Đội chiêng Mường xã Yên Thượng (Cao Phong) được thành lập, biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, thể thao và các sự kiện lớn trên địa bàn.
Chúng tôi có dịp về thăm xã vùng cao Yên Thượng của huyện Cao Phong vào những ngày đầu xuân. Hàng chục tay chiêng hòa điệu âm vang, lảnh lót khắp bản làng. Trò chuyện với một số người dân được biết: Dù điều kiện KT-XH của xã còn nhiều khó khăn, thế nhưng người dân luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống chiêng Mường. Trước đây, chỉ có người già, phụ nữ mới biết đánh chiêng nhưng giờ thì con trẻ cũng tham gia. Xã đã thành lập đội văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn hóa, có kế hoạch truyền dạy cho trẻ em, thành lập đội chiêng để giữ gìn văn hóa dân tộc, đồng thời phục vụ phát triển du lịch sau này.
Đồng chí Bùi Yến Minh, cán bộ Trung tâm VH -TT&TT huyện Cao Phong cho biết: Mường Thàng là một trong bốn vùng Mường lớn của tỉnh, vùng đất giàu truyền thống văn hóa còn lưu giữ được nhiều chiếc chiêng quý. Chiêng Mường đã tồn tại rất lâu trong đời sống văn hóa của người Mường. Chiêng chứng kiến tiếng khóc chào đời của trẻ thơ, chiêng cầu mong mùa màng tươi tốt, mang lại hạnh phúc, bình an. Đến khi về với Mường trời, tiếng chiêng cũng theo linh hồn của người đã khuất. Xã nào cũng có đội trình tấu chiêng Mường. Sau những giờ lao động vất vả, mọi người lại hội tụ về nhà văn hóa xóm, xã để tập luyện những bài chiêng truyền thống. Các cụ thì dạy trẻ nhỏ cách đánh chiêng. Cứ vậy, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, tiếng chiêng vang vọng theo thời gian.
Huyện Cao Phong đã quan tâm bảo tồn, giữ gìn nét đẹp chiêng Mường. Nhiều xã đã xây dựng được nghị quyết, kế hoạch bảo tồn chiềng Mường như Xuân Phong, Dũng Phong, Đông Phong... Nhiều nghệ nhân đã tâm huyết giữ gìn nét văn hóa chiêng Mường. Trong đó phải kể đến ông Bùi Ngọc Thuận, xóm Bưng 1, xã Thu Phong đã thành lập CLB văn hóa dân gian mong muốn quy tụ những người đam mê nhạc cụ dân tộc, ca hát để cùng nhau tập luyện, sáng tác và biểu diễn. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy vốn văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương. Ông Bùi Văn Mẻo, ở xã Dũng Phong dành nhiều tâm huyết sưu tầm, truyền dạy cho người dân biết đánh các làn điệu chiêng Mường...
Trên vùng đất Mường Thàng, những sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn các xóm, xã đều trình diễn chiêng Mường. Đặc biệt, những lễ hội truyền thống của người Mường Thàng không thể thiếu tiếng chiêng mở đầu khai hội. Chiêng Mường có mặt ở tất cả các lễ hội lớn ở Cao Phong như lễ hội Khai mùa Mường Thàng, lễ hội đền Bờ, lễ hội chùa Khánh… Lễ hội Khai mùa Mường Thàng, xã Dũng Phong được phục dựng và tổ chức vào dịp Tết đến, xuân về. Khắp các bản Mường lại ngân vang tiếng chiêng báo hiệu lễ hội khai mùa, cầu chúc một năm mưa thuận, gió hòa, nông dân sản xuất thành công, nhà nhà no ấm, xóm làng bình yên. Chương trình nghệ thuật chào mừng được mở màn với dàn trình tấu chiêng Mường của hàng trăm diễn viên là các nghệ nhân tay chiêng và diễn viên quần chúng tái hiện lại lịch sử của lễ hội, huyền thoại vườn hoa núi Cối; giới thiệu các đặc trưng văn hóa, sản vật tiêu biểu của huyện Cao Phong.
Theo đồng chí Bùi Yến Minh, Cao Phong cũng là một trong những huyện chủ công tham gia các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh như kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh, lễ hội chiêng đường phố; Đại hội thể dục - thể thao... Toàn huyện có khoảng 20 đội chiêng, khoảng 3.000 chiếc chiêng với 20 tay chiêng đánh được các làn điệu chiêng cổ. Trong đó, Xuân Phong và Dũng Phong là 2 xã có số lượng chiêng nhiều nhất với 800 chiếc. Cùng với việc phát huy giá trị của chiêng Mường, huyện Cao Phong cũng phát triển mạnh phong trào văn nghệ quần chúng có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát, những nghệ nhân, người am hiểu về văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc với mong muốn từ lời ca, tiếng hát, điệu múa, góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Hương Lan