(HBĐT) - Cách thành phố Hòa Bình khoảng 33 km, Thủ đô Hà Nội khoảng 100 km và từ QL 6 rẽ vào chừng 300 m là du khách đã đến với xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Đây là làng Mường cổ còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường.


Người dân xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đã được tập huấn các kỹ năng làm du lịch cộng đồng. ảnh: Gia đình bà Bùi Thị Quy chuẩn bị nơi nghỉ ngơi cho du khách.

 

Ngay từ đầu xóm ải, con suối trong vắt, chảy róc rách như chào đón du khách. Du khách có thể cảm nhận được không khí trong lành và thưởng ngoạn không gian làng Mường mộc mạc với những ngôi nhà sàn tựa lưng vào núi. Khu trung tâm của xóm có 34 hộ người dân tộc Mường. Các hộ đều lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống, có kiến trúc theo mô hình con rùa đã được ghi chép rõ trong cuốn sử thi nổi tiếng "Đẻ đất, đẻ nước”.

Du khách có thể dạo bước trên con đường nhỏ uốn lượn để thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ và dừng chân tại bất kỳ ngôi nhà sàn nào để tìm hiểu về văn hóa Mường. Người Mường nơi đây thân thiện, mến khách. Họ vẫn lưu giữ được nếp sinh hoạt truyền thống với bếp lửa, trang phục dân tộc và nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ như: Khung dệt, cối xay lúa, cối giã gạo, cung, nỏ, cuốc làm ruộng, nương rẫy…

"Người Mường ải tự hào lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Là một thầy mo, người am hiểu văn hóa Mường, tôi thấy có trách nhiệm và sẽ truyền dạy, nhắc nhở thế hệ sau lưu giữ bản sắc dân tộc Mường” – ông Bùi Văn Khẩn, người có uy tín của xóm ải chia sẻ.

Đồng bào Mường ải chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Đến với xóm ải, du khách có thể trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày cùng dân bản như: làm ruộng, trồng rau, đánh bắt cá, chăm sóc gia súc, gia cầm, hái măng, nhuộm vải… cùng gia chủ tự tay nấu các món ăn đặc trưng như: cá đồ, xôi nếp nương, thịt gà nấu măng chua… Học làm các sản phẩm thủ công truyền thống, đồ lưu niệm từ tre, luồng. Tham gia các trò chơi dân gian cùng người dân: đánh mảng, đẩy gậy, bắn nỏ… Đặc biệt, người dân xóm ải còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: những bài thường rang, bọ mẹng, hát đối, những áng mo, bài chiêng… Mỗi gia đình nơi còn lưu giữ từ 1-3 chiếc chiêng. Dàn chiêng của xóm có 21 chiếc. Xóm có 1 ông mo được công nhận là nghệ nhân, có đội văn nghệ và 1 đội bản âm phục vụ lễ tang, lễ hội.

Chị Đinh Thị Đưn, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm ải cho biết: Đội văn nghệ xóm có hơn 20 thành viên. Chúng tôi được luyện tập và luôn sẵn sàng phục vụ du khách với những tiết mục mang đậm bản sắc. Chúng tôi ý thức được cùng với không gian, cảnh quan, chiều sâu giá trị văn hóa chính là "chìa khóa” để phát triển du lịch cộng đồng.

Với những giá trị văn hóa độc đáo, năm 2008, xóm ải được Bộ VH -TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước. Năm 2014, UBND tỉnh đã công nhận điểm du lịch cộng đồng xóm ải. Mấy năm gần đây, xóm ải phong quang, sạch đẹp, người dân trồng hoa dọc các lối đi, trước hiên nhà. Tình trạng buộc trâu dưới gầm sàn, chuồng lợn, gà ngay sát nhà đã được thay đổi. Dân bản được tham gia khóa học làm homestay.

Bà Bùi Thị Quy, chủ Mường Bi homestay tâm sự: "Ngôi nhà sàn của gia đình tôi đã hơn 60 năm tuổi. Tôi vẫn giữ không gian ngôi nhà cổ. Giữ được bản sắc văn hóa truyền thống cũng chính là nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó vừa giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa Mường đến du khách, vừa tăng thu nhập. Chúng tôi đón khách bằng tấm lòng chân thành, mộc mạc nhằm đem đến cho du khách cảm nhận tốt đẹp, ấn tượng nhất. Từ năm 2015 đến nay, gia đình tôi đã đón nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành phố trong nước đến khách nước ngoài như: Pháp, Mỹ… và họ tỏ ra thích thú”.

 

Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Phát triển chữ Mường để hội nhập văn hóa thế giới

(HBĐT) - Chữ viết là công cụ lưu giữ, truyền tải văn hóa, tri thức của dân tộc từ đời này sang đời khác. Ngôn ngữ chính là linh hồn và bản sắc của dân tộc. Chữ viết có nhiệm vụ ghi lại linh hồn và bản sắc đó. Bộ chữ Mường ra đời đã khẳng định vị thế, vai trò của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, góp phần tích cực trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mường.

Lễ hội chùa Hang huyện Yên Thủy xuân Mậu Tuất

(HBĐT) - Trong 2 ngày 1 – 2/3 (tức ngày 14, 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại chùa Hang, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, UBND xã Yên Trị đã tổ chức lễ hội truyền thống Chùa Hang – Hang Chùa.

Chùa Tiên - điểm đến tâm linh dịp xuân về

(HBĐT) - Cứ mỗi độ xuân sang, hàng ngàn phật tử và du khách thập phương hành hương về lễ hội chùa Tiên (xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy). Ngoài mong muốn tìm về cõi tâm linh cầu phúc, cầu an cho gia đình, chùa Tiên còn là điểm du lịch hấp dẫn với hệ thống hang, động kỳ vĩ; điểm đến lý tưởng của những du khách ưa thích thám hiểm, khảo cổ, nghiên cứu dấu tích của người nguyên thủy.

Đắm say cùng điệu múa Sạp

(HBĐT) - Về thăm Hòa Bình vào những ngày xuân, ai nấy được hòa mình vào tiếng chiêng rộn rã của những lễ hội đầy bản sắc văn hóa, thưởng thức các món ăn dân tộc và nhâm nhi bên vò rượu cần trong ngôi nhà sàn. Không chỉ có vậy, nơi đây còn níu chân du khách bằng những điệu múa Sạp nồng say, khiến ai đã từng đắm chìm với nó hẳn sẽ không thể nào quên.

Tưng bừng Khai hội Đình Khênh

(HBĐT) - Ngày 1/3, huyện Lạc Sơn đã tổ chức khai hội Đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn). Dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành; huyện Lạc Sơn cùng đông bảo bà con nhân dân trong và ngoài huyện.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI

(HBĐT) - Hội văn học nghệ thuật tỉnh vừa phối hợp với trường THPT dân tộc nội trú tỉnh đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2018 tại với chủ đề "Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước". Dự ngày thơ có đồng chí Nguyễn Văn Chương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo các hội viên và người yêu thơ trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục