(HBĐT) - Trong những ngày hè oi bức, thác Mu chẳng khác nào một "cơn mưa rào" mát lạnh xối sạch cảm giác khó chịu do nắng nóng gây ra. Dòng nước kỳ vĩ ào ào tuôn xuống từ độ cao trên 100 m tung bọt trắng xóa. Ngắm dòng thác thôi đã thấy mát lịm. Tắm rồi mới thấy cái sự mát lịm thấm đến từng tế bào da, mang lại cảm giác sung sướng, hồn nhiên giống hệt như lũ con trẻ được ùa ra đón mưa rào và đá bóng. Có những ngày cao điểm, cả nghìn người đã tìm đến xóm Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) chỉ để được đắm mình trong "cơn mưa rào” bất tận đó.
Trong mùa hè, vẻ đẹp kỳ vĩ và mát lạnh của thác Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) tiếp tục tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều du khách.
Nhóm bạn sinh viên gồm 8 người của Nguyễn Ngọc Lam, tổ 9, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) rủ nhau về Hòa Bình chơi 3 ngày cuối tuần. Trời nắng nóng, lại nghe tiếng đã lâu nên cả nhóm quyết định đi chơi thác Mu. Khá tiện đường, chỉ cần bắt xe buýt đi hơn 50 km từ trung tâm thành phố vào đến thị trấn Vụ Bản, rồi thuê xe máy đi khoảng 15 km nữa là đến thác Mu.
Mới 9h, các bãi gửi xe đã khá đông. Cũng như những người khác, nhiều nhất vẫn là các bạn trẻ, nhóm bạn của Ngọc Lam hào hứng đi bộ men theo con đường nhỏ. Bên trái có dòng suối trong veo, róc rách chảy từ đầu đường đến gần chân thác. Xung quanh là đồi núi bát ngát xanh, những cung ruộng bậc thang vàng rộm thoảng thơm mùi lúa chín. Vào gần chân thác hơn bắt đầu xuất hiện san sát những chiếc lán làm bằng tre, nứa, mái lợp cỏ gianh được người dân bản địa dựng lên để bán hàng kết hợp cho du khách thuê chỗ nghỉ ngơi trước và sau giờ tắm. Chỉ vài phút đi bộ, các bạn trẻ nơi phố thị ồn ào đã hoàn toàn bị chinh phục bởi khung cảnh đồng quê bình yên như tranh vẻ và bầu không khí thanh khiết đặc trưng của vùng núi cao mang một cái tên ấn tượng: Tự Do.
Tự Do là xã vùng cao của huyện Lạc Sơn, nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, nơi đây vốn có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với hệ sinh thái phong phú, quần thể sinh vật đa dạng. Đặc biệt, vài năm gần đây, "thỏi nam châm” làm nên sức hút nổi bật cho xã Tự Do là danh thắng thác Mu.
Thác nằm ở xóm Mu. Ngọn thác được xác định nằm ở độ cao trên 1.000 m thuộc đoạn đầu tiên của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Vào mùa nước - tức là mùa hè từ tháng 4 - 10, dòng nước nguồn mẹ thiên nhiên ban tặng cứ thế dào dạt, tinh khiết, mạnh mẽ từ thượng nguồn hào phóng đổ xuống tạo thành từng tầng thác trắng xóa tuyệt đẹp. Chính vì sự hùng vĩ tuyệt đẹp đó nên thác Mu được ví như "thác Bản Giốc" của tỉnh Hòa Bình.
Anh Bùi Chuẩn, đại diện Ban quản lý danh thắng thác Mu cho biết: Có những ngày cao điểm, Ban quản lý bán ra gần 2.000 vé thăm quan. Con số này đã thể hiện sức hút mạnh mẽ của thác Mu. Đồng thời, đặt ra thách thức đòi hỏi các cơ quan quản lý và lực lượng chuyên trách cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để vừa giữ gìn được vẻ hoang sơ hấp dẫn của thác, vừa khiến du khách hài lòng với sản phẩm du lịch mà họ đang trải nghiệm.
Được biết, bắt đầu từ tháng 4/2018, thác Mu được huyện Lạc Sơn chính thức khai thác trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng của địa phương. Sau khi đầu tư một số hạng mục thiết yếu tại khu vực tắm thác và thu vé vào cổng theo quy định 10.000 đồng/người (miễn phí vé vào cổng đối với cư dân xã Tự Do, trẻ em và thanh, thiếu niên dưới 15 tuổi), các dịch vụ nơi đây đang bước đầu đáp ứng nhu cầu thăm quan và trải nghiệm của du khách.
Đến với khu danh thắng thác Mu, đầu tiên, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên, thỏa sức bơi lội dưới dòng nước mát lạnh xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè. Tắm xong, nghỉ ngơi ngay tại các lán lá gần đó, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân tộc được chế biến độc đáo đúng theo cách của người Mường bản địa như ốc đá, cua đá chấm mắm tỏi, cá suối chiên lá lốt, gà đồi nướng, rau rừng đồ thập cẩm, ếch om măng chua… Ăn kèm với các món đặc trưng của người miền sơn cước không thể thiếu các loại rau gia vị thanh mát, tươi xanh vốn chỉ mọc ở những nơi nước sạch như nước suối thác Mu.
Sau bữa ăn đặc sản dân dã, du khách tiếp tục chuyến du lịch thác Mu để có thêm những trải nghiệm lý thú khác như: tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt và lao động của người bản xứ; ngủ trong những nếp nhà sàn truyền thống của người Mường Lạc Sơn; đốt lửa trại và trong bập bùng ánh lửa cùng nhau uống chum rượu cần, nhảy múa, ca hát giao duyên với đội văn nghệ quần chúng của xã Tự Do… Chắc chắn, đó sẽ là những giờ phút đưa mọi người đến gần nhau hơn, xóa nhòa mọi khoảng cách về lứa tuổi, dân tộc, đúng với tinh thần cốt lõi của loại hình du lịch cộng đồng mà những người làm du lịch ở thác Mu đang hướng tới.
Thu Trang
Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đem đến cho người nghệ sĩ những lợi thế sáng tác, tiếp cận công chúng; song cũng đặt ra không ít thách thức với giới mỹ thuật nước nhà trong việc cập nhật, ứng dụng công nghệ và đáp ứng những yêu cầu của "sân chơi" nghệ thuật hiện đại.
(HBĐT) - Ngày 7/8, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) phối hợp với Bảo tàng di sản văn hóa Mường tổ chức khai mạc lớp tập huấn chiêng Mường cho 60 học viên là học sinh lứa tuổi từ 10-15 tuổi và nhóm hội viên phụ nữ, thanh niên (nhóm 25-35 tuổi).
Với lịch sử 100 năm hình thành và phát triển (1919-2019), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng cùng những giá trị văn hóa, di sản mà nơi này đang lưu giữ.
Nằm bên phá Tam Giang, làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) mang dáng dấp hoang sơ với cảnh đầm phá, thuyền chài sông nước bình yên. Vài tháng gần đây, khi những bức tường trong làng được các họa sĩ và tình nguyện viên đến từ một số trường đại học của Huế trang trí thành bức họa nhiều mầu sắc, Ngư Mỹ Thạnh trở nên sống động, tươi mới hơn, là điểm đến thu hút đông khách du lịch.
Một góc làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh.
Ngày 5-8, Ban tổ chức giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần thứ 12 năm 2019 công bố danh sách 10 đề cử chính thức của giải năm nay. Trong đó, nhiều hoạt động, việc làm của thành phố Hà Nội đã lọt vào danh sách đề cử này.
Hội đồng giám khảo làm việc.
Nằm trong Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam, cuốn sách Dòng tranh dân gian Ðông Hồ của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản vừa ra mắt bạn đọc có nhiều giá trị tư liệu đặc sắc, cung cấp thêm những kiến thức mới về dòng tranh dân gian nổi tiếng này.