Trưởng xóm Khoang Bùi Văn Khuyến (bên trái) và cán bộ xã Phúc Tuy xem xét cây ngô không hạt.
(HBĐT) - Cánh đồng xóm Khoang, Vỏ, Bọ, xã Phúc Tuy, huyện Lạc Sơn trải dài màu xanh xám của ngô đến kỳ thu hoạch. Cây tốt, bắp đều, râu ngô nâu dài phất phơ. Chỉ có điều tước vỏ chẳng thấy hạt đâu. Vậy là mô hình hợp tác gia công sản xuất hạt giống ngô LVN 23 giữa người dân 3 xóm với Viện Nghiên cứu ngô Trung ương (Đan Phượng- Hà Nội) coi như thất bại. Công sức mấy tháng trời đổ ra sông, suối. Nhìn ngô có bắp, không hạt, người dân xót lòng, mong muốn có câu trả lời thỏa đáng từ Viện Nghiên cứu ngô.
Vào tháng 2/2014, Viện Nghiên cứu ngô Trung ương và người dân xóm Khoang, Vỏ, Bọ ký hợp đồng gia công sản xuất ngô giống. Theo hợp đồng này, Viện Nghiên cứu ngô T.Ư cung cấp hạt giống ngô bố, mẹ để người dân địa phương gia công sản xuất giống cho Viện. Viện Nghiên cứu ngô cử cán bộ, chuyên gia trực tiếp cấp giống, tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình kỳ thuật sản xuất hạt giống ngô. Đồng thời bảo đảm tiếp nhận hạt giống ngô F1 sau thu hoạch khi đạt tiêu chuẩn theo quy định và cứ 1 kg hạt ngô sẽ được mua với giá 10.000 đồng. Trong trường hợp người dân không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, dẫn tới phải hủy, bỏ ruộng giống, người dân sẽ phải bồi thường toàn bộ giá trị Viện Nghiên cứu Ngô đã đầu tư.
Sự hợp tác được thực hiện trong vụ xuân 2014, trên diện tích 3,1 ha với 75 hộ nông dân thuộc các thôn Khoang, Vỏ, Bọ tham gia. Gia đình anh Bùi Văn Tin, cùng mấy anh em xóm Khoang trồng gần 2 kg ngô giống trên diện tích khoảng 3.000 m2. Đến nay, cây ngô cho bắp nhỏ hơn bình thường và chẳng có hạt. Anh Tin cho biết, cán bộ của Viện Nghiên cứu ngô hướng dẫn kỹ thuật từ đầu đến cuối, họ bảo: mỗi cây cho 1 bắp, mỗi bắp có thể nặng từ 1,5-1,8 kg. Thế nhưng đến kỳ thu hoạch nhìn ruộng ngô cháy dưới nắng, chắng có hạt mà quặn lòng.
Trưởng thôn Khoang Bùi Văn Khuyến cho biết: Theo lý thuyết chúng tôi được cung cấp, hiệu quả trồng ngô gấp 3 lần trồng lúa. Bà con hưỏng ứng khá cao tham gia trồng ngô. Người dân bắt đầu trồng ngô xuân từ ngày 9,10/2/2014. Trong quá trình trồng, cán bộ của Viện Nghiên cứu ngô hướng dẫn bà con kỹ thuật, trồng hàng cách hàng 0,6 m, cây cách cây từ 0,2-0,25 m. Quá trình sản xuất phát sinh vấn đề là: Cây ngô bố (ngô đực) lại trổ cờ trước ngô mẹ (ngô cái) khoảng 10 ngày. Theo đó, khả năng thụ phấn thấp. Cán bộ kỹ thuật biết việc này và hướng dẫn bà con buộc cờ ngô đực lại để có phấn thụ cho ngô cái. Và bà con đã đi buộc cờ ngô bằng dây chuối, dây rừng. Nhưng ngay sau đó có người cũng ở Viện Nghiên cứu ngô khi kiểm tra lại bảo phải tháo ra không cờ ngô sẽ thối. Cán bộ kỹ thuật lại bảo bà con không tuân thủ quy trình. Người dân chẳng biết làm sao. Đến nay cây chẳng có bắp. Người dân đã nhiều lần gọi điện thông tin về cây ngô không bắp, thế nhưng cán bộ Viện Nghiên cứu ngô cứ bảo vài ngày sẽ xuống kiểm tra, đến nay vẫn chưa xuống. Cả vùng trồng ngô chỉ có 3-4 hộ là bắp ngô thi thoảng có hạt. Trông ruộng ngô ngày càng héo dưới nắng nóng mà xót của. Nhiều người đã cắt ngô về cho trâu bò ăn. Hiện, bà con trồng ngô mong muốn có câu trả lời từ Viện Nghiên cứu ngô.
Lê Chung
(HBĐT) - Công cuộc xây dựng NTM nhằm kiến thiết nông thôn để cuộc sống của người dân nông thôn và bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn đang là niềm hy vọng của hàng vạn nông dân trong tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xây dựng NTM là cách làm khoa học, là bước đi hợp lý nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng về “tam nông” có hiệu quả thiết thực hơn. Từ đó thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, giảm khoảng cách giàu, nghèo giữa thành thị và nông thôn.
(HBĐT) - Xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) có xuất phát điểm thấp về phát triển KT-XH. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã chỉ có 4 tiêu chí đạt về điện, ANTT, chính quyền cơ sở vững mạnh và tỷ lệ hộ nghèo. Sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM (2011-2013), xã mới đạt được 9 tiêu chí, là xã đạt số tiêu chí thấp nhất tại TP Hòa Bình. Trong năm 2014, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí về giao thông và trường học, tuy nhiên, việc hoàn thành hai tiêu chí này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vốn và sự hỗ trợ của Nhà nước.
(HBĐT) - UBND huyện Cao Phong vừa tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Nông dân huyện Cao Phong thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”.
(HBĐT) - Ngày 29/5, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc về tình hình phát triển KT –XH của xã Ngổ Luông (Tân Lạc). Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành: KH & ĐT, NN & PTNT, TN & MT, GT-VT; lãnh đạo UBND và các phòng, ban liên quan của huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Đến xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) thời điểm này, hình ảnh nổi bật nhất là những cánh đồng lúa và rau màu xanh mát mắt. Theo đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn, từ nhiều năm nay, kinh tế Lỗ Sơn chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng gần 500 ha. Trước đây, đất nông nghiệp chủ yếu là lúa và thu nhập phụ thuộc vào cây lúa, nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên sản xuất lúa lúc thì gặp mưa bão, lúc gặp hạn hán thiếu nước tưới nên năng suất lúa không cao dẫn đến giá trị thu nhập từ cây lúa cũng thấp đi. Do đó, xã đã có chủ trương từ rất sớm là chuyển từ những vùng sản xuất lúa bấp bênh sang trồng mía, rau màu có hiệu quả kinh tế cao hơn.
(HBĐT) - Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Lạc Sơn đã đạt được những kết quả bước đầu. Huyện đã phát động và thực hiện phong trào “Lạc Sơn chung sức xây dựng NTM” nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo, vươn lên trong lao động sản xuất.