Bài 2 - Duy trì sự bền vững của nghề, nghề truyền thống

(HBĐT) - Đánh giá của BTV Tỉnh ủy cho thấy, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 13/6/2014, các làng nghề, ngành nghề nông thôn đã đạt được kết quả nhất định. Nghị quyết nhận được sự đồng thuận từ cơ sở. Nhận thức của người dân có chuyển biến tích cực về ngành nghề nông thôn. Nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) phát triển đa dạng, mang lại thu nhập đáng kể cho kinh tế hộ, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn.


Làng nghề mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tạo được chữ tín trên thị trường bởi sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. 

Tác động tích cực tới phát triển KT - XH

Tháng 8/2017, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết. Hiện, xóm có trên 50 hộ làm nghề, cho thu nhập ổn định. Khởi điểm từ năm 1994, nghề gỗ lũa, đá cảnh ở đây mới có 5-6 hộ làm tự phát. Đến nay, nghề gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết đã trở thành làng nghề đặc trưng với mặt hàng phong phú, nổi tiếng như: các loại tượng bằng gỗ, đá, bàn, ghế, tủ, kệ… được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, xóm có 6 nghệ nhân, 60 thợ kỹ thuật lành nghề và gần 300 lao động tham gia sản xuất, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật điêu luyện cũng như sản phẩm phục vụ cuộc sống thường ngày có chất lượng, qua đó đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình với mức bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết đã góp sức giúp xã Lâm Sơn sớm về đích nông thôn mới.

Có thể nói, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của BTV Tỉnh ủy, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đáp ứng người dân có nhu cầu phát triển nghề, làng nghề, LNTT. Có không ít gia đình tự xác định ngành nghề, chủ động SX-KD mang lại thu nhập khá. Mục tiêu Nghị quyết số 11 đề ra là đến năm 2020, tỉnh sẽ công nhận 10 làng nghề, nhưng đến nay đã có 11 làng nghề, LNTT được công nhận, vượt 1 làng nghề so với chỉ tiêu. Giá trị sản xuất các nhóm ngành nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan; ngành nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất nghề nông thôn; hàng thủ công mỹ nghệ… đều có sự tăng trưởng tích cực.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 800 hộ làm nghề và hơn 1.100 lao động tham gia trong các làng nghề, LNTT. Có trên 1.000 lao động tại các cơ sở được đào tạo nghề và tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất.

Hàng năm, các làng nghề đều xây dựng kế hoạch SX-KD bám sát tình hình phát triển KT - XH của địa phương và sản xuất các sản phẩm đặc trưng, bản sắc như: nhóm sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm các dân tộc Mường, Thái, Mông ở Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn; gỗ lũa, chế tác đá cảnh ở Lương Sơn, Lạc Thủy; nghề nấu rượu, làm rượu cần ở Yên Thủy, Mai Châu, TP Hòa Bình… đã góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Cần lắm phát triển nghề, làng nghề bền vững

Mặc dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế được biết, hiện tại, trong tỉnh số cơ sở làng nghề còn ít, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình nên chưa thực sự thu hút lao động địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động bao tiêu sản phẩm liên kết với làng nghề, do vậy đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ. Lao động đào tạo nâng cao tay nghề tại các cơ sở ngành nghề nông thôn còn thấp. 

Ngoài ra, công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các làng nghề chủ yếu là thủ công, thiết bị lạc hậu, việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, chưa ổn định, chưa có thị trường xuất khẩu, khả năng tiếp thị sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn yếu. Công tác đăng ký thương hiệu, thiết kế cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp hạn chế; chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống…

Từ góc nhìn cơ sở, đồng chí Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn đã được tỉnh và các sở: KH&CN, Công Thương, NN&PTNT hỗ trợ. Tuy nhiên đến nay, các gia đình trong làng nghề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn mang tính chất đơn lẻ. Huyện mới chỉ hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện giúp các hộ trong làng nghề quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, để thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững, huyện sẽ có các văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển hoạt động SX-KD trong làng nghề.

Qua tìm hiểu được biết, thực tế ở Lương Sơn cũng là thực tế của nhiều làng nghề trong tỉnh. Do vậy, với định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các nghề, LNTT theo hướng phát triển bền vững; triển khai xây dựng sản phẩm các làng nghề đạt tiêu chuẩn theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong thời gian tới, việc thực hiện các giải pháp được đề ra tại Kết luận số 98, ngày 4/10/2017 của BTV Tỉnh ủy cần được đẩy mạnh, đó là: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, LNTT. Tăng cường phát triển, bảo tồn và chuyển giao ứng dụng KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng nguồn vốn từ ngân sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; thay thế các công nghệ lạc hậu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu mây, tre, đan tại các xã có tiềm năng. 

Tập trung đào tạo nghề, truyền nghề và bảo tồn cho các làng nghề. Trong đó, chú trọng đào tạo, truyền nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế tác đá cảnh, gỗ lũa, thủ công mỹ nghệ... nhằm giúp người lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn...

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa sản phẩm và hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho LNTT; tổ chức các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm; gắn kết làng nghề với phát triển du lịch, hình thành tuyến du lịch làng nghề; hỗ trợ cơ sở sản xuất, làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn xây dựng thương hiệu…


Bình Giang


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục