTG Việt Nam quản lý rủi ro một cách toàn diện nhất, bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của các tổ chức tham gia BHTG". "Với mô hình giảm thiểu rủi ro, hiệu quả trong việc ngăn ngừa đột biến rút tiền gửi sẽ lớn hơn. Ðây là mô hình được đánh giá tiên tiến nhất, ưu việt nhất và cũng được áp dụng phổ biến hiện nay trên thế giới" (bạn Hồ Việt Lam - Cà Mau).
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bạn Ðậu Phan Hoàng Yến (Ðác Lắc) nhận định, tổ chức BHTG theo mô hình giảm thiểu rủi ro còn tham gia cùng với các cơ quan nhà nước và Ngân hàng Trung ương vào hoạt động giám sát và đánh giá rủi ro của các ngân hàng và định chế tài chính, góp phần bảo đảm sự an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia; tính phí BHTG dựa trên cơ sở định mức tín nhiệm của tổ chức tín dụng; tiếp nhận xử lý các tổ chức tham gia BHTG bị phá sản; được trao các nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư nhằm bảo toàn phát triển vốn nhằm tăng cường sức mạnh tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ". "BHTG không chỉ là giải pháp cuối cùng bảo vệ lợi ích người gửi tiền khi tổ chức nhận tiền gửi gặp rủi ro, đổ vỡ mà còn phải là biện pháp phòng ngừa, hạn chế những khả năng xảy ra đổ vỡ" - Ông Bùi Ðại Dũng (Trường đại học Kinh tế, Ðại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.
Năng lực tài chính mạnh mới đủ khả năng xử lý rủi ro
Là sinh viên đang du học tại Hoa Kỳ, bạn Phạm Thị Ngọc Anh nêu vấn đề: Theo thông lệ quốc tế, quỹ BHTG/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm thường là 2,5%-3%, trong khi đó tỷ lệ này ở nước ta mới chỉ khoảng 1% là khá thấp so với các nước. Bạn Ngọc Anh đề nghị: "Hệ thống BHTG cần phải có cơ chế cấp vốn, đồng thời có cách thức huy động nguồn tài chính dự phòng bổ sung cho mục đích thanh khoản khi cần". Theo bà Nguyễn Thị Bích Hồng (Ngân hàng liên doanh Việt Nga), đại đa số các quốc gia phát triển, tổ chức BHTG được tổ chức theo mô hình công ty và được phép hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. Bà Hồng lý giải "việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh cũng góp phần nâng cao năng lực tài chính bảo đảm đủ khả năng xử lý rủi ro mà không cần sự giúp đỡ từ Chính phủ. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ sở để nâng cao hạn mức chi trả, mở rộng đối tượng được bảo hiểm và khắc phục những hạn chế hiện tại về năng lực tài chính của tổ chức BHTG". "Khả năng tài chính của tổ chức BHTG không thể chỉ lệ thuộc vào những đồng vốn ngân sách luôn ít ỏi của Chính phủ mà tổ chức này phải tăng cường năng lực tài chính từ chính hoạt động của mình. Vì vậy, BHTG cần phải có và làm tốt chức năng đầu tư tự tìm kiếm lợi nhuận để bảo đảm có đủ khả năng xử lý rủi ro mà không cần đến sự hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ" (bạn Ðặng Thu Thủy - TP Hồ Chí Minh). Ông Phùng Bá Nguyên (Nghệ An) cho rằng, việc quy định các chức năng nhiệm vụ khác của tổ chức BHTG cũng trên nền tảng tài chính phải mạnh, bởi theo ông "thời nay không có vốn lớn không thể bảo hiểm được cho định chế tài chính".
Có nên BHTG đối với ngoại tệ?
Ðây là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong các bài dự thi. Nhiều người cho rằng, nếu chỉ bảo hiểm đối với đồng Việt Nam sẽ không khuyến khích người có ngoại tệ gửi vào ngân hàng. BHTG đối với ngoại tệ sẽ giúp các tổ chức tín dụng thu hút được nguồn ngoại tệ lớn trong dân, khuyến khích lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về Việt Nam cho đầu tư, phát triển đất nước. Ngược lại, một số bài dự thi lập luận: bảo hiểm cả tiền gửi là ngoại tệ có thể làm ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ cũng như quản lý nhà nước về ngoại hối. Ðây là vấn đề đáng được quan tâm và cần có câu trả lời từ các nhà hoạch định chính sách.
Thu phí BHTG trên cơ sở rủi ro - thôi thúc tổ chức tín dụng vươn lên
Hiện nay, mức phí BHTG các tổ chức tham gia BHTG phải đóng góp là 0,15%/năm tính trên toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm. "Tôi thấy việc thu phí BHTG một cách cào bằng như vậy là sự đối xử chưa thật công bằng giữa các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh tốt, năng lực tài chính vững vàng với các tổ chức tín dụng kinh doanh chưa tốt, có nguy cơ phá sản cao" (ông Nguyễn Quốc Việt - Bình Ðịnh). Ðồng quan điểm này, hầu hết các tác giả dự thi đều đề xuất Luật BHTG được Quốc hội thông qua tới đây cần quy định cơ chế tính phí BHTG có phân biệt theo nguyên tắc rủi ro thấp, mức phí BHTG thấp và rủi ro cao, mức phí BHTG cao. Bà Lê Thị Lệ Dung (Hà Nội) cho rằng, phương pháp tính phí này "phát ra tín hiệu để tổ chức tín dụng biết mình đang ở vị trí nào, nếu chất lượng hoạt động đang "có vấn đề" sẽ thôi thúc tổ chức tín dụng phải phấn đấu để vượt qua trạng thái đó".
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Hồng Lĩnh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để xác định tỷ lệ phí BHTG theo mức độ rủi ro là việc khá phức tạp. Ðể làm được cần thiết lập tiêu chuẩn đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG. Muốn vậy, theo bà Lĩnh, bên cạnh việc quy định rõ trong Luật, cần xây dựng cơ chế giám sát kiểm tra hiệu quả để đánh giá khách hàng chính xác tạo cơ sở xác định mức phí BHTG.
Nhanh chóng nâng hạn mức BHTG
Hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm hiện nay tối đa là 50 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi) "không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và là một trong những nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả trong kích thích nguồn vốn huy động trong dân" (ông Nguyễn Toàn Thắng - Hải Phòng). Bạn Ðoàn Quang Trung (Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) phân tích: Mức chi trả 50 triệu đồng vào thời điểm thiết lập (năm 2005) tương đương với gần năm lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được khoảng 90% số người gửi tiền. Tuy nhiên, hiện nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên khoảng 1.100 USD, do đó hạn mức chi trả cũng phải tăng theo. Ngoài ra, tăng hạn mức chi trả hiện nay là phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm đối phó với các biến động kinh tế. Việc duy trì hạn mức BHTG cao còn hạn chế được dòng tiền gửi chảy sang quốc gia khác, đặc biệt khi nền kinh tế gặp khủng hoảng và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong nước.
Cũng với quan điểm trên, nhiều bài viết kiến nghị hạn mức chi trả có thể được xem xét điều chỉnh theo từng giai đoạn. Bạn Lê Thị Ngọc Oanh (Hà Nội) viết: "Luật BHTG nên cho phép điều chỉnh hạn mức BHTG trong những điều kiện nhất định như: xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt; tỷ lệ lạm phát cao kéo dài trong một số năm; đồng nội tệ bị mất giá trong một thời gian dài, tỷ lệ mất giá cao; số lượng người gửi tiền có số dư tiền gửi nằm trong hạn mức chi trả xuống thấp hơn mức 80%; xảy ra khủng hoảng tài chính.
Thông điệp về niềm tin
Theo ông Bùi Khắc Sơn - Tổng Giám đốc BHTG Việt Nam, cuộc thi giúp nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG và việc tổ chức thực hiện chính sách này ở Việt Nam. Những mong muốn, nguyện vọng của người dân về chính sách BHTG sẽ là tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng Luật BHTG. Thông điệp của cuộc thi - nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng thông qua chính sách BHTG. Có thể thấy, thông điệp ấy đã nhận được sự hưởng ứng, đồng cảm sâu sắc từ phía công chúng qua những bài dự thi tâm huyết.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Bước vào năm 1011, huyện Kỳ Sơn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả vật tư phục vụ sản xuất và các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao, nguồn lực đầu tư cho SX-KD hạn hẹp…
(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh công tác XĐ-GN đảm bảo an sinh xã hội, đến tháng 10/2011, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành việc điều tra, rà soát họ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015 trình UBND tỉnh phê duyệt.
(HBĐT) - Là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, do vậy, để phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Đa Phúc (Yên Thủy) tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, lấy chuyển giao KH-KT, áp dụng giống cây, con mới vào sản xuất làm khâu đột phá.
Khai thác lợi thế sẵn có của từng địa phương để phát triển ngành nghề và đẩy mạnh xúc tiến thương mại là cách làm tốt vừa được Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ NN&PTNT chia sẻ với đại diện các tỉnh phía Bắc.
Ngày 3-11, Đại diện Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao và Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) đã bàn hướng hợp tác đưa hàng Việt về nông thôn.
Bộ Công Thương vừa có ý kiến về việc điều chỉnh hạn mức nhập khẩu (NK) xăng dầu tối thiểu năm 2011. Theo đó, trong tổng số 13 doanh nghiệp NK xăng dầu, có 9 doanh nghiệp bị giảm hạn mức NK.