Đoàn kết cùng lòng quyết tâm chính là nền tảng đầu tiên của sự
thành công. Thế cho nên, ngay từ giây phút đầu tiên nhận vai trò HLV trưởng đội
tuyển quốc gia, cựu chuyền 2 của bóng chuyền Hà Nội đã đặt niềm tin vào 2 trợ
lý là Lê Thị Hiền và Trịnh Nguyễn Hoàng Huy cùng sự công tâm và công bằng trong
vấn đề lựa chọn VĐV góp mặt trong màu áo đội tuyển.
Trước những giải đấu lớn, chưa bao giờ lực lượng đội tuyển bóng
chuyền nữ Việt Nam lại hao tổn nhiều đến như thế. Từ Ngọc Hoa, Hồng Đào, Ngọc
Diễm vì nhiều lý do khác nhau nói lời chia tay ĐTQG, tiếp đó là Đoàn Thị Xuân rồi
Phạm Thị Nguyệt Anh phải bỏ cuộc chơi vì chấn thương và tai nạn giữa chừng.
Cũng trong bối cảnh khó khăn đó, sau bao năm mòn mỏi tìm kiếm cơ hội,
cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng Đinh Thị Trà Giang đã được HLV Nguyễn
Tuấn Kiệt lựa chọn là thủ quân của đội tuyển. Bên cạnh đó, việc dùng người và sử
dụng con người là hết sức công bằng khi ai có năng lực tốt thì được vào sân chứ
không hề tồn tại khái niệm "quân anh, quân tôi” hay vùng miền trong thi đấu.
Tuy nhiên, đáng kể nhất có lẽ chính là việc dám mạnh dạn thay đổi
lối chơi có phần cũ kỹ và lạc hậu của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Nhiều
mảng miếng chiến thuật đã được áp dụng sao cho phù hợp với tầm vóc có phần yếu
thế của người Việt. Hơn nữa, việc quyết đoán trong việc dùng người và thay người
cũng là một điểm cộng cho HLV người Hà Nội chứ không hề dập khuôn máy móc cầu
đôi hay cầu ba.
Nhiều khán giả thừa nhận, cũng phải rất lâu họ mới được nghe một
HLV trưởng chỉ đạo cảm thấy đúng ý và có chuyên môn, thay vì điệp khúc cố lên,
cố lên hay mắng mỏ thì đó là những lời khuyên, sự căn dặn cần thiết, phân tích
điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ để có thể giành được chiến thắng.
Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: DŨNG
PHƯƠNG
Sau 2 năm, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cùng hai cộng sự Lê Hiền và Hoàng
Huy đã có thể ngẩng cao đầu khi chúng ta đã đánh bại được Indonesia ngay trên
chính sân nhà của họ. Thế nhưng bản thân HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cũng thẳng thắn
thừa nhận, muốn bóng chuyền nữ Việt Nam tiến xa hơn nữa trên đấu trường châu lục
sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó củng cố lại lực lượng, hoàn thiện lối
chơi, đầu tư cho các VĐV trẻ nhiều hơn những cơ hội được tập huấn và thi đấu là
việc làm cần thiết.
Theo SGGP