(HBĐT) -Nếu bạn về thôn Bá Lam 2 (xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn) với mong muốn tìm hiểu một dấu tích lịch sử xưa cũ, khi hỏi thăm đường đến Thành cổ nhà Mạc để chắc chắn hơn, bạn hãy hỏi những người lớn tuổi. Bởi, rất nhiều người dân nơi đây không hề biết địa điểm này, nhất là những người trẻ. Thậm chí, cả những người vẫn thường xuyên qua đoạn đường này cũng không hề hay biết cái cổng cũ kỹ này hay khuôn viên giờ là ao sen ngập nước chính là một phần quan trọng còn sót lại của Thành nhà Mạc. 


Cổng thành phía Tây là dấu tích rõ ràng nhất còn sót lại của khu Thành nhà Mạc tại xã Cao Thắng (Lương Sơn) - di sản lịch sử và văn hóa rất cần được bảo tồn.

 

Hồn xưa, dấu cũ còn không?...

 Có lẽ "biết” nhiều nhất về Thành nhà Mạc ở xã Cao Thắng là những người dân sinh sống gần đấy nhất như chị Nguyễn Thị Khiến (xóm Bá Lam 2). Nhà chị ở ngay trong ngõ nằm sát con đường nhỏ dẫn vào khuôn viên tòa thành. Thế nhưng, hiểu biết của chị Khiến chỉ đơn giản là cái tên và đôi ba thông tin mơ hồ nghe từ người này người khác kể lại. Chị Khiến cho biết: Đây là tòa thành đã có tuổi đời mấy trăm năm. Tuy bằng mắt thường nhìn thấy thì dấu tích còn sót lại không nhiều nhưng nghe đâu qua mấy đợt thám sát của đoàn cán bộ nghiên cứu chuyên ngành, người ta đã tìm hiểu được nhiều thông tin quan trọng lắm...

 Không biết những thông tin đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Còn với đa số người dân địa phương như chị Khiến, hiểu biết về thành chỉ rất đơn thuần: Đây từng là căn cứ quân sự được xây dựng từ thời nhà Mạc, tức trong khoảng nửa sau thế kỷ 16 đến thế kỷ 17.

 Cố công gặp gỡ thêm dăm ba người nữa để tìm hiểu rõ hơn về tòa thành, tôi không tránh khỏi sự hụt hẫng vô ích và cuối cùng quyết định tự mình khám phá nơi này - đúng như một người khách phương xa hoàn toàn không biết gì về nơi mình đang đặt chân đến. Con đường nhỏ dẫn tôi vào cổng thành. Chiếc cổng cuốn vòm hướng về phía ông mặt trời lặn, cao khoảng 6 m, rộng gần 20 m, xây bằng gạch đất sét nung đỏ hay còn gọi là gạch bát. Mang đậm dấu ấn của thời gian, cổng bị nhiều cây cỏ, dây dại và rêu phong che phủ, bụi và mùn của lá cây bám dầy đặc nhiều lớp trên nóc và tràn xuống cả bờ tường. Nhìn tổng thể, cổng được xây dựng là một khối trụ vuông, tường dày, bốn góc phía ngoài có chân đua ra như để trụ cho thêm phần chắc chắn.

 Bước qua cổng, tôi đặt chân vào khu vực trong của thành. Phóng tầm nhìn rộng khắp để thu vào mắt một khoảng không gian thật mát và xanh. Tôi đi men theo con đường phía bên phải có hàng cau to vươn thẳng thắp dọc hai bên. Khuôn viên vẫn thế - nhiều cây xanh và mang lại cảm giác thật yên bình. Nền đất ẩm sau cơn mưa ngâu tháng 7 làm nồng hơn mùi man mác dễ chịu. Tôi lang thang trong khuôn viên đó gần 1 tiếng đồng hồ, đắm mình vào thiên nhiên, say sưa ngắm nhìn những đoạn tường thành bằng gạch đỏ và đá ong cũ kỹ, tưởng tượng vào mấy trăm năm trước chúng tươi mới và vững vàng đến mức nào và bâng khuâng nhớ đến những câu thơ đầy hoài niệm: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...”.

 

Cần bảo tồn di sản đã có gần 400 năm!

 Trở về với tâm trạng bâng khuâng và tiếc nuối, may mắn thay, tôi tiếp cận được những tài liệu do cán bộ Bảo tàng tỉnh cung cấp về kết quả nghiên cứu thuộc Đề tài khoa học: "Thám sát, điều tra nghiên cứu và đề xuất phương án bảo tồn thành cổ tại xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh Hòa Bình xếp loại xuất sắc.

 Theo đó, trong 2 năm 2016-2017, những người thực hiện đề tài gồm cán bộ Bảo tàng tỉnh và cán bộ Trung tâm Tiền sử Đông Nam á đã cùng nhau tiến hành điều tra, thám sát, thu thập hiện vật, nghiên cứu kiến trúc còn sót lại để làm rõ nguồn gốc, chủ nhân, giá trị của ngôi thành cổ đang ngự tại xã Cao Thắng. Đoàn đã tiến hành rà soát toàn bộ bề mặt thành cổ, lật tìm kỹ các dấu vết kiến trúc, đào thám sát làm xuất lộ các di vật. Qua đó đã thu thập được 345 hiện vật, bao gồm các hiện vật đá, gạch tổ ong, gạch đỏ, xương, gốm, sành, sứ, thủy tinh và cả hiện vật kim loại. Đáng chú ý nhất là một số mảnh gốm phát hiện ở trong đất lấp hố móng tường thành phía Tây và bên dưới nền sét vàng ở nền đường phía cổng thành phía Nam cũng như dưới nền đường trên trục Tây - Đông. Chính phát hiện này đã giúp định tuổi tòa thành, cho thấy tòa thành đã được khởi dựng từ thời nhà Mạc, tức trong khoảng nửa sau thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, đến nay có niên đại gần 400 năm. Chủ nhân của Thành chính là nhà Mạc trong chiến lược chốt chặn con đường thượng đạo thông với miền Hà Trung, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) do các tướng Trịnh, Nguyễn phù tá Lê Trung Hưng làm căn cứ. Kiến trúc hiện giờ là kiến trúc Vauban thời nhà Nguyễn. Thành được xây dựng bằng gạch đỏ và đá ong, từ đó đến nay chưa được tu bổ lần nào.

 Được biết, qua kết quả nghiên cứu, những người thực hiện đề tài khoa học trên đã đề xuất cụ thể các phương án bảo tồn Thành nhà Mạc ở xã Cao Thắng với mong muốn gìn giữ và phát huy hiệu quả những giá trị đã có hàng trăm năm của di sản đặc biệt này. Các phương án này rất cần được triển khai, càng sớm càng tốt, trước khi những dấu tích còn sót lại hiện nay tiếp tục bị xóa mờ bởi thời gian và sự quên lãng của con người. Cần lắm, trước khi quá muộn!

 

                                     Thu Trang

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục