Đội văn nghệ xã Phong Phú (Tân Lạc) biểu diễn tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2019.
Đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Là đơn vị được Sở VH-TT&DL chọn đại diện cho tỉnh tham gia thi tại Hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh lân cận được tổ chức tại tỉnh, ngay sau khi có quyết định, huyện Tân Lạc đã khẩn trương xây dựng nội dung, kịch bản để tập luyện. Trong đó, nội dung thi đội tuyên truyền lưu động được dàn dựng chủ đề xuyên suốt về biển đảo gồm 5 tiết mục: múa hát "Bài ca Trường Sa - Hoàng Sa”, tốp ca nam "Đàn ghi ta một dây”, múa "Giữ biển”, đơn ca nữ "Sức sống Trường Sa” và kịch ngắn "Lá thư chưa kịp gửi”. Các tiết mục đã được diễn viên, tuyên truyền viên của đội biểu diễn thành công, được đánh giá cao và đoạt giải nhì tại Hội thi. Sau Hội thi, các tiết mục này tiếp tục được biểu diễn phục vụ người dân trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Tan Lạc được đánh giá là một trong những huyện có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, đồng đều, luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh và có nhiều diễn viên, nghệ nhân tiêu biểu được chọn tham gia hội thi, hội diễn. Bên cạnh đó, tại các địa phương, hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi giải trí lành mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Không chỉ tổ chức vào các dịp lễ, Tết mà vào các buổi sinh hoạt, hội họp của các hội, đoàn thể... đều có các tiết mục văn nghệ của người dân tự biên, tự diễn.
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện ngày càng sôi nổi, rộng khắp, được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Hiện nay, 100% xã, thôn, xóm đều có đội văn nghệ quần chúng (VNQC) và câu lạc bộ (CLB) văn nghệ. Trong những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Anh Lê Phi Sơn, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Mường Khến cho biết: Trước sự đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí, phong trào VNQC trên địa bàn thị trấn vẫn phát triển mạnh mẽ và có sức sống. Hiện nay, thị trấn có 8 đội văn nghệ, 12 CLB văn nghệ cùng sở thích. Bên cạnh việc tập luyện biểu diễn các tiết mục văn nghệ hiện đại, các đội, CLB còn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, tiêu biểu như đội văn nghệ khu 6, khu 7, khu 2… Đặc biệt, các nghệ nhân thường xuyên truyền dạy những làn điệu chiêng Mường, dân ca, dân vũ cho thanh niên, trẻ nhỏ, những người có đam mê văn hóa truyền thống dân tộc. Hàng năm, vào dịp Quốc khánh 2/9, các đội văn nghệ, CLB sở thích đều có các tiết mục văn nghệ biểu diễn phục vụ bà con.
Phong trào VNQC phát triển mạnh đã góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua việc lồng ghép vào nội dung kịch, tiểu phẩm, hoạt cảnh. Các chương trình biểu diễn luôn thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào VNQC ở địa phương. Cũng từ phong trào VNQC đã phát hiện nhiều nhân tố tiêu biểu, tạo nguồn cho phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện tham gia hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức.
Đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết thêm: Để phong trào VNQC lan tỏa sâu rộng và có sức sống trong cộng đồng dân cư, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ tại trung tâm huyện và một số địa phương. Tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Tân Lạc năm 2019 được tổ chức vào tháng 7 vừa qua đã thu hút trên 500 nghệ nhân, diễn viên của 22 đoàn đến từ các xã, thị trấn trong toàn huyện. Các đoàn đã mang đến hội diễn trên 80 tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước… được dàn dựng công phu, bố cục chặt chẽ, nội dung rõ ràng, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Điển hình như đội văn nghệ các xã: Quyết Chiến, Phú Cường, Ngọc Mỹ, Gia Mô, Phong Phú, Đông Lai, thị trấn Mường Khến… Ngoài những nghệ nhân, diễn viên nòng cốt, các đội văn nghệ đã tập hợp được lực lượng diễn viên trẻ kế cận cho phong trào văn nghệ tại địa phương.
Phong trào VNQC ngày càng có sức lan tỏa, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các địa phương. Việc khơi dậy, phát triển phong trào VNQC cơ sở đã tạo sân chơi giải trí lành mạnh trong nhân dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hồng Ngọc
(HBĐT)- Tại
Nhà Văn hóa huyện Kỳ Sơn, Sở VH-TT&DL vừa tổ chức công diễn và trao thưởng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Kịch sân khấu
không chuyên tỉnh năm 2019.