Chợ Nghĩa, thị trấn Vụ Bản là chợ hạng 2 duy nhất của huyện Lạc Sơn họp chợ thường xuyên, phục vụ tốt nhu cầu mua bán, tiêu dùng.
(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn hiện có 13 xã có chợ nông thôn đang hoạt động, còn 15 xã chưa có chợ và mới có 7 xã đạt tiêu chí số 7 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM gồm Liên Vũ, Ngọc Sơn, Nhân Nghĩa (đạt năm 2013) và Tân Lập, Vũ Lâm, Văn Nghĩa, Phú Lương (đạt năm 2014). Để đáp ứng tiêu chí chợ NTM ở các xã đã có chợ còn lại gặp nhiều khó khăn.
Căn cứ tiêu chí chợ trong xây dựng NTM, điều kiện để xây dựng chợ là phải phù hợp cho lưu thông hàng hóa, gần khu dân cư, trung tâm xã; hoạt động chợ phải kết hợp với các dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan; diện tích đất xây dựng chợ từ 3.000 m2 trở lên; diện tích nhà chợ chính tối đa hơn 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%; diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%. Mỗi chợ nông thôn phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác... Tuy nhiên, hiện trạng cơ sở vật chất các chợ nông thôn trên địa bàn huyện nhìn chung còn lạc hậu, nhiều chợ vẫn trong tình trạng lán tạm và họp trên nền đất trống, chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi, giao lưu hàng hoá của nhân dân. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều chợ chưa đảm bảo, khu vệ sinh tạm bợ hoặc không có, quá trình quản lý thu gom và xử lý chất thải, nước thải còn khá thủ công. Theo thống kê toàn huyện chỉ có 1 chợ được phân loại chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3 quy mô nhỏ, chưa có chợ, trung tâm thương mại lớn mang tính đầu mối toàn vùng. 53,3% số chợ có diện tích dưới 5.000 m2, số thu bình quân hàng năm chỉ khoảng trên 20 triệu đồng/chợ/năm.
Thực tiễn xây dựng chợ đáp ứng tiêu chí NTM đang là một vấn đề khó đối với huyện mà khó khăn cơ bản là về vốn. Cụ thể là nguồn ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn huy động xã hội, huy động vốn từ các hộ kinh doanh rất hạn chế, trong khi để đạt tiêu chí chợ cần nhiều yếu tố, đòi hỏi kinh phí lớn. Đề cập đến tình hình đầu tư, quản lý và phát triển chợ trên địa bàn, đồng chí Đỗ Kim Khánh – Phó phòng Kinh tế & hạ tầng huyện cho biết: Cơ bản các chợ hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, trừ 2 chợ tạm dừng hoạt động là chợ Chum – xã Hương Nhượng và chợ Quyển – xã Phúc Tuy. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 30 chợ. Trong năm 2014, huyện đã đầu tư xây dựng 1 chợ tại xã Phú Lương với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, huyện tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư để xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ xã Vũ Lâm với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. Các chợ còn lại đều cần đầu tư, nâng cấp nhưng chưa thể thực hiện do vấp phải khó khăn nguồn vốn.
Hiện nay, huyện cũng đã quy hoạch địa điểm, vị trí đối với các chợ Ốc - xã Thượng Cốc, chợ ngã ba Xưa - xã Xuất Hoá, chợ Vó - xã Nhân Nghĩa có tính đến nhu cầu của người dân, thuận lợi cho mua bán, thu hút người vào chợ họp, đồng thời giải quyết tình trạng bức xúc về lấn chiếm lòng, lề đường, không đảm bảo an toàn giao thông. Để đảm bảo chợ theo quy hoạch và đạt chuẩn theo tiêu chí NTM, vấn đề tiên quyết cần đầu tư nâng cấp các chợ đã có, xây dựng mới các chợ nằm trong quy hoạch. Theo đề xuất của huyện, tỉnh sớm có chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp địa phương vào đầu tư, xây dựng và khai thác kinh doanh chợ. Trong điều kiện ngân sách huyện còn hạn hẹp, đề nghị UBND tỉnh cùng các ngành chức năng hỗ trợ về vốn để đầu tư xây dựng. Tại các xã có lợi thế về mặt bằng, vị trí, nguồn hàng, dân cư, đề nghị UBND tỉnh cho áp dụng cơ chế đổi đất lấy công trình để đầu tư xây dựng và khai thác chợ. Về chuyển đổi mô hình chợ quản lý trên cơ sở quy chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn, Sở Công thương sớm xây dựng mẫu đề án chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác kinh doanh cho các loại chợ.
Bùi Minh
(HBĐT) - Theo BCĐ 800 huyện Yên Thuỷ, giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM 673, 107 tỉ đồng.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu ước đạt 116,7 triệu USD, bằng 64,83% kế hoạch năm, tăng 86,55% so với cùng kỳ năm 2014.
(HBĐT) - Thời gian qua, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra các Huyện ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: Quản lý sử dụng ngân sách Đảng, xây dựng cơ bản…
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung kinh phí năm 2015 cho các địa phương để hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị sản xuất công nghiệp không tính Công ty Thủy điện Hòa Bình ước đạt 4.495 tỷ đồng, tăng 18,18% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 48,86% kế hoạch năm; nếu tính cả Công ty Thuỷ điện ước đạt 9.982, 27 tỷ đồng, tăng 8,98% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 51,19% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự cố gắng của nhân dân, huyện Cao Phong đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH. Đó là tiền đề để huyện xác định mục tiêu, phương hướng trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Ngọc Kiên, TUV, Bí thư Huyện ủy về vấn đề này.