Nông dân xã Quyết Chiến (Tân Lạc) thu hoạch ngọn su su.
(HBĐT) - Khó lòng bỏ qua cơ hội lên vùng cao Tân Lạc mùa này để trải nghiệm và cảm nhận cuộc sống mới ở Thung Mây. Vượt hàng chục km đường đèo, dốc, Quyết Chiến là cửa lối dẫn vào chốn Thung Mây nơi chúng tôi khởi đầu điểm đến.
Ở độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển, 5 xã vùng cao Tân Lạc gần như quanh năm bao bọc bởi sương mù. Nắng trong ngày thường xuất hiện tầm 9 - 10 giờ. Thế nhưng, người vùng cao không chờ đến lúc trời hửng nắng, tan sương mới bắt đầu công việc của một ngày. Ngay cả khi thời tiết dưới 10 độ C, bà con vẫn miệt mài sớm hôm vun trồng, chăm sóc cho lúa, cây màu tốt tươi.
Nhờ bàn tay lao động cần cù, biết tận dụng thời tiết, khí hậu đặc thù mà người dân các xã vùng cao Quyết Chiến, Lũng Vân, Bắc Sơn, Nam Sơn, Ngổ Luông tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành nên cây trồng hàng hóa riêng biệt so với 3 vùng: Mường Thàng, Mường Động, Mường Vang. Hiếm có nơi nào cây ngô lai lại được bà con đưa vào trồng tập trung như ở nơi đây. Ngô không chỉ chiếm gần như toàn bộ diện tích bãi, thung mà còn vượt dốc “chiếm lĩnh” trên triền đồi, lưng núi. Theo thống kê, diện tích ngô trên địa bàn 5 xã vùng cao đạt trên 1.000 ha. Nhờ chú trọng thâm canh, tập trung chăm sóc nên năm nào năng suất ngô vùng này cũng vượt trội so với các vùng khác. Các vùng Ngổ Luông, Quyết Chiến, Bắc Sơn có hàng chục nông hộ thu trên chục tấn ngô/vụ, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. 3 năm trở lại đây, vụ thu hoạch ngô ở các xã vùng cao ghi nhận thắng lợi lớn, năng suất bình quân đạt từ 65 - 70 tạ/ha, cá biệt có nơi năng suất đạt 80 - 90 tạ/ha.
Lên các xã vùng cao Tân Lạc mùa này cũng bắt đầu vào kỳ thu hoạch chính vụ rau su su. Sau ngô lai được xem là cây xóa đói, giảm nghèo thì su su là cây giúp bà con vùng cao làm giàu. Cuộc sống sung túc của anh Đinh Văn Miêng ở xóm Chiềng, xã Lũng Vân chỉ thực sự bắt đầu cách đây 6-7 năm. Thời điểm đó, cây su su khởi đầu triển khai mô hình ở các xã lựa chọn gồm Lũng Vân, Quyết Chiến. Dần dần, mô hình lan rộng ở cả 5 xã vùng cao, tạo bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong đồng bào dân tộc. Diện tích rau su su của gia đình anh Miêng được xem là “đáng nể” trong vùng với trên, dưới 2 ha, trừ mọi chi phí, anh thu lãi 400 triệu đồng/vụ. Được biết, có trên 1.000 hộ thuộc 5 xã trồng su su lấy ngọn, tổng diện tích toàn vùng đạt trên, dưới 60 ha, trong đó 9,9 ha su su thuộc xã Quyết Chiến đã được cấp chứng chỉ sản xuất rau theo quy trình VIETGAP.
Người vùng cao Tân Lạc không chỉ mạnh dạn trồng su su lấy ngọn mà còn “thử sức” với việc phục hồi giống quýt ngọt Nam Sơn (khoảng 40 ha), chè Shan tuyết (20 ha) và tỏi tía bản địa (20 ha). Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Dọc 5 xã vùng cao, đường sá giờ đã thuận tiện hơn trước, góp phần mở rộng giao thương, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc nhận định: Công cuộc chuyển đổi, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất đã tạo diện mạo, sức sống mới ở các xã vùng cao. Thay vì tập quán canh tác lạc hậu, trồng giống cũ kém hiệu quả, đồng bào vùng cao đã chuyển sang trồng giống mới, thay đổi cả phương thức thâm canh, chọn lựa cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đầu tư giống, vốn, kỹ thuật để đem lại thu nhập cao, bền vững. Từ chuyển đổi cây trồng đã mang đến cho vùng cao nhiều khởi sắc, trước hết là đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện, tăng số hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo, tạo đà phát triển văn hóa, xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở địa phương.
Bùi Minh
(HBĐT) - Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Qua đó, góp phần thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 xã về đích NTM, dự kiến hết năm 2015 có 31 xã về đích NTM. Mỗi địa phương có điều kiện tự nhiên, kinh tế phát triển khác nhau nhưng đã biết tận dụng thế mạnh riêng, những điểm thuận lợi để xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn đang dần khoác áo mới.
(HBĐT) - Tình hình KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có bước phát triển khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao... Đó là cái nhìn toàn cảnh nhưng cũng hết sức chi tiết của lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ chính là chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS.
(HBĐT) - Những năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi của phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong đã và đang giúp hàng ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
(HBĐT) - Đến thời điểm này, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM ở xã Phú Lai (Yên Thuỷ) đã ở vào giai đoạn “nước rút”. Xã đang huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất thuộc 3 tiêu chí còn lại để đảm bảo lộ trình về đích NTM vào cuối năm 2015.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình kiểm tra giám sát năm 2015, ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã xây dựng chương trình và phân công thành viên kiểm tra, giám sát tại 11 huyện, thành phố.
(HBĐT) - Năm 2015, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được Sở LĐ-TB&XH triển khai 5 mô hình trên địa bàn các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và Lạc Sơn.