Du khách thăm quan, tìm hiểu giá trị các hiện vật triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật”.
Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam được xây dựng trong khuôn viên rộng 30 ha. Công trình gồm 4 khu vực chính: Khu trung tâm, khu vực hội nghị, hội thảo; khu ẩm thực, vui chơi, giải trí và khu sản xuất.
GS-TS Nguyễn Anh Trí, người sáng lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết: Dự án "Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam” được ra đời nhằm lưu trữ, bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, tư liệu và hiện vật cá nhân của các nhà khoa học Việt Nam. Dự án do Công ty TNHH Công nghệ và xét nghiệm y học (MEDLATEC) làm chủ đầu tư, được triển khai tại địa điểm thuộc xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong. Bằng những việc làm thể hiện ý nghĩa nhân văn và khoa học, Trung tâm dần nhận được sự tin tưởng của các nhà khoa học nói riêng và của xã hội nói chung. Các nhà khoa học và gia đình dần dần nhận thức đúng về giá trị xã hội của công tác nghiên cứu, sưu tầm di sản nhà khoa học cũng như trách nhiệm của nhà khoa học trong sự nghiệp cao cả này nên đã hợp tác, ủng hộ các hoạt động của Trung tâm, trao tặng Trung tâm nhiều tư liệu hiện vật liên quan đến lịch sử cuộc đời của nhà khoa học.
Đến nay, Trung tâm đã tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khoa học khác nhau; sưu tầm hàng vạn tư liệu bao gồm nhiều loại hình: các bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu... Tiến hành ghi hình hàng vạn phút phim tư liệu, ghi âm giọng nói, hình ảnh của các nhà khoa học để lưu trữ phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.
Nghiên cứu, tiếp nhận nhiều bộ sưu tập tư liệu quý của các nhà khoa học như: GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung, GS Chu Văn Tường, GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (y học), GS Đoàn Trọng Truyến (kinh tế học), GS.TS Phạm Đức Dương (ngôn ngữ học), GS Văn Tạo (sử học), GS.TS Lê Quang Long (sinh học), GS.TSKH Nguyễn Đình Ngọc, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (toán học), GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (dịa chất)...
Để tri thức, trí tuệ của các nhà khoa học đến được với người dân, giới nghiên cứu khoa học một cách rộng rãi hơn, Công viên di sản các nhà khoa học đã thường xuyên triển lãm, trưng bày hiện vật của các nhà khoa học.
Gần đây triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật” là một trong những hoạt động phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Theo kế hoạch, triển lãm kéo dài trong 1 năm và được mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Đây là lần thứ 2 Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam giới thiệu các kỷ vật của các nhà khoa học trong tổng số hơn 1.200 nhà khoa học mà Trung tâm đã tiếp cận nghiên cứu từ năm 2008 đến nay. Tại triển lãm, trung tâm đã lựa chọn từ kho lưu trữ giới thiệu các kỷ vật theo 3 chủ đề: học tập - lập thân - lập nghiệp; dóng góp - cống hiến - hy sinh; tình yêu đôi lứa, gia đình - quê hương.
Mỗi kỷ vật được giới thiệu tại triển lãm là một trang bản thảo, một mẩu giấy với vài dòng chữ, những cuốn sổ cũ, bức ảnh ố màu hay chiếc máy chữ hoen gỉ theo thời gian… nhưng đều ẩn chứa những câu chuyện cụ thể, phản ánh bối cảnh của từng giai đoạn lịch sử. Đó là những câu chuyện liên quan đến quá trình không ngừng nỗ lực học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức, chuẩn bị hành trang cho bản thân để phục vụ đất nước. Hay câu chuyện về quá trình nghiên cứu khoa học, sự sáng tạo, nghị lực vươn lên để có những thành công trong sự nghiệp và cả những câu chuyện cuộc đời như tình bạn, tình yêu, tình thầy trò của nhà khoa học.
Đức Anh