Các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước là điểm nhấn đặc biệt của Hội xuân Văn hóa - Thể thao huyện Kỳ Sơn xuân Kỷ Hợi 2019.
Hòa vào dòng người nô nức trẩy hội, chúng tôi về dự Hội xuân Văn hóa - Thể thao được huyện Kỳ Sơn tổ chức ngay trước rằm tháng giêng xuân Kỷ Hợi 2019. Trên khoảng không gian rộng của khu trung tâm xã Mông Hóa, Ban tổ chức cùng lúc triển khai nhiều hoạt động như: thi kéo co, bắn nỏ, trưng bày các gian hàng ẩm thực... Lượng người đổ về dự hội xuân ngày càng đông, nhất là khi những tiếng chiêng chúc xuân được gióng lên, mọi người đều đổ dồn sự quan tâm, chú ý hướng về nhà văn hóa trung tâm xã Mông Hóa - nơi diễn ra Liên hoan nghệ thuật quần chúng cơ sở xuân Kỷ Hợi. Hàng trăm chỗ ngồi trong nhà văn hóa xã không còn chỗ trống, nhiều người phải đứng phía sau, ngoài cửa, đứng bên các cửa sổ đểtheo dõi.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Kỳ Sơn cho biết: Hội xuân được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Qua nhiều năm tổ chức cho thấy bà con rất đón đợi và tích cực, hào hứng tham gia.
Đã thành thông lệ, trước Tết Nguyên đán hàng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tiến hành tuyển chọn nghệ nhân, vận động viên, diễn viên chuẩn bị cho việc luyện tập, tham gia hội xuân. Hội xuân năm nay, 100% xã, thị trấn tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng với phần thi gồm 2 tiết mục bắt buộc là trình tấu chiêng và ca múa nhạc. Bố cục các tiết mục thi như vậy để vừa đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phong phú, đa dạng, mới mẻ các tiết mục tham gia. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các địa phương đã có sự luyện tập, đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nhiều tiết mục đặc sắc, chất lượng cao như "Trình tấu Chiêng" của các em thiếu nhi xã Độc Lập, đội nghệ nhân xã Mông Hóa… Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Dạo một vòng các lễ hội lớn của tỉnh như: Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội Mường Động (Kim Bôi), lễ hội Mường Thàng (Cao Phong)… dễ dàng nhận thấy vị trí trung tâm, nổi bật của nghệ thuật quần chúng 4 Mường hiện nay vẫn là trình tấu chiêng, các điệu múa hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đối với lễ hội Xên bản, Xên Mường của người Thái thì các tiết mục văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái như múa Keng - loóng, múa xòe; lễ hội Gầu Tào của người Mông đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông với các tiết mục múa khèn, múa sênh tiền, biểu diễn võ thuật... Một số địa phương khác như Yên Thủy, Lương Sơn… nhiều năm nay duy trì được việc biểu diễn các bộ môn nghệ thuật đặc sắc khác như hát chèo. Ngoài ra, cũng nhân dịp đầu xuân, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như hội xuân, giao lưu văn nghệ, thể thao… biểu diễn các tiết mục văn nghệ, ca múa nhạc, dân vũ trẻ trung, hiện đại, được luyện tập và dàn dựng công phu.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Văn nghệ quần chúng có sức hút mạnh mẽ, việc phát triển phong trào luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền coi trọng. Toàn tỉnh hiện có 2.068 đội văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức được hơn 8.000 đợt biểu diễn, phục vụ trên 4 triệu lượt người xem. Việc bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống được chú trọng thông qua tổ chức các chương trình liên hoan hát dân ca, hội thi nghệ thuật quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc… Dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng thu hút hàng nghìn lượt diễn viên, nghệ nhân tham gia; nhiều tiết mục đạt chất lượng cao, dàn dựng công phu, đặc sắc, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng, cổ vũ cho hoạt động sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng.
Dương Liễu