Tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ trong ngày hội làng
Theo chân bà Ký, tôi trực tiếp đến dự buổi sinh hoạt của câu lạc bộ tại nhà văn hóa, được nghe những bài hát hát dân ca Mường cổ mà tôi được bà ru hồi bé. Theo lời bà chia sẻ, từ những trăn trở về sự mai một dần của văn hóa Mường cổ, mà lớp trẻ thì lại quá thờ ơ với những giá trị truyền thống, Trung tâm học tập cộng đồng thuộc Ủy ban nhân dân xã Kim Bình (huyện Kim Bôi) quyết định thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường. Được biết Câu lạc bộ được thành lập vào tháng 5/2014 với 1 chủ nhiệm và 2 phó chủ nhiệm. Khi mới thành lập, Câu lạc bộ có 23 thành viên, hiện nay đã tăng lên 30 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, trong đó có cả các em thiếu niên nhi đồng.
Chia sẻ với tôi về quá trình hoạt động của câu lạc bộ, bà Ký cho biết : Để có được những thành quả như ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất đó chính là chi phí ban đầu của câu lạc bộ hạn hẹp, có những khoảng thời gian chúng tôi phải vận động sự đóng góp của các ban ngành đoàn thể trong xóm và các thành viên trong câu lạc bộ, nhạc cụ và trang phục chủ yếu là tự làm và mang đi. Bên cạnh đó, việc bất đồng ngôn ngữ giữa các thành viên cũng là khó khăn lớn, một số thành viên là người dân tộc Kinh nên việc tìm hiểu về văn hóa Mường không hề đơn giản. Khó khăn nhất vẫn là sự thờ ơ của lớp trẻ đối với văn hóa dân gian của dân tộc gây ra không ít trở ngại cho chúng tôi khi truyền đạt lại cho các cháu. Nhưng rất may mắn cho chúng tôi khi nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của các ban ngành đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã, sự ủng hộ của cộng đồng và sự đồng lòng của các thành viên trong câu lạc bộ đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục cố gắng”
Em Bùi Diệu Linh (14 tuổi, thành viên câu lạc bộ) chia sẻ: Hồi bé em thường được bà kể cho nghe những câu chuyện của người Mường: Sử thi đẻ đất đẻ nước, thằng Cuội… và hát ru, nhưng em vẫn chưa hiểu rõ lắm. Từ khi tham gia vào câu lạc bộ, chúng em được nghe và học những câu chuyện cổ, những bài hát ru cả điệu ví, Thường rang, Bộ mẹng nữa. Em cảm thấy tự hào vì mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ, là sân chơi lành mạnh sau những ngày lao động sản xuất vất vả, mà còn là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa Mường cổ. Nhờ đó, những giá trị ấy đến được với cộng đồng, với các tầng lớp và lứa tuổi trong xã hội, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhờ có câu lạc bộ, giới trẻ có cơ hội tìm tòi và hiểu sâu thêm về văn hóa dân tộc.
Khánh Linh(SV thực tập)