Vườn bưởi đỏ sai trĩu quả của ông Phạm Văn Mao, xóm Tân Hương, xã Thanh Hối (Tân Lạc).
(HBĐT) - Về vùng nông thôn của huyện Tân Lạc hôm nay, cuộc sống của bà con nông dân đã nhiều đổi khác, hàng trăm hộ có “của ăn, của để”, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, hộ trung bình nhờ chí thú làm ăn mà dần khấm khá. Nghị quyết Tăng cường lãnh đạo phát triển sản xuất hàng hoá bưởi đỏ, bưởi da xanh là một trong những “đòn bẩy” tạo nên diện mạo nông thôn tươi sáng đó.
Khi Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống
Nói về thực trạng sản xuất quả tươi, đặc biệt là bưởi ở huyện Tân Lạc những năm trước đây, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện nhận định: Sản xuất mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, khả năng đầu tư thâm canh thấp, năng suất chưa cao, chất lượng chưa đồng đều. Sở dĩ như vậy là do nhiều năm, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở chưa có chủ trương, giải pháp cụ thể để chỉ đạo phát triển bưởi đỏ, bưởi da xanh theo hướng hàng hoá. Trình độ sản xuất, nhận thức của nhân dân còn thấp.
Tháng 7/2013, BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 10 về Tăng cường sự lãnh đạo phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn, giai đoạn 2013 – 2020. Nghị quyết đã tạo chuyển biến bước ngoặt nhân rộng mô hình sản xuất, đảm bảo môi trường xanh, tăng thu nhập gắn liền với giảm khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng. Đặc biệt, Nghị quyết cụ thể hoá, khuyến khích nông dân chủ động lựa chọn đất trồng bưởi, cải tạo vườn tạp để trồng bưởi, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng thâm canh cao, khuyến khích trồng theo quy mô trang trại, tiến tới thực hiện sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn tại Việt Nam (VietGAP).
Cùng với việc ban hành Nghị quyết, huyện đã mở một đợt sinh hoạt tư tưởng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, xác định việc tổ chức, thực hiện là nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo. BCH Đảng bộ huyện phân công các đồng chí Uỷ viên BTV phụ trách vùng, huyện uỷ viên phụ trách xã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với địa bàn được phân công, thực hiện báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện nhiệm vụ với BTV huyện uỷ. Cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp là nòng cốt trong việc triển khai. Cán bộ, đảng viên phát huy vai trò đi đầu, gương mẫu trong tuyên truyền và thực hiện. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống KNKL, bằng vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, việc phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh được tổ chức tuyên truyền sâu rộng. Từ đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển cây trồng hàng hoá nói chung, cây bưởi đỏ, bưởi da xanh nói riêng.
Hình thành vùng cây đặc sản hàng hoá
3 năm sau ban hành Nghị quyết, tư duy của nông dân về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ kinh tế nông nghiệp đã thay đổi một bước. Nông dân các xã từ Thanh Hối, Đông Lai, Tử Nê, Mãn Đức, Quy Hậu, Phong Phú đến Lỗ Sơn, Gia Mô... đều tích cực hưởng ứng, cải tạo vườn tạp, tích tụ đất, ứng dụng KHKT để trồng bưởi da xanh, bưởi đỏ. Số hộ tham gia trồng bưởi giờ đã lên đến vài trăm, trong đó có 150 hộ trồng với diện tích từ 1.000m2 trở lên. Các hộ ông Trần Văn Hùng, ông Phạm Văn Mao ở xóm Tân Hương - xã Thanh Hối, ông Dương Văn Hào, trưởng xóm Lồ - xã Phong Phú là những đảng viên, nông dân đi đầu thực hiện.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Tân Lạc đã có 712 ha bưởi da xanh, bưởi đỏ, trong đó 200 ha đã khai thác quả, diện tích còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết. Với chất lượng được khẳng định, vùng chuyên canh bưởi lớn đang hình thành, từng bước tham gia vào thị trường của tỉnh và của miền Bắc. Cho đến nay, diện tích bưởi toàn tỉnh chủ yếu phát triển trên địa bàn huyện. Năng suất trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 150 – 200 quả thương phẩm, giá bán 15.000 đồng – 20.000 đồng/quả đối với bưởi đỏ. Bưởi da xanh do kỹ thuật trồng và chăm sóc khó hơn nên ít quả hơn, đổi lại giá bán bưởi da xanh so với bưởi đỏ lại cao gấp 4 – 5 lần.
Bưởi đỏ, bưởi da xanh vụ 2015 đã bắt đầu vào kỳ thu hoạch. Dự báo nguồn cung của nhiều năm tiếp theo vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số hộ trồng bưởi cho biết hiện nay toàn bộ vườn đã được khách hàng các tỉnh đặt mua hết. Thậm chí nhiều người tiêu dùng trong tỉnh không được thưởng thức bưởi đỏ, bưởi da xanh do không đủ cung cấp ra ngoài. 4 – 5 năm trở lại đây, trên địa bàn đã xuất hiện hàng chục hộ có thu nhập từ hơn 100 triệu đồng – 600 triệu đồng/vụ bưởi. Người dân vùng nông thôn trên địa bàn huyện rốt ráo đầu tư trồng bưởi, hộ trồng ít thì trồng chục cây, mỗi vụ thu về vài triệu đồng/cây bưởi đỏ. Hộ trồng nhiều thì 300 – 400 cây, hiện đã thu hàng trăm triệu đồng/vụ, tương lai vài năm tới ước thu tiền tỷ. Nhờ thế mà góp phần thực hiện tiêu chí NTM về phát triển sản xuất, thu nhập của dân cư nông thôn tăng nhanh, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các tiêu chí xây dựng NTM các xã được cải thiện và nâng lên, bình quân mỗi xã tăng 4,62 tiêu chí trong giai đoạn 2011 – 2015.
Nhằm xây dựng vùng sản xuất mang thương hiệu Tân Lạc ở những năm tiếp theo, UBND huyện đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong tổ chức chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch đến các tổ chức, cá nhân. Tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá tiến tới xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu là bưởi đỏ), tiếp cận thị trường trong tỉnh và Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nông dân hoặc tự tổ chức sản xuất, chủ động liên doanh liên kết với nông dân trong sản xuất. |
Bùi Minh
(HBĐT) - Ngày 20/10, Công ty BOT QL 6 đã thực hiện thu phí tại trạm thu phí km 42+730, QL 6. Mức thu phí được áp dụng theo Thông tư số 122/2015/TT-BTC, ngày 18/8/2015 của Bộ Tài chính quy định QL6.
(HBĐT) - Ngày 4/11, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với UBND huyện Cao Phong, kiểm tra tình hình phát triển sản xuất. Tham dự có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, KH&CN. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Cao Phong, toàn huyện hiện đã phát triển được trên 1.876 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam và quýt.
(HBĐT) - Có một thực tế đã từng diễn ra tại Lạc Sơn là do đồng cỏ khan hiếm nên bà con phải cắt cỏ ở bờ ruộng, thậm chí còn bón phân đạm cho cỏ để lấy thức ăn cho trâu bò. Thiếu thức ăn, chết rét…là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng từ năm 2000 đến nay, tổng đàn trâu, bò của toàn huyện giảm gần 3.700 con (năm 2000: 24.333 con; năm 2015: 20.664 con). Trong khi đó thì trâu, bò là loại gia súc “ăn cỏ, uống nước lã” dễ nuôi, ít bệnh tật, dễ bán, đem lại hiệu quả kinh tế cao…Trước thực tế này, Liên đoàn lao động huyện đã mạnh dạn đi đầu trong việc vận động hội viên, nhân dân trồng cỏ VA06, khôi phục và phát triển chăn nuôi đại gia súc.
(HBĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo về phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN).
(HBĐT) - Từ ngày 5/12/2015, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện 13 km, với địa hình phức tạp luôn tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở đất và trình độ dân trí vẫn còn nhiều hạn chế, xã Phúc Sạn (Mai Châu) gặp vô vàn khó khăn trong phát triển KT-XH, công cuộc xây dựng NTM ở địa phương này trở thành bài toán nan giải.