Xã Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) chủ động gieo ươm giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng.
(HBĐT) - Trong 5 năm (2010 - 2015), xã Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) đã huy động gần 60 tỉ đồng thực hiện xây dựng NTM. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 13 tỉ đồng, hiến 3.200 m2 đất các loại để xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2010, xã mới đạt 4 tiêu chí, đến năm 2015 cơ bản đạt 19 tiêu chí, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư được phát huy, năng lực chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn được nâng lên, đặc biệt là công tác vận động quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phong trào xây dựng NTM. Nguồn lực thực hiện chương trình mặc dù chưa nhiều nhưng đã huy động sức đóng góp của nhân dân, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn.
Đồng chí Hoàng Công Chí, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mọi vấn đề trong thực hiện xây dựng NTM đều được công khai, dân chủ để người dân cùng tham gia bàn bạc, tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí khó thực hiện sau. Do đó đã khơi dậy được nội lực, huy động sức dân tự giác hiến đất, hiến công và tiền vốn đầu tư xây dựng nông thôn. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân đóng góp công lao động, hiến đất mở rộng đường. Đến nay, trục đường liên xã được trải nhựa 100%, đường liên thôn được cứng hoá trên 90%, 100% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, đường trục chính nội đồng được cứng hoá 50%. Tổng kinh phí thực hiện tiêu chí giao thông đạt 7, 5 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 8.000 ngày công trị giá 1, 2 tỉ đồng. Hiện xã đã có quy hoạch chợ với diện tích 1.600 m2 tổng kinh phí thực hiện 5 tỉ đồng chuẩn bị được khởi công xây dựng đáp ứng nhu cầu giao thương cho nhân dân.
Để từng bước nâng cao chất lượng sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hoá cho năng suất cao, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng KH -KT vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay có 21 mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả được nhân dân phát triển rộng, đem lại thu nhập bền vững như mô hình trồng cam, phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng sản xuất, chăn nuôi lợn... Ngoài ra, kinh tế hợp tác từng bước phát triển góp phần tích cực cho phát triển kinh tế địa phương. Toàn xã có 5 HTX, trong đó có 3 HTX hoạt động hiệu quả, chủ yếu hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông dân trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Hàng năm, xã quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dệt may, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Năm 2000, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 12, 9 triệu đồng, đến năm 2014 đạt 25, 7 triệu đồng, dự kiến đạt năm 2015 đạt 29 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,56%.
Những năm qua, xã luôn đẩy mạnh triển khai CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC” gắn với xây dựng NTM và tổ chức thực hiện tốt phong trào “nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, đến nay, toàn xã có 10/13 thôn đạt văn hoá, trên 82% gia đình văn hoá.
Với sự đồng thuận của nhân dân cả về cách làm và đóng góp tiền của công sức, thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch, xã Cố Nghĩa đang tiến nhanh về đích NTM.
Hải Linh
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung kinh phí năm 2015 cho các địa phương để hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị sản xuất công nghiệp không tính Công ty Thủy điện Hòa Bình ước đạt 4.495 tỷ đồng, tăng 18,18% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 48,86% kế hoạch năm; nếu tính cả Công ty Thuỷ điện ước đạt 9.982, 27 tỷ đồng, tăng 8,98% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 51,19% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự cố gắng của nhân dân, huyện Cao Phong đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH. Đó là tiền đề để huyện xác định mục tiêu, phương hướng trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Ngọc Kiên, TUV, Bí thư Huyện ủy về vấn đề này.
(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó BCĐ xây dựng NTM huyện Cao Phong cho biết: Thấy rõ tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong phát triển nông thôn miền núi, những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Nhờ vậy, phong trào xây dựng NTM đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: hiến đất, góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, xây dựng hệ thống kênh mương; hỗ trợ nhau làm kinh tế; tự đầu tư chỉnh trang nhà ở, KDC...
(HBĐT) - Huyện Cao Phong có trên 5.000 ha diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp. Ở độ cao trên 250 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, tầng đất dày, độ phì cao, huyện thích hợp với phát triển chăn nuôi gia súc và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có múi.
(HBĐT) - Vụ mía vừa qua, toàn huyện Cao Phong trồng khoảng 2.611,8 ha mía, gồm 1.249,1 ha mía tím, 1.330,7 ha mía trắng ép nước và 32 ha mía nguyên liệu. Nếu như những năm trước, đến thời điểm giữa tháng 5, cơ bản toàn bộ diện tích mía trên địa bàn huyện đã được thu hoạch và tiêu thụ tốt với mức giá bán đảm bảo thu nhập khá cho hộ trồng mía. Nhưng năm nay, mía tiêu thụ chậm hẳn, đến tận cuối tháng 5 mà toàn huyện vẫn còn trên 900 ha chưa thu hoạch được. Diện tích đã thu hoạch phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn nhiều so với mọi năm. Tình cảnh này đã khiến nhiều hộ trồng mía nơi đây đứng ngồi không yên và một lần nữa, bài học về tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương lại được nhắc đến như một hồi chuông báo động.