(HBĐT) - Trong không khí ngày 30/4 lịch sử, chúng tôi về thăm Đình Lập (xóm Lập, xã Lập Chiệng, Kim Bôi) nơi diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Hòa Bình lần thứ nhất.


Đình Lập (xóm Lập, xã Lập Chiệng, Kim Bôi) là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình trong những năm kháng chiến.

Đình Lập được xây dựng trên diện tích 2.000 m2, mặt trước hướng về phía Nam, mặt sau dựa lưng vào Núi Vèn uy nghi, bề thế. Đình được thiết kế 1 tầng gồm có 5 gian, 4 lối đi xung quanh. Đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lập Chiệng cho biết: Đình Lập (trước thuộc xã Hạ Bì) xây dựng vào năm Quý Tỵ - 1893 với mục đích thờ cúng Thành Hoàng làng và là nơi để nhân dân hội họp, bàn việc làng. Trước năm 1945, người dân Lập Chiệng sống dưới chế độ phong kiến lang đạo, nhân dân lao động bị bóc lột đến tận xương tủy. Tính trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân phải lao động không công cho nhà lang 169 ngày, đóng góp cho lang 182 đấu thóc, chưa kể thuế đinh, thuế điền... Ngoài ra, phong kiến lang đạo còn tổ chức hội hè đình đám, tiệc làng rồi ra sức bày đặt mọi thứ biếu xén, lễ lạt, đẩy nhân dân lao động vào sự khốn cùng.

Năm 1945, cả nước sôi sục khí thế cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền khỏi tay bọn thực dân. Dưới sự điều hành, tổ chức của đoàn cán bộ Việt Minh châu Lương Sơn, trong thời gian ngắn, xã đã hình thành được các đoàn thể cách mạng: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc..., đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Tháng 8/1945, Đình Lập là nơi tập kết của đội Việt Minh châu Lương Sơn đi cướp chính quyền tổng Kim Bôi. Sau đó, xã bộ Việt Minh cùng đông đảo nhân dân xuống từng xóm, vào từng nhà hào lý tịch thu tài sản, sổ sách, bằng sắc, giấy tờ... giải phóng nhân dân xã Lập Chiệng khỏi chế độ lang đạo hà khắc. Sau đó, nhân dân xã Lập Chiệng thay nhau làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự xóm làng, bảo vệ thành quả cách mạng.

Tháng 7/1947, Đình Lập là nơi đón tiếp đặc phái đoàn T.ư về kinh lý tỉnh Hòa Bình do đồng chí Hoàng Quốc Việt, UVT.ư Đảng dẫn đầu. Tiếp đó, từ ngày 21 - 25/5/1948, Đình Lập vinh dự tổ chức Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Hòa Bình lần thứ nhất. Đồng chí Đào An Thái được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Đó là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Đảng bộ xã Lập Chiệng nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.

Tháng 7/1950 và 6/1965, Đình Lập 2 lần vinh dự được đón tiếp Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông-Khăm-Say, Chủ tịch nước CHDCND Lào về trao đổi, nghiên cứu về đường lối cách mạng Việt Nam. Từ năm 1957-1978, Đình Lập là trụ sở làm việc của cơ quan Đảng, chính quyền xã Lập Chiệng. Đây còn là nơi nhân dân xã Lập Chiệng tiễn chân hàng trăm con em trong xã lên đường nhập ngũ đánh giặc, góp phần làm nên danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước trao tặng năm 1998 cho xã Lập Chiệng.

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân xã Lập Chiệng, UBND huyện Kim Bôi có Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 20/8/2008 về việc phê duyệt xây dựng Đình Lập trở thành "Nhà truyền thống cách mạng xã Lập Chiệng”. Hiện nay, Đình Lập là nơi lưu giữ những kỷ vật của một thời cách mạng, nơi tụ họp của nhân dân và cán bộ xã Lập Chiệng trong các dịp lễ, tết... đặc biệt là lễ hội Đình Lập được tổ chức vào mùng 8 tháng giêng hàng năm.

Tiếp nối truyền thống hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lập Chiệng ngày nay không ngừng trưởng thành và phát triển, ra sức thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh.

Đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lập Chiệng cho biết: "Nhân dân xã Lập Chiệng hôm nay và mai sau mãi vinh dự, tự hào về truyền thống cách mạng trên mảnh đất quê hương mình. Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lập Chiệng sẽ ra sức học tập, thi đua, phát huy truyền thống hào hùng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”.

Hoàng Anh


Các tin khác


Về Liên Vũ xem phụ nữ đánh mảng

(HBĐT) - Không còn là trò chơi dân gian trong dịp lễ, Tết, đánh mảng giờ đây được coi là môn thể thao yêu thích của phụ nữ xóm Cả - xã Liên Vũ (Lạc Sơn). Trò chơi này được mọi người từ già tới trẻ biết đến và tổ chức chơi vào mỗi buổi chiều ở các khoảng sân rộng trong xóm.

Giao lưu văn nghệ “Chung sức xây dựng nông thôn mới” tại huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Vừa qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Lạc Sơn tổ chức 2 đêm tuyên truyền Giao lưu văn nghệ chủ đề "Chung sức xây dựng nông thôn mới” tại 2 xã Tự Do và Tân Mỹ (Lạc Sơn).

Giỗ tổ Hùng Vương - lễ trọng bậc nhất quốc gia

(HBĐT) - Từ xa xưa, trong tâm thức của người dân Việt Nam luôn âm vang câu ca: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Câu ca ấy nhắc nhở về cội nguồn, đạo lý thủy chung phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra hoạt động văn hóa, du lịch

(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều loại hình như quảng cáo, karaoke, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử, lễ hội... bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa, du lịch được ngành chức năng tăng cường, đẩy mạnh thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực, bảo đảm hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, đi vào nề nếp.

Khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival Huế 2018

Chiều 23-4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban tổ chức Festival Huế 2018 và Tập đoàn Viễn thông (VNPT) chi nhánh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Lễ khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival năm 2018 tại số 1 Phan Bội Châu (TP Huế).

Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Ngày 23-4 (tức ngày mồng 8-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên của các xã, phường vùng ven Khu di tích và Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục