Sau lúa, ngô là cây trồng chủ lực cho năng suất tương đối ổn định nhưng chưa đủ để tạo thành sức bật cho SXNN huyện Lạc Sơn (ảnh: trồng ngô trên đất 2 vụ lúa tại xã Thượng Cốc).
(HBĐT) - Có tiềm năng lớn về diện tích đất nông nghiệp và nguồn lao động nông thôn, nhưng kinh tế - xã hội của huyện Lạc Sơn vẫn đang thuộc diện khó khăn so với mức bình quân chung của tỉnh. Sự manh mún khiến bức tranh sản xuất nông nghiệp (SXNN) của Lạc Sơn trở nên đơn thuần và kém sắc. Khi nhìn vào bức tranh đó, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Hướng đi nào phù hợp để nâng cao hiệu quả cho SXNN nơi đây?
Nhạt nhòa bức tranh kinh tế nông nghiệp
Lạc Sơn là huyện lớn của tỉnh với tổng diện tích đất tự nhiên gần 58.750 ha và khoảng 134.350 người sinh sống. Huyện được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp lớn và nguồn lao động nông thôn dồi dào. Theo thống kê của UBND huyện Lạc Sơn: Huyện có diện tích đất nông nghiệp trên 50.390 ha. Trong đó, đất SXNN trên 13.022 ha, đất lâm nghiệp trên 36.856 ha, đất nuôi trồng thủy sản trên 511 ha. Hiện còn 1.651 ha chưa sử dụng, trong đó đất bằng chưa sử dụng là 137,76 ha, đất đồi, núi chưa sử dụng là 1.362 ha, đất đá không có rừng cây là 151 ha. Về nguồn lao động, dân số trong độ tuổi lao động của huyện chiếm 52,7% tổng dân số, lao động khu vực nông nghiệp chiếm 70% tổng dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 12,1%. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của Lạc Sơn là 38,44%, cao nhất tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Hành, Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn trao đổi: KT-XH của huyện còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong tỉnh. Đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Đây là ngành chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế nhưng chưa thể hiện được vai trò chủ lực, chưa khắc phục được những yếu kém. Ví dụ: Việc quy hoạch vùng SXNN bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa chưa thực hiện được; chưa hình thành vùng chuyên canh sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao; giá trị của sản phẩm chưa cao, đa phần là sản phẩm thô hoặc qua sơ chế thô; chưa nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho nông sản chưa được quan tâm đúng mức; lực lượng lao động nông thôn dồi dào nhưng tư duy và trình độ hạn chế…
Được xem là vựa lúa của tỉnh, hàng năm, Lạc Sơn đóng góp quan trọng vào tổng sản lượng lương thực cây có hạt, góp phần cùng với ngành NN&PTNT hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Tuy nhiên, bao năm nay cơ cấu cây trồng của huyện hầu như không thay đổi. Lúa vẫn chiếm vai trò chủ lực, cộng thêm một số hoa màu quen thuộc khác như ngô, lạc, đậu tương, khoai lang, rau đậu… Nhìn chung, năng suất và sản lượng của các loại cây trồng này khá ổn định nhưng chưa tạo được bước đột phá giúp nâng cao hiệu quả SXNN. Có thể nói, trong vai trò mũi nhọn, ngành trồng trọt mới chỉ dừng ở mức sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực. Còn lại, “bóng dáng” của ngành lâm nghiệp và chăn nuôi khá mờ nhạt, chưa đủ tạo nên diện mạo sắc nét cho kinh tế nông nghiệp của huyện.
“Đảm bảo an ninh lương thực không phải là cái đích của SXNN hiện đại”
Cho rằng kinh tế nông nghiệp của Lạc Sơn còn chưa bắt kịp sự phát triển chung, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Lạc Sơn có hiệu quả sử dụng đất thấp, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ cấu lao động nông thôn diễn ra chậm. Vấn đề của huyện là chưa xác định được cây, con chủ lực giúp nâng cao hiệu quả SXNN. Một số huyện lân cận như Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi… đang có những mô hình tốt, những điển hình tiên tiến trong ngành nông nghiệp, huyện nên tham khảo những cách làm hay để tìm ra lối đi phù hợp, từng bước thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, thụ động, kém hiệu quả. Lấy ví dụ như vùng Cộng Hòa. Vùng này có diện tích lớn, chất lượng đất và hạ tầng thủy lợi tốt nhưng cây lúa và ngô hiện đã giảm năng suất, nên xem xét thay thế bằng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cần khai thác mạnh hơn nữa tiềm năng chăn nuôi và trồng rừng thay vì thuần túy sản xuất lương thực như hiện nay…
Đồng ý với quan điểm cho rằng SXNN của huyện Lạc Sơn còn đơn thuần và kém hiệu quả, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chỉ sản xuất lương thực không thôi thì không ổn. Đảm bảo an ninh lương thực không phải là cái đích cuối cùng của SXNN hiện đại. Bây giờ không còn câu chuyện cũ, không phải như ngày xưa là nhà cứ đầy lúa, đầy ngô mới tốt. Ngày nay, SXNN hiện đại không chỉ để xóa đói mà còn phải hướng tới làm giàu. Trước yêu cầu của thời kỳ mới, kinh tế nông nghiệp Lạc Sơn phải tìm được lối ra để thoát khỏi giới hạn chật hẹp của sản xuất lương thực. Muốn như vậy, phải thay đổi từ nhận thức đến cách làm. Vấn đề mấu chốt là tìm được cây, con phù hợp để phát triển thành cây, con chủ lực nâng cao giá trị sản xuất. Có như vậy, nông dân Lạc Sơn mới không phải đi làm thuê cho nông dân nơi khác, họ có thể làm giàu trên quê hương bằng SXNN.
Hiện, Lạc Sơn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, bình quân thu nhập đầu người cũng thấp so với mức bình quân chung, áp lực đối với nền kinh tế địa phương là rất lớn. Xác định kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, huyện Lạc Sơn đang quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, diện tích và nguồn lao động nông thôn. Theo Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hành, định hướng xuyên suốt là gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Được biết, 5 năm trở lại đây, huyện Lạc Sơn đã thực hiện dự án trồng cà phê tại các xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tân Mỹ và đạt kết quả nhất định trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/HU về phát triển cây cà phê tại các xã vùng cao của huyện, trong đó xác định khai thác tiềm năng về đất đai và nhân lực nơi đây để phát triển cà phê theo hướng sản xuất hàng hóa. Cà phê là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, bước đầu được đánh giá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết ở các xã vùng cao của huyện. Do đó, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển từ trồng ngô sang trồng cà phê nông hộ, tích cực thực hiện cơ chế hợp tác với doanh nghiệp để phát triển cà phê thành cây thế mạnh của vùng. Còn quá sớm để khẳng định đây đã là hướng đi phù hợp hay chưa, nhưng có một điều chắc chắn: Chính quyền và nhân dân huyện Lạc Sơn đang nỗ lực thay đổi từ nhận thức đến cách làm để đưa nền kinh tế nông nghiệp nơi đây thoát khỏi sự manh mún, lạc hậu, từng bước hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao và ổn định./.
Thu Trang
(HBĐT) - So với những năm đầu mới chuyển đến nơi ở mới, đời sống kinh tế ở các xóm, xã có người dân vùng chuyển dân sông Đà sinh sống đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, bà con còn gặp không ít lực cản do hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, cần nhiều hơn chính sách quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.
(HBĐT) - Trong 7 tháng đầu năm 2012, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX-KD của doanh nghiệp, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh mới đạt 8.005 tỷ đồng, tăng khoảng 4,5% so với đầu năm và tăng 13,3% so cùng kỳ năm trước.
(HBĐT) - Ông Nguyễn Mạnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, mưa to kéo dài cộng với hai đợt thủy điện Hòa Bình xả lũ đã làm ngập nhiều diện tích đất canh tác vụ mùa của xã. Thống kê đến ngày 14/8, diện tích lúa mùa bị ngập khoảng trên 9 ha. Con số này có thể chưa dừng lại bởi tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện, chính quyền và lực lượng khuyến nông xã đang tích cực vào cuộc cùng với nông dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, hạn chế tối đa mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra cho vụ mùa năm nay.
(HBĐT) - Sáng 15/8, UBND huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 7 tháng và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2012.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, thành phố Hòa Bình đã có nhiều hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Cán bộ, nhân dân cùng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp tặng nhà đại đoàn kết cho 66 hộ.
(HBĐT) - Huyện Mai Châu có 23 xã, thị trấn nhưng hiện mới có 9 chợ nông thôn. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu giao lưu và giao thương hàng hóa của người dân cần mở mới 3 chợ gồm khu vực xã Đồng Bảng, Ba Khan và Mai Hạ.