Đội văn nghệ xóm Nà Mặn, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) biểu diễn văn nghệ trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.
Đồng bào Tày ở huyện Đà Bắc chiếm số đông là người Tày - Thái, một bộ phận là người Tày ở tỉnh khác di cư đến. Dù là người bản địa hay người từ nơi khác chuyển đến thì bộ trang phục của họ vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống của đồng bào Tày.
Theo quan sát của chúng tôi, nam giới thường ít mặc trang phục truyền thống hơn nữ giới. Tuy vậy, trang phục nam với áo, quần, khăn chít đầu, khăn thắt lưng và đặc biệt là trang phục của thầy mo cũng có những nét đẹp riêng ẩn chứa trong từng chi tiết. Chiếc áo của nam thường dài đến ngang hông, cổ đứng cao chừng 3 cm, xẻ ngực và cài bằng khuy vải. Chất liệu làm từ vải bông tự dệt, nhuộm chàm hoặc chàm đen với tay áo may bó, ống tay áo hẹp. Trước kia, nam giới mặc áo cài khuy trên vai và bên sườn phải, để tóc dài búi sau gáy, ngày nay có chút thay đổi với vạt áo dọc ngực vì người con trai thường để tóc ngắn. Đi liền với áo là chiếc quần ống rộng và đứng, bằng vải mộc màu trắng hoặc xanh chàm. Khi mặc cạp buộc túm trước bụng, định vị bằng sợi dây vải, gọi là khăn thắt lưng có màu hoa thiên lý hoặc hồng nhạt. Tuy nhiên, nam giới thường chỉ sử dụng khăn thắt lưng khi đi lễ hội hoặc biểu diễn văn nghệ.
Khác với trang phục nam giới, trang phục nữ cầu kỳ hơn với 3 loại áo, gồm áo ngắn, áo ngắn sẻ ngực không cài khuy và áo dài; khăn đội đầu; yếm; váy và dây lưng lụa. Thưởng thức tiết mục múa "Điệu xòe thương nhau” do các cô gái của đội văn nghệ xóm Nà Mặn, xã Mường Chiềng biểu diễn với những sắc màu rực rỡ trên từng bộ trang phục, chị Xa Thị Thay, đội trưởng đội văn nghệ cho biết: "Những bộ trang phục của phụ nữ Tày không chỉ đa dạng màu sắc mà còn thể hiện nét duyên dáng của phái đẹp trên từng chi tiết. Các thiếu nữ thường mặc những bộ đẹp nhất của mình trong dịp Tết, các ngày lễ hội truyền thống. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ Tày vẫn sử dụng trang phục truyền thống như để tôn vinh vẻ đẹp của trang phục cũng như gìn giữ nét đẹp văn hóa riêng”.
Điểm nổi bật trong trang phục là áo ngắn tay may chật, cổ áo tròn, xẻ ngực từ cổ áo xuống đến cạp váy đính hai hàng khuy bạc hình đôi bướm hoặc hình đôi ve sầu. Áo ngắn thường bố trí khuy lẻ đôi như 5 đôi, 7 đôi, 9 đôi. Chất liệu bằng vải mỏng, áo được may bởi chính những đôi tay khéo léo của người phụ nữ Tày. Đi kèm với áo là chiếc yếm như một tấm áo ngắn không may tay, có màu hồng và đen, cổ yếm đính hạt kim sa. Chiếc váy màu đen tuyền hoặc xanh chàm, gồm 2 loại váy cạp thêu và váy cạp hoa chìm. Những chiếc khăn piêu đội đầu đủ loại họa tiết thể hiện đặc trưng văn hoá, đồng thời cũng thể hiện kỹ năng thêu thùa khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Tày. Tô điểm thêm cho bộ trang phục là dây lưng lụa và những món đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn vàng hoặc bạc.
Trang phục đặc trưng của dân tộc Tày được gìn giữ và phát huy như điểm tô cho bức tranh về bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Những nét đẹp truyền thống trong từng bộ trang phục đi liền với lịch sử hình thành và phát triển của đồng bào Tày cần được tiếp tục bảo tồn, phát huy, đem lại giá trị vĩnh cửu cho các thế hệ sau tiếp nối.
Thanh Sơn