Môn cầu lông luôn thu hút đông người dân tham
gia tập luyện và thi đấu. ảnh: Các vận động viên tham gia thi đấu tại giải vô
địch bóng bàn, cầu lông tỉnh năm 2018.
Những năm qua, phong trào tập luyện TDTT cũng như thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” được gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… tạo bước phát triển mới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành. Phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư với những hoạt động phong phú, đa dạng. Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên như: bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, quần vợt... qua đó không chỉ tăng cường sức khoẻ cho mọi người mà còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội ở các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Mộng Long, Trưởng phòng Quản lý Nghiệp vụ thể thao (Sở VH-TT&DL) cho biết: Phong trào thể thao quần chúng luôn được quan tâm đầu tư, phát triển đồng đều và rộng khắp, đặc biệt là TDTT trong đồng bào dân tộc thiểu số, các môn thể thao dân tộc truyền thống được duy trì phát triển mạnh mẽ, gặt hái được nhiều thành tích trong các Hội thi thể thao khu vực và toàn quốc. Trong đó, các môn thể thao dân tộc truyền thống, thế mạnh của tỉnh như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ luôn được quan tâm đầu tư gặt hái được thành tích cao. Hằng năm, toàn tỉnh tổ chức gần 1.000 giải thể thao từ cơ sở đến cấp tỉnh. Bên cạnh đó, ngành văn hóa phối hợp với các sở, ngành phát động, tổ chức thành công nhiều giải Thể thao theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục TDTT, Liên đoàn thể thao Việt Nam và các ngành, địa phương có liên quan đăng cai tổ chức thành công từ 3 - 4 giải khu vực và toàn quốc như: Giải vô địch Xe đạp trẻ đường trường toàn quốc, vô địch xe đạp địa hình toàn quốc; giải Bóng chuyền trẻ Cúp các CLB toàn quốc, giải vô địch Bóng chuyền toàn quốc vòng loại; giải Bơi trung cao tuổi toàn quốc... Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã tổ chức các giải Vô địch cờ vua, cờ tướng; giải Karatedo Cúp các CLB mạnh tỉnh Hòa Bình mở rộng lần thứ I năm 2018; giải vô địch bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy và điền kinh vô địch… với sự tham gia của gần 1.300 lượt vận động viên, trao 72 bộ huy chương và phong đẳng cấp cho 308 vận động viên.
Để đáp ứng được nhu cầu tập luyện và nâng cao chất lượng phong trào TDTT, công tác quy hoạch đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cho hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở đã được quan tâm chú trọng. Nhiều huyện, thành phố đã quy hoạch đất cho các thiết chế thể thao, được xây dựng và sử dụng có hiệu quả, phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, thể thao ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 11 sân vận động, có 34 sân bóng mi ni (trong đó có 9 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo) 8 bể bơi (1 bể bơi đủ tiêu chuẩn), 108 sân bóng chuyền, 14 sân bóng rổ, 49 sân quần vợt, 1 sân golf và nhiều công trình thể thao khác có sự đóng góp đáng kể từ nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, các thiết chế thể thao cơ bản như sân vận động, nhà thi đấu TDTT, khu bể bơi, sân quần vợt, Trường năng khiếu TDTT... từ cấp tỉnh đến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện, tổ chức hoạt động TD-TT cũng như đăng cai tổ chức thi đấu các giải khu vực và toàn quốc.
Do đó, để phong trào TDTT tiếp tục phát triển rộng khắp, khẳng định vị thế của thể thao Hòa Bình trong khu vực và toàn quốc rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư nâng cấp, xây mới các thiết chế thể thao, đảm bảo tổ chức tập luyện và thi đấu các giải thể thao của tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Hồng Ngọc