Con đường xóm Cha, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) được bê tông hóa theo chuẩn NTM.
(HBĐT) - Xã Toàn Sơn (Đà Bắc) luôn xác định đường GTNT là hạ tầng cơ sở quan trọng phục vụ đời sống người dân, sự phát triển KT -XH của xã. Hiện, Toàn Sơn đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là chủ trương cứng hóa giao thông nông thôn đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Xã chủ trương, dân đồng thuận
Nhớ lại những năm đầu của chương trình xây dựng NTM, đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn cho biết: Có thể nói, đó là giai đoạn khó khăn với cấp ủy, chính quyền khi bắt đầu triển khai một chương trình mới. Những bỡ ngỡ, vướng mắc trong quá trình thực hiện là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong tuyên truyền, vận động bà con hiểu được mình chính là chủ thể góp phần hoàn thành các tiêu chí, đồng thời chính nhân dân là người được hưởng lợi từ chủ trương lớn đó. Xã đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở hội nghị truyền thông, lồng ghép vào các cuộc họp, đa dạng các hình thức vận động... Nhờ đó, người dân trong xã đều hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM và đồng thuận nhất trí cao. Đến nay, gần 100% hộ gia đình đồng ý hiến đất vườn, đất lâm nghiệp để xây dựng các con đường liên xóm, nội xóm khi có yêu cầu của chính quyền.
Theo số liệu thống kê, toàn xã có 15 km đường giao thông liên thôn, 21 km đường nội thôn và 17 km đường ngõ xóm. Hiện tại, xã đã đầu tư bê tông hóa được 5 km đường liên thôn, 10 km đường nội thôn và 5 km đường ngõ xóm. Con đường liên thôn từ xóm Phủ - Rãnh đã hoàn thiện. Đường từ xóm Cha - Tân Sơn đã giải phóng mặt bằng, chuẩn bị được khởi công. Cùng với đó, các tuyến đường nội thôn còn lại dài trên 10 km đã xong giai đoạn GPMB chờ Nhà nước hỗ trợ đầu tư.
Tuy nhiên, với các con đường ra khu sản xuất tập trung, từ xóm Cha đến khu Bưa Dòn dài 4 km, xóm Phủ đến Suối Xanh dài 3 km và từ xóm Rãnh đến Suối Bương dài 1, 5 km lại có mức đầu tư quá lớn nên dù người dân sẵn sàng nhượng phần đất sản xuất của gia đình làm đường mà vẫn chưa thực hiện được. Vừa qua, huyện Đà Bắc đã cử đoàn khảo sát tuyến đường từ xóm Cha đến Bưa Dòn. Chỉ dài 4 km nhưng nếu bê tông hóa được con đường này chi phí cũng lên đến hàng tỷ đồng. Dù Nhà nước có hỗ trợ xi măng, cát, đá, sỏi, người dân cũng không thể đóng góp số tiền lớn để thực hiện. Đây là khó khăn lớn nhất trong chương trình bê tông hóa đường GTNT mà xã gặp phải. Không có đường, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp hạ xuống, người dân mất nhiều công, chi phí cho đầu tư, thu hoạch các loại nông, lâm sản - đồng chí Đặng Thái Sơn trăn trở.
Xuất hiện nhiều điển hình hiến đất làm đường
Có thể nói, chính sự đồng thuận của người dân tạo nên thành công bước đầu trong chương trình xây dựng NTM của xã. Trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình hiến đất làm đường GTNT. Tiêu biểu có hộ ông Bàn Văn Chiêu (xóm Phủ) hiến trên 1 ha đất vườn, đất lâm nghiệp đang cho thu làm đường giao thông liên thôn. Chia sẻ về việc làm đó, ông cho biết: Sau khi nhận được chủ trương của xã, gia đình đã cùng họp bàn đi đến thống nhất cao. Mặc dù diện tích đó đang cho thu hoạch các loại cây nông sản, lâm nghiệp nhưng gia đình vẫn nhất trí, ủng hộ bởi vì khi con đường làm xong mình cũng như bà con trong thôn là những người được hưởng lợi đầu tiên. Giao thương phát triển, kinh tế gia đình sẽ từng bước được cải thiện.
Không chỉ có gia đình ông Bàn Văn Chiêu, em trai ông là Bàn Văn Liềm cũng noi gương anh trai chủ động lùi địa giới đất vườn của gia đình để chính quyền làm đường. Hầu hết các xóm đều có những tấm gương điển hình, ở xóm Rãnh có gia đình ông Đặng Trung Khoa và em trai Đặng Trung Hải; xóm Cha có gia đình các ông Đinh Văn Thanh, Nguyễn Văn Thanh, Đặng Văn Tý; xóm Tân Sơn có ông Hà Văn Dân... Ông Lý Văn Tuấn, trưởng xóm Phủ cho biết: Hầu hết bà con trong xóm đều có chung quan điểm sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước xây dựng những con đường GTNT. Dù có được hỗ trợ hoa màu hay không bà con vẫn ủng hộ. Gia đình nhiều thì hiến hơn 1 ha đất, ít cũng được vài chục mét vuông, không ai so sánh thiệt hơn. Chính sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng đã làm nên những con đường bê tông thẳng tắp, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân trong xóm.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Là việc khó, lần đầu tiên được triển khai thực hiện. Tuy vậy, mô hình xây dựng “Làng văn hóa quốc phòng” (VHQP) vẫn được thực hiện tốt ở xã vùng cao ĐBKK Độc Lập (Kỳ Sơn). Thành công của mô hình đã tích cực góp phần xây dựng NTM... Có được kết quả đó là do xã Độc Lập đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt đã phát huy được vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong triển khai, tổ chức thực hiện.
(HBĐT) - Theo đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở 2 xã vùng đề án 03/ĐA – TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại xã đặc biệt khó khăn Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) được tổ chức thực hiện theo hướng tăng mạnh những sản phẩm có giá trị, lợi thế cạnh tranh của địa phương như ngô, chè shan tuyết.
(HBĐT) - Bắt đầu từ tháng 1/2015, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ -TB&XH) có trụ sở tại số 570- đường Trần Hưng Đạo - phường Phương Lâm (thành phố Hoà Bình) tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Trong phiên giao dịch có từ 20- 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tuyển dụng. Đây là cơ hội cho người lao động tỉnh ta tìm được việc làm và học nghề phù hợp.
(HBĐT) - NHCSXH tỉnh vừa ra Quyết định số 100/QĐ-BĐD về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2015. Theo đó, giao chỉ tiêu huy động nguồn vốn tại địa phương gần 56 tỉ đồng.
(HBĐT) - Xóm Đồng Sông, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) thuộc vùng hạ lưu sông Đà. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào sự lên, xuống của con nước. Bên cạnh đó, giá dịch vụ, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất cũng tăng khiến cho thu nhập và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
(HBĐT) - Những năm qua, Hội PN huyện Cao Phong ký hợp đồng uỷ thác với NHCSXH huyện cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Cao Phong đã và đang giúp hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.