Các thành viên CLB nhạc cụ dân tộc xóm Đoàn Kết 2 – xã Phúc Tiến trong 1 buổi tập
Là thành viên chủ chốt của câu lạc bộ, ông Bùi Văn Lê năm nay đã 73 tuổi. Hiện tại, ông Lê là người cao tuổi nhất và chịu trách nhiệm truyền đạt lại những kinh nghiệm đã tích lũy bấy lâu nay của mình cho các thành viên.
Từ khi mới thành lập, câu lạc bộ chỉ vỏn vẹn có 15 người, bao gồm 5 người trong ban nhạc nhạc cụ dân tộc và 10 người đội múa phụ họa. Trong suốt 10 năm hoạt động, đến thời điểm hiện tại, câu lạc bộ đã có tới 35 thành viên. Ban nhạc của ông Lê gồm 5 thành viên chính với tuổi đời từ 55 – 73 tuổi. Mỗi thành viên đều nhận nhiệm vụ chơi 1 loại nhạc cụ như: sáo, đàn bầu, đàn nhị, trống... mọ người đều không được đào tạo qua một trường lớp chuyên nghiệp nào, chỉ là người này biết rồi truyền lại cho người kia và tự tập luyện với nhau. Tiếng đàn, tiếng sáo cùng những điệu múa uyển chuyển của các thành viên trong câu lạc bộ đã góp vui trong nhiều buổi giao lưu văn nghệ của xóm, xã và giao lưu giữa các huyện.
Ông Bùi Văn Lê cho biết: "câu lạc bộ của chúng tôi thường chỉ họp mỗi tuần một lần. Ban ngày các thành viên còn bận đi làm nên chỉ tập trung vào các buổi chiều, buổi tối. Chiều thì đánh bóng chuyền, tối mới nhảy, múa, ca hát. Khi nào có dịp giao lưu, cần phải chuẩn bị, tập duyệt các tiết mục thì họp thường xuyên hơn. Một số tiết mục thường được ban nhạc biểu diễn đó là: Đẻ đất đẻ nước, lưu thủy, Giang Nam, đêm khuya, đi đường...”.
Mỗi buổi tập luyện của câu lạc bộ hết sức đơn giản. Với một chiếc đài cassette cũ, các thành viên với nhạc cụ của mình, nhạc nổi lên, đội múa phụ họa bắt đầu động tác múa dân gian mềm mại với trang phục đầy bản sắc của những cô gái Mường.
Bác Đinh Thanh Vận – thành viên câu lạc bộ chia sẻ: "Được nghe tiếng đàn, tiếng hát, tôi cảm thấy cuộc sống vui tươi hơn, quên đi tuổi già. Những buổi tập luyện giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn, qua đó nuôi lớn tình yêu nhạc cụ dân tộc trong mỗi con người”.
"Hầu hết các thành viên chúng tôi đều rất mong muốn được truyền lại nhiệt huyết đang sôi sục trong tim cho thế hệ trẻ của xóm. Nhưng một phần do xã hội phát triển, nhiều những thú vui giải trí mới ra đời, cộng thêm thiếu thốn về vật chất, và các cháu còn bận đi học, đi làm, nên việc truyền dạy còn gặp khó khăn. Nếu được chính quyền quan tâm đầu tư mở lớp học, các cháu có nguyện vọng được tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền của dân tộc, chúng tôi rất sẵn lòng truyền lại những kinh nghiệm quý báu nhất mà mình tích lũy được từ bao nhiêu năm. Tre già rồi thì măng mọc. Chúng tôi sẽ cố hết sức để thế hệ đi sau bảo tồn nguyên vẹn giá trị của âm nhạc dân tộc” – Đinh Thế Danh – thành viên câu lạc bộ cho hay.
(sinh viên lớp Báo in K34A2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền)