(HBĐT) - Đền Đôi Cô Cửa Chương thuộc xã Hiền Lương (Đà Bắc) là điểm du lịch tâm linh nằm trong hành trình du lịch hồ Hòa Bình, hiện là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Đền Đôi Cô được lập tại bến Chương thờ 2 nữ tùy tùng của bà Đinh Thị Vân, người đã có công lao giúp vua Lê Lợi đánh giặc. Đền tọa lạc trên đỉnh đồi Bo thuộc xóm Mơ, xã Hiền Lương, cách địa điểm đền Hai Cô cũ khoảng 100 m, mặt đền quay hướng Đông Nam. Đền có diện tích khoảng 500 m2, được thiết kế 3 gian 2 chái, gồm phần nhà Đại Bái và Hậu Cung, đầu mái uốn cong, 4 góc mái đắp nổi hình phượng, trên bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, kết cấu bằng bê tông chắc chắn.
Truyền thuyết kể rằng: Vào năm 1431, vua Lê Lợi đưa hàng vạn quân men theo dòng sông Đà tiến đánh Đèo Cát Hãn qua nơi này. Càng đi đoàn quân của vua Lê Lợi càng gặp phải nhiều khó khăn về giao thông và quân lương. Khi đoàn quân đến địa phận Thác Bờ, do địa hình núi non hiểm trở, hai bờ sông là vách đá dựng đứng, giữa sông là ghềnh thác lô nhô, nước sông chảy xiết. Người dân địa phương hay tin đoàn quân của vua Lê Lợi đang tiến đánh giặc giữ nước. Bà Đinh Thị Vân - con gái của Lang Mường cùng 2 nữ hầu gái đã đứng ra kêu gọi thanh niên trai tráng trong vùng cùng chung tay góp sức, giúp đoàn quân của vua Lê Lợi vượt qua Thác Bờ đi đánh giặc. Thanh niên trai tráng chặt gỗ to khoét làm thuyền độc mộc, chặt tre, bương đóng bè mảng để đưa đoàn quân qua sông, phụ nữ góp lúa gạo, quân lương tiếp tế cho đoàn quân của vua Lê Lợi tiến bước.
Được sự giúp đỡ của dân chúng quanh vùng, đoàn quân do vua Lê Lợi lãnh đạo đã đánh tan giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Sơn La). Sau khi thắng trận trở về đến Thác Bờ, vua Lê Lợi đã cho san bãi, dựng trại khao quân mừng chiến thắng. Nhà vua đã dùng thanh kiếm vạc đá khắc bài thơ ghi lại chiến công của quân và dân xứ Mường. Hiện nay, bia Lê Lợi được lưu giữ tại đồi Hang Thần, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) và trở thành điểm du lịch lịch sử, tâm linh trên hồ Hòa Bình.
Niềm vui chiến thắng của đoàn quân chưa trọn vẹn thì được tin báo thuyền của bà Đinh Thị Vân cùng 2 nữ hầu cận của bà trên đường về gặp mưa to, gió lớn đã bị đắm chìm. Vua Lê Lợi lập tức ra chiếu chỉ cho quân và nhân dân dọc 2 bên bờ sông Đà tìm kiếm, nếu thấy thi thể của các bà ở đâu thì chôn cất, đồng thời lập đền thờ phụng để ghi ơn. Sau vài ngày, thi thể của bà Đinh Thị Vân trôi dạt vào luồng rừng (tức luồng thác Bờ), nhân dân mai táng và lập đền thờ bà Đinh Thị Vân. Vua Lê Lợi đã tặng bà Đinh Thị Vân danh hiệu Bà Chúa Thác Bờ. Thi thể 2 nữ hầu cận trôi dạt về bến Chương, thuộc xã Hiền Lương, được nhân dân an táng và lập đền thờ tại bến Chương. Với tấm lòng trượng nghĩa vì nước quên thân đang ở độ tuổi trăng tròn, nhà vua đã lập đền thờ và phong tặng hiệu úy đền Đôi Cô Cửa Chương.
Để tưởng nhớ công đức, hàng năm, từ ngày 7 - 9 tháng giêng âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Bà Chúa Thác Bờ và 2 cô gái người hầu của bà, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe, xóm làng yên vui. Lễ dâng cúng là các sản vật của địa phương như: thịt trâu, thịt lợn, thịt gà, xôi đồ, cơm lam, rượu, hoa quả... Quá trình cúng tế được chia làm 2 phần là cúng mời ăn và cúng thôi. Sau khi tiến hành xong phần lễ là phần hội được tổ chức với một số trò chơi dân gian như: hát Đúm, múa Xòe, đánh đu, ném còn... Hiện nay, đền Đôi Cô Cửa Chương là điểm đến của người dân trong vùng và du khách về dự hội, chiêm bái, vãn cảnh.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Tối 11/9, huyện Kỳ Sơn tổ chức chương trình "Đêm hội trăng rằm” cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tham dự đêm hội có hơn 500 học sinh đại diện cho các trường học trên địa bàn huyện.
Nhân kỷ niệm lần thứ 74 năm Quốc khánh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine phối hợpĐại học Tổng hợp quốc gia Taras Shevchenko, tổ chức lễ giới thiệu cuốn sách dịch một số tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Ukraine, trong đó có Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với mong muốn lưu giữ và quảng bá nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc, cô gái trẻ Hoàng Hương Giang đã thực hiện một dự án táo bạo: Xây dựng sân khấu múa rối nước thu nhỏ ngay giữa trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh.
(HBĐT) - Trong những ngày giữa tháng 8 vừa qua, Hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh lân cận được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người dân TP Hòa Bình và diễn viên của 9 tỉnh: Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái.
(HBĐT) - Cuộc thi Người đẹp xứ Mường năm 2019 đang là tâm điểm trong chuỗi hoạt động chuẩn bị cho Tuần lễ Văn hóa - du lịch của tỉnh sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới. Cuộc thi được chuẩn bị khá chu đáo, triển khai đúng kế hoạch, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và các bạn trẻ tham gia, hướng tới mục tiêu tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của người con gái xứ Mường.
Lần đầu tiên Truyện Kiều được đưa lên sân khấu nhạc kịch với kịch bản được dịch sang tiếng Pháp, do các nghệ sĩ tài năng của Pháp và Việt Nam thể hiện, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace, sân khấu kịch Idecaf và Trung tâm văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Vở diễn sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ tối thứ bảy 25-9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.