Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh) Bạch Công Thi cho biết: Mùa lễ hội năm nay có 96/245 phương tiện đủ điều kiện hoạt động, tăng so với mùa lễ hội năm 2018. Những phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, lực lượng chức năng không cho xuất bến, phương tiện chở quá số người quy định sẽ bị xử lý, đình chỉ hoạt động và chuyển khách sang phương tiện đủ điều kiện khác. Trật tự trên tuyến tốt hơn các năm trước, không xảy ra mất ANTT tại bến, không có hiện tượng tranh giành khách.
Con tàu 2 tầng Hòa Nguyên hơn 100 mã lực đưa chúng tôi rời bến, lướt sóng trên mặt hồ mênh mang. Mùa xuân, nước hồ trong xanh màu ngọc bích, mưa xuân lất phất trên mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Mực nước hồ thấp lộ ra những mỏm đá, đảo nhỏ với những hình thù lạ mắt, cảnh sắc như vịnh Hạ Long trên núi. Hai bên hồ là những khu rừng phòng hộ và bản làng của bà con các dân tộc Mường, Dao bảng lảng trong làn mưa bụi.
Sau hơn một giờ lướt sóng, tàu cập bến. Dòng người từ hàng chục chiếc tàu khác cùng nhộn nhịp đổ về đền Chúa Thác Bờ. Tương truyền, đền Chúa Thác Bờ gắn liền với chuyến đi dẹp giặc phản loạn đèo Cát Hãn của vua Lê Lợi vào năm 1431. Bà Đinh Thị Vân, người Mường ở Hào Tráng và một bà người Dao ở Vầy Nưa đã đứng ra lo liệu quân lương, thuyền mảng giúp vua vượt qua con thác dữ. Khi hai bà mất, vua truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ trên núi đá, đoạn ngang giữa Thác Bờ xưa. Khi công trình thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng, ngôi đền được dựng lại tại 2 địa điểm thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc) và xã Thung Nai (Cao Phong).
Tàu du lịch nhộn nhịp cập bến đưa du khách chiêm bái đền Chúa Thác Bờ, xã Thung Nai (Cao Phong) và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của hồ Hòa Bình.
Tàu khách thường cập bến lên đền Chúa Thác Bờ phía hữu ngạn sông Đà thuộc xã Thung Nai trước. Ngôi đền tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, có thế tựa lưng vào núi, nhìn ra hồ. Đền hiện đang được cải tạo, nâng cấp. Sau đó, tiếp tục di chuyển bằng tàu khoảng 15 phút, du khách đến đền Chúa Thác Bờ phía tả ngạn thuộc xã Vầy Nưa. Đền nằm trên đỉnh đồi Hang Thần, để lên đền du khách theo con đường nhỏ khoảng 100 bậc. Đền gồm 3 gian, mái kiểu vòm cuốn, kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh.
Sau khi thưởng ngoạn cảnh sắc và lễ bái, du khách không thể bỏ qua các đặc sản vùng hồ và sản vật địa phương như cá, tôm sông nướng, măng đắng, rau rừng… Cùng với sơn thủy hữu tình, nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh hấp dẫn du khách gần, xa, nhất là khi hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là điểm du lịch quốc gia. Những năm gần đây, du khách du ngoạn hồ Hòa Bình, đến đền Chúa Thác Bờ quanh năm, đặc biệt dịp sau Tết Nguyên đán.
Theo ghi nhận, mùa lễ hội đền Chúa Thác Bờ năm nay, công tác tổ chức, quản lý có chuyển biến tốt hơn. Song, tình trạng rải tiền lẻ tại ban thờ và đổi tiền lẻ vẫn diễn ra. Đường lên xuống tại đền ở xã Thung Nai chưa có lan can, nguy hiểm cho người đi lễ. Còn ở xã Vầy Nưa nhiều năm qua vẫn là đường đất nhỏ hẹp, chật chội, quá tải vào cuối tuần, khó đi khi trời mưa. Để lên, xuống tàu nhiều khi phải đi nối qua một thuyền khác, vừa bất tiện, vừa thiếu an toàn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng hành khách trên tàu, thuyền không mặc áo phao; hàng quán lấn chiếm lối đi, nướng cá gây khói mù mịt, thực phẩm bày bán không tủ che đậy. Sau khi hầu đồng, tiền lẻ được ném lung tung. Tình trạng đốt nhiều vàng mã, ăn xin vẫn còn... Những hình ảnh này cần được khắc phục để tuyến du lịch ngày càng đẹp, quy củ, hấp dẫn hơn.
Tuyến du lịch hồ Hòa Bình - đền Chúa Thác Bờ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là vào mùa xuân, dịp đầu năm. Năm nào cũng vậy, chúng tôi lại hòa cùng dòng người nô nức đi trẩy hội để vãn cảnh sông núi hữu tình, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
C.L