Năm 2012, ngành Thuế tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu ngân sách địa phương.
(HBĐT) - Năm 2012 được đánh giá là một năm khó khăn với ngành Thuế trong thực hiện kế hoạch thu ngân sách được giao. Tuy vậy, được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành cùng sự quyết liệt của ngành Thuế với nhiều giải pháp đồng bộ trong những tháng cuối năm, công tác thu ngân sách đã phần nào đạt được những kết quả nhất định.
Thành phố Hoà Bình, một trong những địa bàn quan trọng trong kế hoạch thu ngân sách của tỉnh, trong những tháng cuối năm, đội ngũ cán bộ Chi cục Thuế TPHB đã không quản thời gian, tập trung cao độ đảm bảo thu ngân sách tối đa cho ngân sách Nhà nước. Ngay cả những ngày thứ bảy, chủ nhật, cùng với ngành thuế cả tỉnh, tập thể cán bộ Chi cục Thuế thành phố vẫn bố trí thời gian làm việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân người nộp thuế có thể đến cơ quan thuế các cấp thực hiện giao dịch bình thường.
Ông Dương Kinh Châu, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Hoà Bình cho biết, tính đến ngày 30/11, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố mới thực hiện được trên 112,5 tỷ đồng, đạt 74% dự toán pháp lệnh. Mặc dù vậy, do kinh tế khó khăn, Chi cục Thuế thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: cưỡng chế thu hồi nợ đọng, đôn đốc các trường hợp nợ thuế, đôn đốc các đơn vị thu gọn số thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phát sinh... Nhưng dù cố gắng lắm, phấn đấu đến cuối năm 2012, tổng thu ngân sách trên địa bàn cũng chỉ ước đạt 88% dự toán pháp lệnh, đạt 83% dự toán phấn đấu và bằng 91% so với năm 2011.
Theo ông Bùi Anh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, xác định nhiệm vu thu ngân sách năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế chung đưa lại. Ngay từ đầu năm 2012, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo Chi cục, phòng chức năng phấn đấu ngay từ những tháng đầu, quý đầu, tổ chức phân tích, đánh giá từng khu vực, từng khoản thu và tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm thuế nhằm tác động tích cực đến ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp cũng như người nộp thuế. Song song với đó, ngành thuế còn tổ chức hỗ trợ người nộp thuế và các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh như: gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các hồ sơ đề nghị hoàn thuế... Mặt khác, do chủ động tham mưu, báo cáo kịp thời nên công tác thuế cũng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. UBND tỉnh có hội nghị chuyên đề về công tác khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ thuế...
Nhờ vậy, tổng thu ngân sách trong 11 tháng thực hiện được 1.344 tỷ đồng, đạt 85% dự toán Chính phủ giao (cao hơn 4% so với bình quân toàn quốc) và đạt 81% dự toán Nghị quyết HĐND tỉnh, so với cùng kỳ thu tăng 13%. Trong đó, số thu từ thuế, phí (chưa tính tiền sử dụng đất) thực hiện đạt 1.234 tỷ đồng, đạt 90% dự toán Chính phủ giao (cao hơn bình quân toàn quốc 9%), so với cùng kỳ tăng 21%.
Thống kê cùng thời điểm cuối tháng 11/2012, toàn ngành thuế mới có 2/13 đơn vị hoàn thành dự toán Chính phủ giao gồm: Đà Bắc đạt 102%, Mai Châu đạt 100%; đạt trên 90% có 2 đơn vị là Yên Thuỷ đạt 97% và Phòng Kiểm tra thuế 95%; đạt trên 80% có 2 đơn vị là Cao Phong đạt 86%, Tân Lạc đạt 81%. Còn lại các đơn vị khác đều đạt dưới 80%, trong đó, những đơn vị đạt thấp nhất là Lạc Thuỷ khoảng 33%, Lương Sơn 39% và Kỳ Sơn đạt 53%.
Năm 2012, tổng số thu ngân sách toàn địa bàn ước đạt 1.736 tỷ đồng, đạt 109% dự toán Chính phủ giao, đạt 96% chỉ tiêu HĐND tỉnh. Thu ngân sách địa phương ước đạt 7.373 tỉ đồng, đạt 118% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 114% chỉ tiêu HĐND tỉnh, trong đó, thu cân đối ngân sách ước đạt 7.223 tỉ đồng, các khoản thu quản lý qua ngân sách Nhà nước đạt 150 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, nguyên nhân một số khoản hụt thu không đạt dự toán giao là do năm 2012 tăng trưởng kinh tế của tỉnh thấp, ước khoảng 10,2%, đặc biệt tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ chỉ đạt trên 9%. Bên cạnh đó, tình hình suy thoái kinh tế, đa số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, quy mô bị thu hẹp, thị trường bất động sản đóng băng... Từ đó ảnh hưởng lớn đến kết quả SX-KD của các doanh nghiệp và người nộp thuế.
Thực trạng kinh tế chung khó khăn nên số dự án, doanh nghiệp thành lập mới cũng thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, năm 2012, mặc dù tỉnh ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án (trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký trên 174 triệu USD và 39 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 2.230 tỷ đồng). Tuy nhiên, đó là tính cả năm, còn thống kế của ngành Thuế, trong 9 tháng năm 2012 mới có 29 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 1,5 triệu USD và 1.511 tỷ đồng, bằng 52% so cùng kỳ. Hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh so với năm trước cũng chỉ bằng 73%. Số doanh nghiệp khai có thuế nộp ngân sách chưa đạt 20% so với số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh dẫn đến một số khoản hụt thu lớn so với dự báo như: 4 dự án xi măng dự kiến nộp ngân sách năm 2012 trên 20 tỷ đồng nhưng thực tế đến cuối tháng 11/2012 mới chỉ nộp được 4 tỷ đồng; Chi nhánh Viettel cũng chỉ nộp được 19 tỷ đồng so với con số 46 tỷ đồng như dự kiến; thuế bảo vệ môi trường của 2 doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn giao thu 75 tỷ đồng nhưng mới chỉ nộp ngân sách được 52 tỷ đồng, bằng 88% so cùng kỳ... Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về gia hạn thuế giá trị gia tăng, giảm và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm giảm thu ngân sách, ước khoảng 34 tỷ đồng.
Khó khăn là như vậy, song, năm 2013, dự kiến ngành Thuế thu ngân sách Nhà nước khoảng 1.960 tỷ đồng. Ngay từ những tháng đầu năm, ngành Thuế lại tiếp tục đưa ra các giải pháp đồng bộ, trong đó, tiếp tục hỗ trợ tổ chức, cá nhân người nộp thuế dễ dàng hơn trong thực hiện nghĩa vụ. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương nhằm phấn đấu hoàn thành các dự toán được giao.
Hồng Trung
(HBĐT) - Rời quân ngũ trở về đời thường, mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh nhưng hầu hết các CCB huyện Lạc Thủy đều bắt tay ngay vào việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Để có được như ngày hôm nay, đa số các anh đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng và một trong những “bàn tay trắng” nay đã có cơ ngơi khá vững vàng là CCB Lê Văn Hán ở thôn Đồng Mới, xã Đồng Tâm.
Mặc dù phải đối phó những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, sức phục hồi chậm của kinh tế thế giới và bóng ma “vách đá tài chính” tại Mỹ, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á vẫn đi lên.
(HBĐT) - Với kinh phí đầu tư dưới 100 triệu đồng/TDA về hạ tầng thôn bản cùng sự thiết thực của các TDA hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, phụ nữ nghèo, dự án giảm nghèo giai đoạn 2, năm 2012 triển khai tại xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) được cộng đồng đánh giá cao về hiệu quả đầu tư.
(HBĐT) - Ngày 29/12, tại sân vận động huyện Đà Bắc, Trung tâm XTTM - Sở Công thương đã phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội chợ Xuân 2013. Hội chợ sẽ diễn ra từ nay cho đến hết ngày 5/1/2013.
(HBĐT) - Theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Dự án đường Chi Lăng (TP Hòa Bình) kéo dài (giai đoạn I) có tổng chiều dài 2,5km, điểm đầu tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo và đường Chi Lăng, điểm cuối tại đê Quỳnh Lâm. Tuyến đường có mặt cắt ngang 36m, gồm vỉa hè, mặt đường và dải phân cách. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa. Hệ thống thoát nước, cấp nước, vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh được thiết kế đồng bộ. Nút giao thông trung tâm được thiết kế 60m, bố trí đảo tròn trung tâm đường kính 30m. Nút giao với đường Trần Hưng Đạo và đê Quỳnh Lâm được thiết kế dạng đơn giản, cùng mức (không thiết kế đảo tròn). Tổng mức đầu tư 67.423 triệu đồng.
(HBĐT) - Tổng số dự án đầu tư và các KCN của tỉnh hiện nay là 58 dự án, trong đó có 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 327,24 triệu USD và 46 dự án đầu trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng.