Với mong muốn lưu giữ và quảng bá nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc, cô gái trẻ Hoàng Hương Giang đã thực hiện một dự án táo bạo: Xây dựng sân khấu múa rối nước thu nhỏ ngay giữa trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh.


 Hoàng Hương Giang cùng nghệ nhân rối nước Phan Thanh Liêm.

Hoàng Hương Giang xuất thân trong một gia đình Hà Nội gốc, có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Ông nội cô là nhạc sĩ Hoàng Giác, bác ruột cô là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, còn bố cô là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Nhuận Kỳ. Giang từng nhiều năm làm tiếp viên hàng không, cô thường dành thời gian sau những chuyến bay tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa dân gian các nước, và nhận thấy người nước ngoài rất yêu thích nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Nhưng có một thực tế mà Giang nhận thấy, hàng đoàn khách nước ngoài xếp hàng dài lũ lượt trước cửa hai nhà hát múa rối nước lớn nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi tối. Thế nhưng, các phường rối truyền thống nhỏ tại các làng quê Bắc Bộ lại dần biến mất và thất truyền. Điều này đã khiến Hương Giang trăn trở với việc lưu giữ nét nghệ thuật truyền thống này cho đời sau, mang múa rối nước trở lại với sự gần gũi, dân dã, kể cả khi cô đã trở thành một doanh nhân trẻ.

Cô gái sinh năm 1985 luôn suy nghĩ về việc quảng bá nghệ thuật dân gian như thế nào cho người nước ngoài và chính người Việt Nam. Từ những trải nghiệm của bản thân, cô đã ấp ủ một kế hoạch đưa nghệ thuật múa rối nước dân gian vào không gian ẩm thực Đậu Homemade của mình, với một sân khấu múa rối có đầy đủ nhà thủy đình, hồ nước... tại số 52 Lê Lai, (P.Bến Thành, Q.1, TP Hồ Chí Minh).

Thay vì mời các nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, Giang cùng các nhân viên của mình nhiều tháng theo học nghệ nhân Phan Thanh Liêm (Hà Nội) - truyền nhân bảy đời của dòng họ Phan nổi tiếng về múa rối ở miền bắc và là người đã khai sinh ra sân khấu múa rối nước thu nhỏ - để được dạy về các bài rối, các tích trò dân gian. Hằng ngày, đích thân cô chủ 8x xỏ chân vào đôi ủng của bộ đồ cao su, ngâm mình trong nước sau tấm rèm để biểu diễn phục vụ khán giả.

"Những ngày đầu, khi tôi cùng nhân viên ra từng bàn giới thiệu, khách nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên thích thú còn khách Việt Nam khá e dè. Nhưng sau những suất diễn đầu tiên, càng ngày càng có nhiều người Việt Nam biết tới sân khấu múa rối nước của chúng tôi, đăc biệt là gia đình có các em nhỏ”. Giang chia sẻ.

Không chỉ biểu diễn, Giang và các cộng sự của mình còn giới thiệu những sự tích, hướng dẫn cách điều khiển rối cho người xem. Có những tích hiện đại như đua xe và lồng ghép vào đó là nội dung giáo dục an toàn giao thông rất vui và dễ hiểu khiến khách thích thú. Sau này Giang và các cộng sự nhận được rất nhiều email từ các trường học, các cô giáo đăng ký cho học trò xem múa rối.

Với Hoàng Hương Giang, văn hóa và ẩm thực là hai điều không thể tách rời. Trong vai trò là hội viên và là giám đốc phụ trách ẩm thực phía Nam của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Giang đã cố gắng xây dựng không gian ẩm thực của mình đậm nét văn hóa. Phường rối nước của Đậu Homemade không chỉ diễn cố định tại cơ sở 52 Lê Lai mà thường xuyên lưu diễn tại các chi nhánh khác. Bên cạnh đó, những góc quán được trang trí như một phòng tranh nhỏ với tác phẩm của các danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... càng khiến không gian ẩm thực này thêm tinh tế, đậm chất văn hóa Việt.

Hương Giang chia sẻ về lý do đã thôi thúc cô xây dựng sân khấu múa rối nước giữa lòng Sài Gòn: "Tôi sợ rằng một ngày nào đó sẽ phải nhờ người nước ngoài giải thích cho thế hệ sau của chúng ta về nghệ thuật múa rối nước. Tại sao người Việt có thể bỏ vài trăm, thậm chí vài triệu cho một đêm nhạc mà ngại ngần vài chục nghìn đi xem môn nghệ thuật dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi hiểu rằng phải có một cách tiếp cận khác. Chỉ cần mỗi một ngày nhìn ra sau tấm rèm, tôi thấy đông khách Việt Nam hơn là vui rồi”.

Điều đáng nói, phường rối nhỏ do Hương Giang thành lập còn đến các trường học, bệnh viện, trung tâm thiếu nhi để phục vụ các em nhỏ. "Nếu các nhà hát không thể kéo chân lũ trẻ đến xem múa rối nước thì chúng tôi sẽ mang múa rối nước đến tận nơi”, Giang cho biết.

Trung thu này, Đậu Homemade tổ chức nhiều hoạt động thú vị, trong đó dấu ấn là sự kiệnTrung thu ở Đậu có gì?tại 52 Lê Lai. Vào đêm 13-9 (tức 15-8 âm lịch), gia đình cùng các bé sẽ được tham gia vào các trò chơi dân gian, nặn tò he, trang trí những lồng đèn xinh xắn để rước đèn phá cỗ. Không chỉ vậy, Đậu Homemade cũng tổ chức tour diễn múa rối nước, để các con được vừa học vừa chơi, hiểu biết hơn những "chuyện ngày xưa" mà không hề thấy nhàm chán.

TheoNhanDan

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục