(HBĐT) - Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, các gia đình người Mường thường dựng cây nêu, vật nêu trước nhà hay ngoài cổng, trong miếu thờ thổ công, chuồng trại gia súc...


Vùng người Mường ở Lạc Sơn vào những ngày Tết có tục làm cây nêu bằng cây vầu, cây sặt hoặc cây trúc... Những cây nhỏ được chặt nguyên cả cây, tước bớt các cành lá xuề xòa, để nguyên ngọn. Nêu là cây to như cây bương thì chỉ lấy cành...

Vị trí cắm cây nêu ở trước sân hoặc ngay cửa ngõ đi vào nhà. Nhiều gia đình chặt hai cành bương cắm hai bên cổng, thậm chí cho bẻ vin lại với nhau. Ý nghĩa nhằm trừ tà, chỉ cho tổ tiên vào nhà, các loại quỷ, cô hồn, ma lang thang... không cho vào nhà.

Ở huyện Lạc Sơn vào ngày 27 tháng Chạp, khi vào phát cây, quét dọn khu mộ chuẩn bị đón Tết, trước khi ra về mọi người nói to, dặn tổ tiên dưới các ngôi mộ: "Hôm nay ngày hai mươi bảy tháng Chạp, ba ngày nữa đến ba mươi Tết, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Thấy nhà mình có cây nêu thì vào, chớ vào nhà khác". Như vậy trồng cây nêu nhằm báo hiệu với trời đất ngôi nhà có chủ, xua đuổi quỷ dữ, tà ma, là dấu hiệu báo Tết đến để tổ tiên biết đường về nhà.

Nói về nguồn gốc cây nêu, truyền thuyết kể rằng, từ lâu lắm rồi, khi đó lũ ma quỷ hỗn mang hoành hành gây nên bao tai ương trên đất Mường. Theo lệnh của Mệ Vua Woàng Bà (Quốc Mẫu Hoàng Bà), nhiều nơi trong lời khấn tôn gọi là Phật Bà (Phật của người Mường), con dân đất Mường khắp nơi gia nhập các đội quân đánh quỷ do Mệ Vua thành lập. Các đội quân đều có cồng chiêng, lệnh đồng, vừa đánh quỷ vừa tấu chiêng dậy đất. Lũ quỷ thua trận bỏ chạy đến đâu, theo phép Mệ Vua dân Mường cho cắm cây nêu nhận và giữ đất đất đến đó.


Ba cây nêu lớn được dựng ở sân đình Cổi thuộc xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn trong lễ hội dân gian mở 3 năm một lần.

Trừ giặc quỷ xong, người Mường làm lễ tạ ơn trời, đất, thần linh và Phật bà, họ mong thần linh và Phật bà mãi phù hộ được yên lành, nên nghi lễ này còn được dân gian gọi là lễ cầu yên. Trong buổi lễ, Phật bà nói "Cứ nơi nào có nêu là đất của Phật, lũ quỷ không được xâm phạm tới”.

Truyền thuyết trên có liên quan đến cả sự tích Sắc bùa, song cho thấy việc sử dụng cây Nêu có ý nghĩa sự đánh dấu, nêu nhận lãnh thổ, đất đai của Mệ Vua. Từ đó về sau cứ vào dịp Tết đến, xuân về, các gia đình người Mường lại cắm cây nêu để tưởng nhớ công ơn Mệ Vua Hoàng Bà đã có công đánh quỷ và cũng là để trấn tà ma, không cho vào nhà quấy nhiễu trong những ngày Tết.

Trong các nghi lễ làm chay, tạ mả... khi khấn Mệ Vua Hoàng Bà người Mường đều cho cắm cây nêu, trên buộc dải vải trắng, ngày nay gọi là cờ nhà Phật. Lá cờ đó báo rằng trong các nghi lễ này có mời nhà Phật về "giám binh, chính quả” đuổi tà ma.

Đặc biệt, trong đình Cổi ở xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn là nơi thờ Mệ Vua Hoàng Bà và các con gái của Mệ Vua là những người có công dạy dân Mường biết trồng lúa nước. Đình mở hội 3 năm một lần vào ngày mồng 7 khai hạ, tức mồng 8 tháng giêng âm (lịch Mường lui 1 ngày). Tại sân đình Cổi có 3 cây bương lớn, trên treo 3 dải vải trắng, dân gian Mường gọi là cờ nhà Phật, song thực ra đó chính là cây nêu.

Như vậy, trong truyền thuyết, cổ tích dân gian Mường đã lý giải tại sao ngày Tết phải cắm nêu, treo cành trúc trước nhà. Cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người.

Đối với nêu làm bằng cây lau. Vào các ngày Tết, người Mường Lạc Sơn thường lấy cây lau làm cây nêu trước cửa nhà, gọi là Bé Bẹm - bẻ Bẹm làm nêu. Ngày bắt đầu dựng nêu vào khoảng 23 tháng chạp trở đi.

Ngoài ra, còn loại nêu phổ biến của người Mường trong dịp Tết Nguyên đán đó là tấm đan thưa hình các ô mắt cáo.

Như vậy, nêu có nhiều loại, loại nêu bằng tre, trúc, vầu, sặt, loại bằng cây lau bẻ hình số 4 và tấm đan các ô mắt cáo. Loại nêu bằng tre, trúc được phân làm 2 loại, loại nhà dân thờ chỉ cần vạt bỏ đi chút lá bên dưới, để nguyên lá bên trên, trong những ngày Tết được cắm trước nhà, trước sân.

Loại nêu dùng trong lễ hội, thờ tự tín ngưỡng có buộc thêm dải vải trắng để buông xuống tự nhiên.

Như vậy, việc làm cây nêu ngày Tết của người Mường có ý nghĩa là sự trấn trị ma quỷ bảo vệ nhà cửa, con người. Đó cũng là cầu mong nhà cửa, gia đình sang năm mới được yên lành. Đây chính là biểu tượng văn hóa dân gian giàu tính nhân văn của người Mường.


Bùi Huy Vọng

(Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, Lạc Sơn)


Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục