Bản du lịch cộng đồng xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) lưu giữ bản sắc dân tộc để phát triển du lịch.
Huyện Tân Lạc là vùng đất của những lễ hội nổi tiếng như lễ hội Khai hạ, lễ hội đánh bắt cá suối xã Lỗ Sơn... Trên địa bàn có nhiều hang động, danh thắng đẹp như động Hoa Tiên (xã Ngòi Hoa), động Tớn (xã Nam Sơn), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, núi Cột Cờ (xã Địch Giáo), thác Trăng (xã Do Nhân), hang Muối (thị trấn Mường Khến), làng Mường cổ xóm Ải (xã Phong Phú)... Những năm gần đây, huyện chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Ngày 21/7/2018, Huyện ủy Tân Lạc ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban chức năng tổ chức thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch.
Trong quy hoạch phát triển du lịch, Tân Lạc định hướng vùng ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển thành điểm du lịch là: thị trấn Mường Khến, khu vực Mường Bi, Mường Khơi, Trung Hòa - Ngòi Hoa, Lũng Vân - Nam Sơn. Các phân khu phát triển hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch cũng được xác định, gồm không gian phía Bắc với các xã: Phú Cường, Ngòi Hoa, Trung Hòa, Phú Vinh; phía Nam gồm các xã: Phong Phú, Địch Giáo, Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, Ngổ Luông; không gian trung tâm gồm: thị trấn Mường Khến, các xã Quy Hậu, Mãn Đức… Vùng động lực phát triển du lịch của huyện là vịnh Ngòi Hoa, khu vực hồ Trọng và 5 xã vùng cao của huyện. Từ định hướng đó, huyện đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch, bước đầu tạo được những tín hiệu khả quan. Nhận thức, tư duy, cách làm du lịch đang được khởi động tích cực. Hoạt động, diện mạo du lịch của huyện có sự thay đổi rõ rệt. Toàn huyện có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 7 cơ sở lưu trú, 2 điểm du lịch cộng đồng.
Trên địa bàn huyện đã hình thành một số điểm thu hút đông du khách thăm quan, trải nghiệm, như: bản Ngòi, xã Ngòi Hoa; làng Mường cổ xóm Ải, xã Phong Phú; đèo Đá Trắng, xã Phú Cường; xóm Chiềng, xã Lũng Vân; xóm Tớn, xã Nam Sơn; xóm Thung, xã Quyết Chiến; xóm Bưởi, xã Phú Cường... Số lượng khách, doanh thu du lịch của huyện có chuyển biến tích cực. Năm 2018, tổng lượng khách đến huyện đạt 106.466 lượt, tăng 11.737 lượt so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế 2.810 lượt, khách nội địa 103.656 lượt. Doanh thu đạt 16.766 triệu đồng, tăng 5.810 triệu đồng so với năm 2017. Tổng thu nhập du lịch đạt trên 30.178 triệu đồng, tăng trên 10.458 triệu đồng so với năm 2017.
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu triển khai các dự án phát triển du lịch trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 9 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Trong đó 5 dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Ngòi Hoa vốn đầu tư 800 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên thung lũng mây tại xã Quyết Chiến vốn đầu tư 130 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái và tâm linh Thung Khe - Tân Lạc - Hòa Bình tại xã Phú Cường vốn đầu tư 299,456 tỷ đồng; dự án đầu tư du lịch sinh thái Ngòi Hoa tại xã Ngòi Hoa vốn đầu tư 474,719 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa tại xã Ngòi Hoa vốn đầu tư 125 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Tân Lạc đang phối hợp với các ngành chức năng ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch. Chú trọng công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch bảo đảm tiến độ đề ra. Chú trọng hỗ trợ người dân các xóm, bản phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho khách du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, phong cảnh thiên nhiên. Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như su su, bưởi đỏ, các loại nông sản, món ăn dân tộc, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, văn hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Linh Trang