Nông dân xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) thường xuyên kiểm tra đồng ruộng sau khi gieo cấy để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng sâu bệnh hại lúa.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Chi cục BVTV, hiện nay, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, ốc bươu vàng (OBV) đang có xu hướng tăng mạnh mật độ và diện phân bố trên các trà lúa mới cấy. Từ nay đến đầu tháng 8/2013 là cao điểm gây hại của OBV trên diện tích lá mới cấy - đẻ nhánh. Chính vì vậy, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp diệt trừ OBV, kiên quyết không để dịch này lây lan trên diện rộng.
Thống kê đến ngày 3/7, toàn tỉnh có khoảng 720,5 ha lúa vụ mùa bị OBV, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (66 ha). Đối tượng này hiện đang có xu hướng tăng mạnh cả về mật độ lẫn diện phân bố trên các trà lúa mới cấy, mật độ phổ biến 1-3 con/m2, nơi cao 7-10 con/m2. Chi cục BVTV cho biết: Từ nay đến đầu tháng 8 là cao điểm gây hại của OBV trên diện tích lúa mới cấy - đẻ nhánh. Nếu không ngăn chặn hiệu quả OBV, nhiều ruộng sẽ phải cấy dặm hoặc cấy lại.
Để bảo vệ sản xuất, Chi cục BVTV đã có Công văn số 198 ngày 3/7/2013 về việc chủ động diệt trừ OBV, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm: Một là, khoanh vùng, thống kê diện tích nhiễm OBV; chú ý những nơi sử dụng nguồn nước từ các hồ, đầm chứa đã có sẵn OBV, vùng ổ cũ và những khu vực gieo sạ thẳng. Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng hộ sản xuất đối với việc diệt trừ OBV, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cấm nuôi và diệt trừ ngay OBV. Ba là, giao trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân quản lý, sử dụng các ao, hồ, đầm, kênh, mương trong việc không nhận nuôi, mua bán OBV; áp dụng các biện pháp diệt trừ OBV, ngăn chặn sự lây lan của OBV ra đồng ruộng.
Đặc biệt, Chi cục BVTV đề nghị chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên ngành khẩn trương phổ biến, đôn đốc các hộ nông dân thực hiện một số biện pháp diệt trừ tổng hợp OBV: thường xuyên huy động nhân lực thu bắt ốc, trứng ốc. Cắm cọc ven bờ và rải rác khắp ruộng, đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh nước để thu hút OBV đến đẻ trứng. Việc làm này phải thường xuyên, liên tục từ lúc gieo sạ, cấy cho đến lúc thu hoạch. Bắt ốc vào sáng sớm hoặc chiều tối là có hiệu quả cao nhất vì lúc này ốc hoạt động rất mạnh. Dùng phên, lưới có mắt nhỏ chắn những nơi lấy nước để ngăn cản sự di chuyển của OBV, đồng thời dễ dàng thu bắt. Sử dụng cây mạ non, những loại lá cây là thức ăn ưa thích của OBV (lá sắn, lá bắp cải, lá khoai lang, lá khoai sọ...) làm chất dẫn dụ để thu bắt ốc. Thời kỳ lúa đẻ nhánh có thể thả vịt vào ruộng để bắt ốc con. Tại những nơi OBV sống tập trung, nếu chủ động nước có thể sử dụng một số loại thuốc trừ OBV như: Abuna 15G, Aladin 700WP, Cửu Châu 6GR, Kioc 60WP, Pazol 700WP, Viniclo 70WP... hay những thuốc có cùng hoạt chất, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì. Đối với những ruộng mới cấy hay ruộng lúa đang đẻ nhánh bị OBV gây hại mất khoảng, nên giữ mực nước xâm xấp để hạn chế sự di chuyển và phát tán gây hại của OBV; đồng thời cần dặm bổ sung ngay kết hợp với tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự đẻ nhánh của cây lúa.
Ngoài dịch OBV đang có xu hướng tăng mạnh, trên diện tích lúa vụ mùa còn xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại đáng lưu ý khác: tập đoàn rầy (mật độ phổ biến 0,5-1 con/m2, cao 5-7 con/m2, rầy chủ yếu trưởng thành), sâu cuốn lá nhỏ (mật độ phổ biến 0,1-0,5 con/m2, cao 1-2 con/m2, sâu chủ yếu tuổi 1-2), sâu đục thân bướm 2 chấm (tỷ lệ hại phổ biến 0,1-0,3 số dảnh, sâu tuổi 1-2), chuột (hại cục bộ từng ruộng, từng vùng, tỷ lệ hại 1-3% số dảnh), dòi đục nõn (hại diện hẹp trên mạ và lúa giai đoạn đẻ nhánh, tỷ lệ hại 2-3% số dảnh), châu chấu mật độ phổ biến 1-3 con/m2, cao 7-10 con/m2)... Dự báo từ nay đến cuối tháng 7/2013, các đối tượng trên tiếp tục di trú, phát triển và gây hại trên diện tích lúa vụ mùa. Chính vì vậy, Chi cục BVTV yêu cầu Trạm BVTV các huyện, thành phố cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết cũng như của các đối tượng dịch hại để dự báo chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại, từ đó hướng dẫn cơ sở chủ động phòng trừ ngay từ đầu vụ, đặc biệt, có biện pháp xử lý kịp thời khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao.
Thu Trang
(HBĐT) - UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội nghị sơ kết tình hình phát triển KT – XH 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2013.
(HBĐT) - Cách đây 8 năm, nhân chuyến thăm quan về huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) do Trung tâm KN-KN giới thiệu, ông Phạm Đình Đào ở tổ 13, phường Phương Lâm (TPHB) biết đến và hứng thú muốn đến với nghề nuôi ếch, giống ếch có xuất xứ từ Thái Lan.
(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Tân Lạc, diện tích mặt nước nuôi thủy sản hiện có khoảng trên 130 ha phân bố ở các xã Trung Hòa, Do Nhân, Phú Vinh, Lỗ Sơn, Tử Nê và Ngòi Hoa. Tận dụng lợi thế này, các xã đã tập trung duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, bước đầu đem lại hiệu quả, cải thiện đời sống ngư hộ.
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở sản xuất giống, lớn nhất là Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã sản xuất được 28 triệu con cá giống.
(HBĐT) - Theo kết quả thống kê đến năm 2013, toàn tỉnh hiện có 20 trang trại nuôi thủy sản, phân bố rải rác ở các huyện, thành phố, tập trung ở TPHB và huyện Kim Bôi, Lương Sơn.
(HBĐT) - Tính đến trung tuần tháng 7, tỉnh ta đã tiến hành giải ngân 22 tỷ 864 triệu đồng nguồn vốn dự án XDCB đầu tư cho lĩnh vực Nông nghiệp & PTNT. Giá trị khối lượng thực hiện đầu tư các công trình ước đạt 11 tỷ 150 triệu đồng.