(HBĐT) - Vừa qua, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và phục dựng Lễ hội đền Trường Khạ, xã Liên Vũ. Việc khôi phục lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.


Nghi lễ cầu mưa tại Lễ hội đền Trường Khạ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đền Trường Khạ thuộc xóm Chiềng, xã Liên Vũ, được khởi dựng từ thế kỷ XV. Trải qua nhiều lần bị đổ và hư hỏng, đến năm 1997, nhân dân trong vùng dựng lại bằng gỗ, mái lợi ngói, bên trong làm ban thờ bằng gỗ, bài trí bát hương bằng gốm và một số đồ thờ tự. Năm 2013, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, người dân xã Liên Vũ đã xây lại ngôi đền mới trên nền của ngôi đền xưa để làm nơi thờ phụng.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, từ khi khởi dựng cho đến nay, đền Trường Khạ phụng thờ 3 vị thần Kun Dòl - là người chuyên bảo trợ mùa màng nông nghiệp lúa nước và trồng trọt của người Mường và được nhân dân trong vùng Vôi - Trào (xưa) tôn làm thành thành hoàng. Tương truyền, có một năm trời đại hạn, con sông Bưởi cũng cạn kiệt nước, chỉ còn khúc sông ở chỗ sâu nhất gọi là lụng (đáy sông sâu) ở Khoang Khạ còn đọng vũng nước. Cánh đồng khô cằn nứt nẻ, cây lúa đang thời kỳ lên đòng không có nước nên không trổ được bông. Dân Mường lâm vào cảnh đói khát đã bỏ làng, bỏ Mường đi lưu lạc xứ khác làm ăn gần hết. Lúc này, trong Mường Trào có cụ tổ nhà ông Bùi Văn Xươm chưa đi. Đã mấy lần gia đình có ý định rời đi, nhưng trong nhà có nuôi 1 con chó mực ông rất quý, ông muốn mang nó đi theo nhưng con chó không chịu đi. Vào một đêm, ông đang do dự nửa đi, nửa ở thì bỗng nghe dưới lùm cây cà ở dưới góc sân, nơi con mực hay nằm, có con chim nhỏ kêu "búp búp! chắc chắc”. Đến sáng hôm sau, ông đi thăm đồng thấy những cây lúa đã căng đòng, liền cúi xuống xé 1 thân cây lúa, thấy trong đó đã hóa thành những hạt lúa chín vàng. Ông sung sướng gọi những gia đình còn lại ở trong Mường ra gặt lúa về.

Nghĩ lại tiếng kêu của con chim đêm hôm trước, ông cho đó là điềm báo tin lành của trời - đất - thần linh (3 ông Kun Dòl). Sẵn trong nhà có 1 con trâu trắng, ông cùng bàn với mọi người mổ con trâu làm lễ vật, lập đàn tạ ơn trời - đất và cầu cho trời mưa xuống. Vì hạn hán, không có nước nên ông đành phải dắt trâu trắng ra vũng Khoang Khạ để mổ trâu, nấu nướng ngay dưới lòng sông cạn. Ở trên bờ (chính là vị trí đền Trường Khạ ngày nay) lập đàn tế trời - đất. Sau khi làm lễ cầu được 3 ngày, 3 đêm thì trời đổ mưa. Năm ấy, các Mường trong vùng được mùa lớn. Để tạ ơn thần linh, trời đất, nhân dân trong Mường Vôi - Trào cho lập đền thờ để nhớ công ơn của 3 ông Kun Dòl và tôn các ông làm thành hoàng làng.

Cứ 3 năm 1 lần, vào ngày 15/3 âm lịch, dân Mường mở hội tại đền, gọi là hội Cầu Mùa. Đây là sự kiện tín ngưỡng, văn hoá tâm linh quan trọng được tổ chức quy mô, bài bản với sự tham gia của cả cộng đồng dân cư trong vùng Vôi - Trào xưa, với nhiều nghi trình, nghi thức và trò diễn văn hóa dân gian độc đáo của người Mường tại địa phương, bao gồm: lễ rước 3 ông Kun Dòl, lễ bắn trâu trắng bằng ôổng thoóng (ống phốc), lễ cầu mưa, lễ ban nước lành và hội đánh cá dưới Khoang Khạ. Sau phần lễ, người dân trong vùng cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian truyền thống của người Mường như: vật, thi bơi, thi lặn, thi chèo bè, quăng chài, ném còn, đánh mảng, thi đấu thể thao và giao lưu văn nghệ… là những trò chơi phổ biến được tổ chức trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân.

Qua nghi trình, nghi thức của lễ hội và các trò chơi văn hóa dân gian truyền thống tại di tích, những người đi dự lễ hội bày tỏ lòng nhớ ơn, kính trọng các vị thần đã có công với nhân dân, luôn phù hộ cho dân an, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Việc phục dựng và tổ chức Lễ hội đền Trường Khạ là nhu cầu cần thiết đối với nhân dân huyện Lạc Sơn nói chung, đặc biệt là nhân dân xã Liên Vũ nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Hồng Ngọc


Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục