Còn hơn nửa năm nữa mới tới World Cup 2010 nhưng công tác chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất hành tinh này đã được Nam Phi hoàn tất. Vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu với những kế hoạch và cách thức phòng chống, đối phó hiện đại. Công nghệ cao cũng đã được áp dụng để phục vụ một mùa hè World Cup sôi động và an toàn.

Huy động tổng lực

Là quốc gia đầu tiên ở châu Phi được FIFA giao cho vinh dự đăng cai World Cup 2010, Nam Phi đã chi hàng tỷ USD cho công tác tổ chức trong đó công tác an ninh chiếm một phần không nhỏ. Thực ra, vấn đề phòng, chống khủng bố tại World Cup 2010 không đến nỗi căng thẳng như ở Euro 2008 hoặc World Cup 2006. Nhưng Nam Phi lại là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới và nỗi lo về an ninh nằm ở nguy cơ này.

Theo báo cáo được trình lên Quốc hội Nam Phi trung tuần tháng 11, Giám đốc điều hành Ủy ban tổ chức World Cup 2010 của Nam Phi (LOC) Danny Jordann cho biết, nước này đã hoàn thành xây dựng các sân vận động, công trình thể thao mới, xây thêm 25 khách sạn, đồng thời nâng cấp hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bổ sung nhiều máy bay lên thẳng và xe chở khách.

Kế hoạch tổng thể về bảo vệ an ninh cho World Cup trong đó có kế hoạch chống khủng bố, chống nạn "hooligan" và chống tội phạm cũng đã được FIFA đồng ý thông qua. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ an ninh còn chú trọng đến những lĩnh vực khác như tội phạm thẻ tín dụng, tội phạm trên mạng Internet và buôn lậu hàng giả.

Bộ trưởng Công an Nam Phi Nathi Mthethwa thì nhấn mạnh, Nam Phi sẽ áp dụng tất cả các biện pháp an ninh cần thiết để đảm bảo World Cup 2010 diễn ra an toàn. 14 cơ quan thuộc chính phủ đã phải vất vả làm việc trong 2 năm để lên kế hoạch bảo đảm an ninh cho lễ bốc thăm và vòng chung kết World Cup diễn ra trong thời gian một tháng bắt đầu từ ngày 11/6/2010.

Tư lệnh cảnh sát Nam Phi Bheki Cele cũng đã triệu tập cảnh sát trưởng các thành phố và khu vực tổ chức các trận đấu bóng đá quốc tế để triển khai các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh, trật tự cho sự kiện thể thao lớn này. Khoảng 200.000 cảnh sát, với trang bị hiện đại như súng nước, áo giáp, trực thăng, camera... sẽ được triển khai khắp nơi nhằm bảo vệ các khách sạn, sân vận động và những tuyến giao thông công cộng. Lực lượng cảnh sát và an ninh sẽ tiến hành một loạt chiến dịch truy quét tội phạm trên cả nước, nhất là tại các thành phố và khu vực tổ chức các trận đấu, nơi cư trú của các cổ động viên, khách du lịch.

Người dân sẽ được cung cấp những thông tin cần thiết về những địa điểm không nên đến hay tụ tập. Nước chủ nhà đã chi 1,3 tỷ rand (tương đương 117 triệu USD) để mua 100 xe chuyên dụng mới, tuyển thêm nhiều cảnh sát, huấn luyện họ kỹ càng và đầu tư mua sắm các công cụ hỗ trợ công nghệ cao.

Phát ngôn viên của Cục Cảnh sát Nam Phi (SAPS) Sally de Beer cho biết, SAPS, lực lượng vệ binh quốc gia, các cơ quan tình báo sẵn sàng đối phó với mọi nguy cơ, bất kể diễn ra ở đâu, trên đất liền, trên không trung hay trên biển.

Nam Phi đã xây dựng nhiều sân vận động mới để phục vụ World Cup 2010.

Kết hợp với các công ty an ninh

Ngoài các biện pháp an ninh nội địa, các cơ quan chức năng Nam Phi còn phối hợp với các nước láng giềng triển khai một số biện pháp nghiêm ngặt phòng chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia. Nam Phi cũng đã phối hợp với các đối tác quốc tế, trong đó có các quan chức đặc trách an ninh của giải Premier League của Anh để chuẩn bị ngăn chặn, đối phó với các hooligan.

Nhìn chung, năm nay, với người hâm mộ bóng đá Anh và Đức, chi phí di chuyển (sang tận Nam Phi để xem World Cup) gây không ít trở ngại.

Liên đoàn cổ động viên bóng đá Anh ước tính, số lượng khán giả Anh đến Nam Phi sẽ chỉ bằng 20% so với con số từ 85.000 cổ động viên Anh sang Đức xem World Cup 2006. Và cũng như World Cup 2006 và Olympic 2008, ban tổ chức World Cup 2010 đã nhờ đến sự trợ giúp của Interpol.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Bóng đá châu Âu và Nam Mỹ chính thức thuê các công ty bảo đảm an ninh tư nhân với những chuyên gia giàu kinh nghiệm để bảo vệ các cầu thủ và thành viên trong đoàn. Các công ty này có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho đội bóng bằng cách thiết lập vành đai bảo vệ, di chuyển bằng xe chống đạn, tư vấn bảo vệ chống cướp, bắt cóc và hỗ trợ nhanh trong mọi tình huống. Riêng Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) thì yêu cầu các tuyển thủ phải mặc áo chống đạn nếu họ có ý định ra khỏi nơi đóng quân.

Cảnh sát và các lực lượng an ninh Nam Phi luyện tập kế hoạch bảo vệ an ninh World Cup 2010.

Trả lời tạp chí Sport-Bild, Guenter Schnelle - người đứng đầu Công ty vệ sỹ BaySecur (công ty được thuê bảo vệ cho đội tuyển Đức) nói: "Việc các cầu thủ ra ngoài khu vực khách sạn sẽ được hạn chế tới mức tối đa. Mọi yêu cầu về an ninh sẽ được đẩy lên tới mức cao nhất: các nhân viên an ninh sẽ được vũ trang đầy đủ, còn các tuyển thủ sẽ phải mặc áo chống đạn".

Chưa hết, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nơi ăn chốn nghỉ của đội tuyển Đức tại Pretoria, DFB đang dự tính tuyển mộ thêm 20 vệ sỹ chuyên nghiệp. Trưởng ban an ninh của Liên đoàn Bóng đá Đức, Helmut Spahn cho biết: "Chúng tôi có thể sẽ huy động lực lượng nhiều hơn mức bình thường. Trước tiên chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá công tác an ninh nơi đội tuyển và giới truyền thông đóng quân. Tiếp đó, tùy vào tình hình mà chúng tôi sẽ xem xét có nên tăng cường thêm các biện pháp an ninh khác hay không".

Và những cảnh báo về tội phạm công nghệ cao

Ước tính, khoảng 450.000 người sẽ đặt chân đến Nam Phi để xem các trận đấu thuộc khuôn khổ World Cup 2010 và khoảng 200 triệu khán giả toàn cầu theo dõi qua tivi được truyền hình trực tiếp tới hơn 200 quốc gia trên thế giới. Với lượng khách du lịch tăng đột biến, hoạt động giao dịch và chi tiêu thông qua hệ thống điện tử ở Nam Phi do đó cũng tăng mạnh. Và họ sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với các băng nhóm tội phạm quốc tế công nghệ cao.

Các chuyên gia công ty an ninh máy tính quốc tế hàng đầu Kaspersky Lab nhận định rằng, các băng nhóm tội phạm công nghệ cao sẽ sử dụng nhiều biện pháp tinh vi để lấy cắp mã pin, mật khẩu và các thông tin nhạy cảm khác của khách hàng trong quá trình giao dịch bằng thẻ tín dụng, nhằm rút tiền trong các tài khoản.

Do vậy, trong thời gian diễn ra World Cup 2010, ngoài các mối đe dọa về an ninh trật tự, Nam Phi cần cảnh giác và sẵn sàng đối phó với nguy cơ tiềm tàng về an ninh mạng.

Điều này càng khiến nước chủ nhà như "ngồi trên lửa" bởi hàng tỷ con mắt trên khắp thế giới sẽ đổ dồn về họ trong vòng 1 tháng và một sai sót, dù là rất nhỏ, vẫn có thể khiến Nam Phi mất điểm. Vì thế, Nam Phi đã gồng mình, cố gắng chuẩn bị tất cả vì World Cup 2010 bởi đây không chỉ là cơ hội để nâng cấp hình ảnh quốc gia, mà nó còn là mốc son đánh dấu một chặng đường mới cho Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung.

Các con số thống kê cho thấy, ban đầu, Nam Phi dự kiến chỉ phải chi 228 triệu USD cho công tác tổ chức. Đến năm 2006, con số dự chi đã tăng vọt lên 821 triệu USD và nay, theo tính toán mới nhất, chi phí thực tế có thể là 7.980 tỷ USD

 

                                                                               Theo CAND

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục