Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đem đến cho người nghệ sĩ những lợi thế sáng tác, tiếp cận công chúng; song cũng đặt ra không ít thách thức với giới mỹ thuật nước nhà trong việc cập nhật, ứng dụng công nghệ và đáp ứng những yêu cầu của "sân chơi" nghệ thuật hiện đại.
Triển lãm số "Ấn tượng phản chiếu: Van Gốc và tác phẩm" thu hút công chúng.
Có thể thấy, thành tựu của CMCN lần thứ tư đã làm thay đổi một số yếu tố chính trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, như: Phương thức sáng tạo, phổ biến tác phẩm; tiếp nhận nghệ thuật của công chúng và vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả. Khác với truyền thống, giờ đây, thậm chí không cần nhà xưởng, vật liệu, chỉ với một chiếc máy tính người nghệ sĩ cũng thiết kế được tác phẩm và làm ra sản phẩm bằng máy in 3D với nhiều chất liệu; nhờ công nghệ để tạo nên những hiệu ứng khác lạ về ánh sáng, hình ảnh. Công nghệ in 3D, thực tại ảo và các hình thức nghệ thuật trên không gian số cũng làm thay đổi cách thưởng thức, tiêu dùng nghệ thuật của công chúng; nhờ in-tơ-nét, ngồi một chỗ mọi người vẫn có thể theo dõi được các triển lãm, thậm chí tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm. In-tơ-nét và mạng xã hội góp phần hình thành thị trường mỹ thuật trực tuyến, kết nối trực tiếp công chúng tới từng nghệ sĩ hoặc sàn giao dịch giúp việc cung ứng và sử dụng dịch vụ hiệu quả. Trên mạng xã hội Facebook đã có một số nhóm trang chuyên ngành mỹ thuật trong nước bán đấu giá tranh trực tuyến hiệu quả, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia, đó là: Vietnam Art Space, Vietnam Art Now, All about Art and Artits, Chi Art Space…
Trong xu thế hiện đại, hội nhập, nhiều loại hình nghệ thuật mới - nghệ thuật hậu hiện đại được du nhập, phát triển, nhất là trong giới nghệ sĩ trẻ, như: sắp đặt, trình diễn, video art, nghệ thuật cộng đồng… Hệ thống phòng tranh và vai trò của giám tuyển phát triển, dần hoạt động chuyên nghiệp theo xu hướng quốc tế. Công nghệ hiện đại được sử dụng trong công tác lưu giữ, bảo quản, phục hồi và chỉnh sửa các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; nhiều tác phẩm được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo… Thời gian qua, mỹ thuật Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các dự án, triển lãm, tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số, nổi bật có: Dự án nghệ thuật "Into Thin Air" do không gian nghệ thuật Manzi thực hiện năm 2016; các triển lãm "Thực tế tăng cường" năm 2018 tại L’Espace và "Ấn tượng phản chiếu: Van Gốc và tác phẩm" năm 2019 do Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA tổ chức... Ðiểm chung của những dự án này là sử dụng các ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả sống động khi trải nghiệm tác phẩm.
Bên cạnh đó, CMCN lần thứ tư còn làm thay đổi cách thức đào tạo, phương thức giáo dục nghệ thuật truyền thống khi sử dụng công nghệ mới, chủ yếu là đào tạo từ xa; tác động và làm thay đổi hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan…
Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), TS Từ Mạnh Lương nhận xét, CMCN lần thứ tư tác động rất lớn đối với ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Trong khi đó, phần lớn các nhà quản lý chuyên ngành chưa thật sự hiểu rõ và cập nhật các công nghệ mới, xu thế phát triển công nghệ đó tác động tích cực, tiêu cực và mang lại cơ hội, thách thức gì đối với chính ngành nghề của mình? Ðây là một rào cản khá lớn mang tầm chiến lược. Hiện nay, các chính sách chủ yếu tập trung vào việc phát triển ngành, chưa có chính sách đặc thù riêng cho việc thích ứng với CMCN lần thứ tư và thiếu sự liên kết với các bộ, ngành liên quan. Ðiều quan trọng nhất là phải có nguồn nhân lực với kỹ năng công nghệ để phát huy năng khiếu sáng tạo. Giờ đây, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình nước nhà đang ngày càng đông đảo, nhất là nghệ sĩ trẻ; các lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng… có số lượng lên đến hàng nghìn người. Họ có tri thức, nhiệt tình, chịu khó tìm tòi cả trong sáng tác và các hoạt động giám tuyển, xây dựng dự án, tổ chức sự kiện…, hình thành đội ngũ họa sĩ, nhiếp ảnh gia "kỹ thuật số" hoạt động sôi nổi.
Tuy nhiên, theo TS Từ Mạnh Lương, hầu hết nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao và thành tựu mới; chưa nhận thức được tầm quan trọng và nắm bắt để ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tác phẩm, sản phẩm và dịch vụ… PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Khoa Ðồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định, thế hệ sinh viên mới rất linh hoạt và dễ thích ứng, không phải lúc nào cũng chịu đặt mình trong môi trường đào tạo học thuật chính quy. Họ là những người biết xác định và thúc đẩy sự tiến bộ, thành công của mình qua việc tận dụng công nghệ và hệ thống hỗ trợ mạng trực tuyến. Do vậy, phương pháp đào tạo cách đây khoảng 10 năm mà hầu hết các giảng viên đang sử dụng khó có thể áp dụng với thế hệ người học này. Ðược biết, hiện nay tại các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng phần lớn sinh viên đều chọn theo học thiết kế đồ họa, nhưng ngay cả nội dung và chương trình đào tạo vẫn theo lối mòn, chậm đổi mới. Trong khi đó, để làm được việc khi ra trường, người học cần đủ năng lực để sử dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế các trang mạng nhằm nâng cao hiệu quả thẩm mỹ trong quá trình sáng tạo hình ảnh, như: Dreamweaver, Flash, Thiết kế các trang mạng 3D- Engine Web3D…
Một vấn đề cũng được đặt ra, là việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan, bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện tử, thông tin và in-tơ-nét đã tạo ra cơ hội tiếp cận, chia sẻ tác phẩm một cách cởi mở. Bởi lẽ đó, cần lưu ý vấn đề bản quyền của các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo làm ra thuộc về ai, tác phẩm này có được bảo hộ quyền tác giả hay không?... Trong bối cảnh nạn vi phạm bản quyền mỹ thuật nhiếp ảnh vẫn còn nhức nhối, đây sẽ là những mối lo khiến cả giới sáng tác và nhà quản lý tiếp tục phải đối mặt.
Theo báo Nhân Dân
Nằm trong Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam, cuốn sách Dòng tranh dân gian Ðông Hồ của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản vừa ra mắt bạn đọc có nhiều giá trị tư liệu đặc sắc, cung cấp thêm những kiến thức mới về dòng tranh dân gian nổi tiếng này.
(HBĐT) - Xã Tân Vinh (Lương Sơn) là một trong những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh của huyện. Thông qua lời ca, điệu múa đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường đem lại sức sống mới trong đời sống tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới.
(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm động Nam Sơn vào những ngày cuối tháng 7. Đường đi khá vất vả, mất chừng 40 - 50 phút đi xe máy từ trung tâm xã Nam Sơn. Nhưng bù lại, được khám phá vẻ đẹp huyền bí, mộng mơ trong lòng động như chốn bồng lai tiên cảnh giữa đại ngàn các xã vùng cao huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Tối 2/8, UBND tỉnh tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020. Dự liên hoan văn nghệ có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
(HBĐT) - Liên hoan nghệ thuật quần chúng (NTQC) huyện Cao Phong năm 2019 đã thực sự trở thành ngày hội của các diễn viên, nghệ nhân và của nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong. Với hơn 60 tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc do các đội văn nghệ quần chúng cơ sở biểu diễn đã mang đến liên hoan một bức tranh màu sắc phong phú, giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của địa phương và để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Bài 2 - Duy trì sự bền vững của nghề, nghề truyền thống
(HBĐT) - Đánh giá của BTV Tỉnh ủy cho thấy, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 13/6/2014, các làng nghề, ngành nghề nông thôn đã đạt được kết quả nhất định. Nghị quyết nhận được sự đồng thuận từ cơ sở. Nhận thức của người dân có chuyển biến tích cực về ngành nghề nông thôn. Nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) phát triển đa dạng, mang lại thu nhập đáng kể cho kinh tế hộ, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn.